24/01/2025 lúc 08:43 (GMT+7)
Breaking News

Tạo "độ mở" luật để đất nước hội nhập sâu rộng hơn

VNHN - Trong phiên làm việc chiều nay 31-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Nhiều đại biểu cho rằng, dự án Luật cần nâng cao tính tương thích so với các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có CPTPP.

VNHN - Trong phiên làm việc chiều nay 31-5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Nhiều đại biểu cho rằng, dự án Luật cần nâng cao tính tương thích so với các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có CPTPP.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng).

Phát triển phụ trợ bảo hiểm

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, nội dung của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm thể hiện rất rõ các chủ trương về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, cụ thể là những nỗ lực chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tuy vậy, để hậu kiểm thật sự khả thi, cân bằng giữa mục tiêu tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi khách hàng tham gia bảo hiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước... cần có cơ chế, chính sách để thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, an toàn, bền vững. Ngoài ra, khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cần siết chặt quản lý, giám sát nhằm bảo đảm sự an toàn của thị trường bảo hiểm cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.

"Khái niệm "phụ trợ bảo hiểm" được Chính phủ đề xuất coi như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tương tự như bốn ngành nghề kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Thế nhưng, việc chủ thể được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ngoài tổ chức sẽ đồng nghĩa với việc cá nhân cũng có quyền được cung cấp dịch vụ này", đại biểu Lã Thanh Tân lưu ý.

"Đây là điểm thông thoáng nhằm mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong thực hiện quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, theo nhu cầu nội tại của thị trường bảo hiểm cũng như yêu cầu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, dự án Luật cần đưa ra những cải thiện rõ nét hơn về chuyên môn, tiêu chuẩn của cá nhân hoạt động phục vụ phụ trợ bảo hiểm", đại biểu Quốc hội của TP Hải Phòng nhận định.

"Mở" hơn để hội nhập sâu hơn

Liên quan đến một số quy định được bổ sung cho Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, một số đại biểu cho rằng, Ban Soạn thảo cần xem xét, sửa đổi một số thuật ngữ mang tính kỹ thuật theo hướng tạo "độ mở" cho dự án Luật, tương thích với các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các bên, trong đó có Hiệp định CPTPP.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ băn khoăn về thuật ngữ miêu tả "các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý" ở Điều 80. Cụ thể, dự án Luật trình Quốc hội sử dụng thuật ngữ "hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan ở Việt Nam", với thay đổi so với thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là "hàng hóa ở Việt Nam" và trong Hiệp định CPTPP là "trong lãnh thổ".

Trong khi đó, các quy định về bảo hộ trí tuệ - vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm - tại dự án Luật lại chưa thể hiện rõ "độ mở" tương thích với Hiệp định CPTPP. Điển hình như tại Điều 18.18 của Hiệp định CPTPP quy định "các loại dấu hiệu được xem là nhãn hiệu" gồm ba dạng: nhìn thấy được bằng mắt thường, âm thanh và mùi hương. Thế nhưng, trong dự án Luật chỉ đề cập tới dạng "nhìn thấy được" tại Điều 72.

"Họ mở cho ta ba cánh cửa, vậy mà ta lại tự ràng buộc cho bản thân một cánh cửa duy nhất. Điều này phải chăng là một sự lãng phí, khi đất nước đã bước vào quá trình hội nhập sâu rộng từ lâu?" - đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt vấn đề.

Cũng liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Minh Tuấn còn nêu ý kiến về sự chậm trễ của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn nhằm xác định giá trị làm lợi từ các sáng chế, sở hữu trí tuệ công nghiệp, dù Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ năm 2005 và Nghị định 103 về hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã được ban hành vào năm 2006.