27/12/2024 lúc 13:17 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh

Trong những năm gần đây, với sự đổi mới chương trình giáo dục, nhiều trường học đã kết hợp với đơn vị lữ hành tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh tham gia các hoạt động tìm hiểu về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước và trải nghiệm kỹ năng sống góp phần mang lại hiệu quả trong học tập.

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Chương trình Famtrip “Thái Nguyên - Điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh” với sự tham gia của trên 15 doanh nghiệp, đơn vị lữ hành cùng các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh.

Đoàn Famtrip tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái.

Và tại Khu sinh thái Nhà Tôi Thái Nguyên đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề: “Thái Nguyên - Điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh”. Tham dự tọa đàm có các đại biểu là lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, TP. Thái Nguyên; Hiệp Hội du lịch tỉnh; các công ty, doanh nghiệp lữ hành du lịch các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên), các lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đại diện các điểm đến trong tỉnh cùng toàn bộ các thành viên trong đoàn Famtrip.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đánh thức tiềm năng du lịch; tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Tỉnh Thái Nguyên hiện có 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó 302 di tích đã được xếp hạng, 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 232 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hơn 535 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 59 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 3 sao, 25 công ty hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch.

Tại buổi tọa đàm các ý kiến tham luận của các công ty nữ hành và cơ quan quản lý giáo dục, đều đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch của Thái Nguyên; đặc biệt là thế mạnh để khai thác phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tạo sân chơi cho học sinh trải nghiệm về kỹ năng sống. Các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục và mong muốn Thái Nguyên triển khai thực hiện quyết liệt hơn các đề án, kế hoạch về phát triển du lịch tỉnh đã đề ra. Với các điểm đến, cần đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp; xây dựng các tour, tuyến du lịch, dịch vụ đa dạng, có bản sắc riêng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng.

Kết luận tại buổi Tọa đàm, đồng chí Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Chương trình. Đồng chí cũng nhấn mạnh: Tỉnh Thái Nguyên luôn mong muốn các đơn vị lữ hành trong cả nước cùng các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, kết nối và lan tỏa để du lịch Thái Nguyên ngày một phát triển, thu hút được nhiều du khách đến với Thái Nguyên đặc biệt đối tượng khách là học sinh, sinh viên.

Thái Bình