Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo” đã mang lại những kết quả bước đầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi.
Với mục tiêu phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, trở thành một trong những đối tượng con vật nuôi chủ lực của tỉnh, góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính nhằm chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người chăn nuôi, ngày 15/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”.
Để đề án đi vào thực tiễn, căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển đàn trâu, bò, xác định mục tiêu cho năm 2020, năm 2025; trong đó, các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà, Đông Hưng đã cụ thể số lượng con, nhu cầu diện tích đất dành cho chăn nuôi trâu, bò đến từng xã. Từ tỉnh đến huyện đã thành lập ban chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn; xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò.
Trang trại của anh Đoàn Văn Cường, xã Vũ Hội (Vũ Thư) mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sau hơn 1 năm thực hiện đề án, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước đạt 57.200 con, tăng 2.382 con so với năm 2018, tốc độ tăng số lượng đàn đạt 2,12%/năm; sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng đạt 10.000 tấn, tăng 7,61%/năm; tỷ lệ giá trị sản xuất chăn nuôi trâu, bò trong giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 3,72% năm 2018 lên 4,33% năm 2020. Ứng dụng khoa học kỹ thuật được tăng cường và cải thiện, nhất là công tác giống. Đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn 14.000 con, tăng 5.500 con so với năm 2018. Thể vóc, trọng lượng bò cái nền hiện nay cao hơn nhiều so với trước đây, đạt khoảng 210 - 250kg/con, nhiều vùng đạt tới 270 - 280kg/con. Kết quả bình tuyển, đánh giá, phân loại bò sinh sản của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tại 295 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, với tổng số 1.630 con trâu, bò sinh sản cho thấy, có trên 90% đàn bò sinh sản có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn giống. Chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung thúc đẩy việc chế biến thức ăn cho bò (ủ chua, ủ vi sinh), đầu tư máy thu gom rơm, trồng cỏ, ngô sinh khối...
Cùng với phát triển đàn bò, công tác xử lý môi trường được quan tâm. Thông qua gần 40 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường do ngành Nông nghiệp triển khai, hiệu quả về giảm mùi hôi, giảm lượng nước thải phát sinh, giảm công lao động, tiết kiệm điện nước... được người dân đánh giá cao, đang được nhân rộng.
Năm 2019, 2020, các đơn vị trong ngành Nông nghiệp đã tổ chức 93 lớp tập huấn, bổ sung, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cho trên 5.700 lượt người chăn nuôi; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đào tạo thêm cho tỉnh 7 dẫn tinh viên.
Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Triển khai thực hiện đề án, nhận thức của người dân có chuyển biến rất rõ, phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp xuất hiện nhiều. Toàn huyện có 79 hộ chăn nuôi quy mô từ 5 con trâu, bò sinh sản trở lên, bước đầu hình thành liên kết một số khâu trong chuỗi như: con giống, thức ăn chăn nuôi... Người dân đã nhận thấy hiệu quả của công tác phối giống nhân tạo, tỷ lệ đàn bò được phối giống nhân tạo ngày một tăng lên. Huyện đã rà soát chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các xã duyên giang, quy hoạch diện tích bỏ hoang, trồng trọt kém hiệu quả, triền đê xây dựng vùng trồng cỏ với diện tích 196,3ha, quy hoạch vùng chăn nuôi diện tích 24ha tại xã Phúc Thành.
Chăn nuôi bò được đánh giá mang lại thu nhập kinh tế khá, ổn định cho nông dân. Theo tính toán, mỗi con bò cho thu lãi từ 600.000 - 800.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện đề án tỉnh, tiến độ thực hiện đề án chậm, hầu hết các mục tiêu đề án năm 2020 chưa hoàn thành. Việc xây dựng, bổ sung quy hoạch diện tích đất dành cho chăn nuôi trâu, bò của các địa phương triển khai chậm. Đến nay chưa có “trang trại lõi”, chưa có hệ thống trại, hộ chăn nuôi trâu, bò vệ tinh để hình thành chuỗi liên kết theo đề án.
Theo ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tiếp tục tạo động lực cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi trâu, bò nói riêng khi chưa có “trang trại lõi”, các địa phương cần rà soát, bố trí quỹ đất để ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi trâu, bò, nhất là dự án có quy mô lớn, vừa; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp phát triển đàn trâu, bò trong các trang trại, nông hộ. Ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong chăn nuôi trâu, bò; tổ chức lại sản xuất, từng bước thực hiện hiệu quả liên kết chuỗi./.