VNHN - So với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn non trẻ, các yếu tố như: hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và văn hóa vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện từng bước. Đây là những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong xu thế khởi nghiệp đang lên...
Ảnh minh họa - Internet
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), những năm gần đây, Việt Nam liên tục tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).
Những bước tăng trưởng nhảy vọt kể trên đã đưa hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam lọt top 3 Đông Nam Á. Từ 400 năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và hơn 3.000 trong năm 2018. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt cũng đã tăng gấp 3 lần giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 lên gần 900 triệu USD.
Các startup Việt đang ở giai đoạn vàng phát triển và Việt Nam là thị trường mới là yếu tố chính để tỷ lệ thành công này cao hơn mặt bằng thế giới. Khẳng định điều này, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc dự án của Vietnam Silicon Valley cho hay: "Những startup ra đời trong giai đoạn 5 năm trở lại đây có nhiều cơ hội trở thành số 1, số 2 trên thị trường do không phải cạnh tranh với các DA lớn cũng như các đối thủ khác"...
Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách được quy định tại các quyết định và đề án của Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền địa phương về việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế về số lượng, các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật cũng như chưa thực sự kjp thời đáp ứng được yêu cầu về phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp...
Bên cạnh đó, nhiều startup khởi nghiệp khi còn chưa tích lũy đủ kinh nghiệm xây dựng công ty, kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực theo đuổi và năng lực tài chính. Ngoài ra, các startup Việt cũng phải cải thiện nhiều trình độ ngoại ngữ để có thể làm việc với các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài.
Thực tế hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn đang thiếu cân đối trong phát triển. Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được thúc đẩy chính chỉ ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ có ở quy mô địa phương mới có thể tạo ra những môi trường thúc đẩy đầu tư kinh doanh và gia tăng quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua cách tạo dựng môi trường khởi nghiệp hợp lý.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện một số nội dung sau: Rà soát, tổng hợp đề xuất việc sửa đổi, thay thế hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để vừa đảm bảo tính thống nhật, đồng bộ trong hệ thống, vừa hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đồng thời, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đén tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp tại cơ quan, đơn vị cũng như trên cổng thông tin điện tử của bộ, ban ngành và địa phương, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các startup.
Phát hiện và nhân rộng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả, tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với đại diện cơ quan Nhà nước. Cùng với đó, nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề, phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Thực hiện tốt vai trò là kenh quan trọng phản biện chính sách về doanh nghiệp, cho phép cộng đồng doanh nghiệp được giám sát và đánh giá hoạt động của các cơ quan chính quyền để làm cơ sở cải thiện chất lượng dịch vụ.
Đẩy mạnh việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp bằng nhiều hình thức như bằng văn bản, qua mạng điện tử, điện thoại… Ngoài ra, cần tuyên truyền, phố biến các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng các buổi hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách, thông tin pháp lý và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật.
Chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời năm bắt, tiếp nhận, tận dụng các cơ hội, ưu đãi từ chính sách, Nhà nước và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau...