16/04/2024 lúc 13:10 (GMT+7)
Breaking News

Thái Bình: Chủ động hệ điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương, Thái Bình đã chủ động chuẩn bị mọi hệ điều kiện, vận dụng linh hoạt, phù hợp với từng địa phương và nhà trường, chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên cũng như của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng chỉ số phát triển con người của tỉnh. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, đồng bộ cơ cấu và được chuẩn hóa. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hóa. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2.

Chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các huyện và thành phố. Trình độ hiểu biết, năng lực và phẩm chất của học sinh phổ thông được nâng cao, chất lượng giáo dục văn hóa, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ và tin học được tăng cường, giáo dục mũi nhọn được chú trọng. Tỷ lệ học sinh Thái Bình trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng luôn đứng tốp đầu cả nước. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng, nhiều mô hình học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề được tổ chức lại, chất lượng đào tạo được nâng lên. Công tác quản lý giáo dục, đào tạo có chuyển biến tích cực; công tác xã hội hóa giáo dục đạt kết quả tốt.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình đổi mới phương pháp dạy học thông qua việc thiết kế chủ đề bài học thành các hoạt động với mục tiêu, nội dung, cách thức và sản phẩm cụ thể.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 433 cơ sở giáo dục giáo dục phổ thông 12.101 lớp với 406.128 học sinh; có 389/433 (89,83%) cơ sở giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trong đó cơ sở giáo dục tiểu học có 119/120 (đạt 99,1%); trung học cơ sở có 102/106 (đạt 96,2%); tiểu học và trung học cơ sở có 140/167 (đạt 84,4%); trung học phổ thông có 28/39 (đạt 71,7%).

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trước, trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban ngành liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn thể nhân dân như: Thông qua báo đài, tổ chức các hội nghị, hội thảo... để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường giới thiệu, viết bài trên các báo, đài về gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình trong đổi mới, sáng tạo, đặc biệt có thành tích cao trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động đưa tin bài, phản ánh nội dung giảng dạy và học tập hàng ngày các hoạt động trong các nhà trường lên trang Website, trang Fanpage của nhà trường và của phòng Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tuyên truyền tới cha mẹ học sinh địa chỉ website, trang Fanpage để cập nhật, chia sẻ thông tin, tạo sự đồng thuận và ủng hộ từ dư luận xã hội.

Một tiết học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Ủy ban nhân tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo mời lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học trực tiếp quán triệt, tập huấn tới tất cả lãnh đạo, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo và cán bộ quản lý các trường phổ thông về các Nghị quyết; tổ chức các hội nghị triển khai tới 100% cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn tỉnh các văn bản của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014-2022 tại địa phương. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho cán bộ quản lý, giáo viên được tổ chức thực hiện hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hằng năm, căn cứ các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân tỉnh chủ động giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục và các đơn vị liên quan triển khai kịp thời nhằm đảm bảo tốt nhất các hệ điều kiện để ngành giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bám sát Kế hoạch của tỉnh; chủ động thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Hướng dẫn các nhà trường tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành khung tài liệu nội dung giáo dục địa phương và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; hướng dẫn cha mẹ học sinh đăng ký mua sách giáo khoa cho học sinh, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa trước khi bước vào năm học mới.

Công tác kiểm tra về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục trên địa bàn được chú trọng, đặc biệt trong thời điểm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành Giáo dục Thái Bình đã được nhiều đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm tra, đánh giá cao kết quả đã đạt được, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, căn cứ các văn bản của các cấp, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ, thường xuyên về công tác chuẩn bị hệ điều kiện thực hiện đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo; thường xuyên nắm bắt tình hình, kiểm tra các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tập trung kiểm tra về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; bảo quản và sử dụng các phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, máy tính của các cơ sở giáo dục; công tác bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ, thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, việc chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa…Sau kiểm tra đều có đánh giá, rút kinh nghiệm; phúc tra việc khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 theo các văn bản hướng dẫn chuyên môn đối với cấp tiểu học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Cụ thể: Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học; thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên; các hoạt động bán trú được tổ chức trong khoảng thời gian từ sau giờ học buổi sáng đến trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều, thông qua hoạt động bán trú góp phần rèn luyện học sinh về kỹ năng sống, đạo đức, tính kỷ luật, tự phục vụ, trách nhiệm, chia sẻ, yêu thương…; tổ chức ăn trưa, bán trú phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh.

Đối với giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh phù hợp với điều kiện của đơn vị và đáp ứng nguyện vọng của học sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục phổ thông, các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên cơ bản đã chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cơ bản đã được khắc phục. Các cơ sở giáo dục đã áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá và xếp loại học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng hệ thống câu hỏi kiểm tra đánh giá theo 4 mức độ: Biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao cho mỗi chủ đề; xây dựng ma trận đề kiểm tra chung. Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiếp tục được đa dạng hóa các hình thức đánh giá, chuyển dần từ đánh giá một chiều sang đánh giá đa chiều. Kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh, giáo viên đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh chính xác, công bằng, khách quan. Kế hoạch dạy học các chủ đề/bài học được giáo viên thiết kế bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể.

Về lựa chọn sách giáo khoa tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu thành lập các hội đồng lựa chọn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác truyền thông về chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện nghiêm túc quy trình đề xuất, lựa chọn Sách giáo khoa bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, đúng pháp luật, vì quyền lợi của học sinh; hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh chủ động trong việc đảm bảo đủ sách giáo khoa. Kết quả lựa chọn sách giáo khoa lớp 1: có 5/6 bộ sách được 286 trường có cấp tiểu học lựa chọn; có 13 bộ sách/9 môn học của lớp 2; 16 bộ sách/12 môn học của lớp 6, sách giáo khoa lớp 3 có 22 cuốn; sách giáo khoa lớp 7 có 23 cuốn, sách giáo khoa lớp 10 có 33 cuốn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, sách giáo khoa được lựa chọn có sự đa dạng về các bộ sách của các nhà xuất bản.

Từ thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương, Thái Bình kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đầu tư ngân sách cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, ưu tiên thiết bị giảng dạy hiện đại cho các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương cần tham mưu với Nhà nước, Chính phủ có những chính sách đãi ngộ kịp thời đối với giáo viên, tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn, trình độ chính trị để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, sớm sửa đổi Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với quy định hiện hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vị trí việc làm, số lượng người làm việc tại các trường phổ thông công lập; quy định về quản lý dạy thêm học thêm; điều lệ Hội Cha mẹ học sinh; chỉ đạo các trường đại học sư phạm xây dựng mã ngành đào tạo giáo viên đối với những môn tích hợp…. Các cơ quan, tổ chức có liên quan quan tâm bố trí các nguồn lực tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm bảo trình độ đạt chuẩn theo quy định Luật giáo dục năm 2019; phân bổ đủ biên chế theo định mức quy định và tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên kịp thời để đảm bảo điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

NGUYỄN HỒNG

Nguyễn Hồng