25/11/2024 lúc 18:00 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Doanh nghiệp vận tải lao đao vì dịch

Chưa kịp phục hồi sau hơn 1 năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19, thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục lao đao vì dịch bùng phát và diễn biến phức tạp. Nhiều nhà xe đã phải cắt giảm chuyến, hoạt động cầm chừng, thua lỗ và gặp khó khăn trong việc đảm bảo việc làm cho người lao động.

Chưa kịp phục hồi sau hơn 1 năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19, thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục lao đao vì dịch bùng phát và diễn biến phức tạp. Nhiều nhà xe đã phải cắt giảm chuyến, hoạt động cầm chừng, thua lỗ và gặp khó khăn trong việc đảm bảo việc làm cho người lao động.

Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên thưa vắng khách.

Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan có 250 đầu xe chạy taxi, bus và xe hợp đồng ở 3 tỉnh là Thái Nguyên, Bắc Kạn và Tuyên Quang. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 2-5 đến nay, chỉ có 30% xe của Công ty hoạt động. Chị An Thị Hồng Thanh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Chúng tôi hiện có hơn 600 cán bộ, nhân viên, người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Nếu như trước đây, thu nhập trung bình của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng thì nay giảm xuống còn hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù kinh doanh thua lỗ, nhưng chúng tôi cũng nỗ lực đóng bảo hiểm cho người lao động đầy đủ. Để từng bước vượt qua khó khăn, Công ty đã có văn bản đề nghị một số ngân hàng gia hạn nợ; đồng thời, đề xuất các đơn vị chức năng giảm phí bảo trì đường bộ, gia hạn đăng ký, đăng kiểm xe.

Tương tự, đối với Công ty CP Vận tải Nam Việt Vịnh, 10 chiếc xe bus chạy trong tỉnh của Công ty, lượng khách cũng đã giảm tới 80%. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty thông tin: Các xe của chúng tôi hiện đang hoạt động cầm chừng, thu không đủ bù chi. Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì chạy cầm cự để giữ chân khách hàng và mong dịch sớm được đẩy lùi để hoạt động vận tải phục hồi.

Đối với Hợp tác xã Vận tải Chùa Hang, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cũng đang gặp nhiều khó khăn. Anh Nghiêm Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Chúng tôi hiện có trên 100 đầu xe, trong đó có 60 xe chạy tuyến cố định ở 35 bến xe, thuộc 12 tỉnh, thành trong cả nước. Chưa kịp hồi phục sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 thì nay chúng tôi lại phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tại thời điểm này, lượng khách rất ít, nhiều tài xế phải nghỉ việc, trong khi chi phí vận hành và tiền lãi ngân hàng chúng tôi vẫn phải đóng đều đặn. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đóng đầy đủ lệ phí đỗ bến, phí bảo hiểm vật chất, bảo hiểm trách nhiệm dân sự… Trước khó khăn trên, chúng tôi kiến nghị các đơn vị chức năng miễn phí bảo hiểm vật chất, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và phí bảo trì đường bộ trong thời gian các xe ngừng hoạt động. Cùng với đó, đề nghị miễn giảm lệ phí đỗ ở các bến xe bởi đa phần các doanh nghiệp vận tại hiện đều đang trong tình trạng thua lỗ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên (Công ty CP Vận tải Thái Nguyên) cho biết: Trước đây, trung bình mỗi ngày có 390 xe xuất bến nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến ngày 20-5, tại Bến chỉ còn hơn 200 xe xuất bến/ngày. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã có văn bản xin tạm dừng hoạt động do chịu tác động của dịch COVID-19, chúng tôi đều không thu lệ phí đỗ bến. Hiện nay, đơn vị cũng nhận được văn bản đề nghị giảm lệ phí đỗ bến của một số doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Chúng tôi đã tiếp nhận và cuối tháng sẽ tổng hợp để báo cáo HĐQT Công ty xem xét, giải quyết.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 100 doanh nghiệp, với hơn 3.000 đầu xe hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp, hợp tác xã tuy thu không đủ bù chi nhưng vẫn gắng gượng xoay xở để hoạt động cầm cự chờ qua đại dịch. Để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hợp tác xã, rất cần sự hỗ trợ vào cuộc của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ giảm lãi vay, gia hạn nợ. Đối với ngành Giao thông Vận tải cần kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ. Về phía các doanh nghiệp vận tải cần làm tốt công tác phòng dịch nghiêm ngặt, đảm bảo phục vụ người dân đi lại an toàn.