14/01/2025 lúc 03:16 (GMT+7)
Breaking News

Tăng trưởng nhanh nhưng Việt Nam bao giờ " hoá rồng, hoá hổ "

VNHN - Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó chỉ là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu. Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa "hóa rồng", "hóa hổ".

VNHN - Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó chỉ là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu. Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa "hóa rồng", "hóa hổ".

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Tỉnh Phú Thọ)

Sáng 30/10, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương 2020. Cùng với phần thảo luận của đại biểu, các thành viên Chính phủ sẽ được mời phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề cập việc giải quyết vướng mắc liên quan tới thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo đại biểu Trang, sau khi hoàn thành dự án này, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh, dù năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn đốc thúc chủ đầu tư là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC). Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng.

Nêu vấn đề chậm trễ trong triển khai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt câu hỏi: "Tại sao một số tuyến đường khác chưa cấp thiết, xây dựng xong nhưng lượng xe lưu thông không nhiều thì được thực hiện nhanh chóng, trong khi tuyến đường này lúc nào cũng khó khăn, vướng mắc?".

Vào cuối tháng 9, lãnh đạo Chính phủ đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, và cho hay đã đồng ý bố trí hơn 3.000 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ hai dự án nêu trên.

"Hi vọng sau kỳ họp Quốc hội, với sự quyết liệt của các ngành, các cấp, tuyến cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ sẽ hoàn thành đúng tiến độ, tiến tới đầu tư tuyến cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn 2021-2025 để đến năm 2025, chúng ta sẽ có tuyến cao tốc hiện đại, thông suốt từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau", ông Nguyễn Quốc Hận nói.

Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đặt vấn đề chậm phân bổ nguồn vốn trong xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài, Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái). Đây là 2 tuyến đường quan trọng đã được Chính phủ hoàn thành kí kết hiệp định vay vốn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khởi công dự án trong quý IV/2020 theo đúng tiến độ.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thành công tác điều chuyển tài sản, hạ tầng giao thông các tuyến đường từ tỉnh lộ thành quốc lộ các tuyến Mường Nhé qua Pắc Ma – Mường Tè – Pa Tần (quốc lộ 4H) và tuyến Mường Kim - Huội Quảng (quốc lộ 279D) trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700 USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.

Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300 USD; 2018 khoảng 8.400 USD).

“Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn. Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa "hóa rồng", "hóa hổ" ”, đại biểu nói.

 

3 rào cản cho phát triển nông nghiệp

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nêu những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đưa ra giải pháp, mục tiêu phát triển.

Theo ông Lưu Thành Công, rào cản lớn nhất của nông dân không phải là vốn, kỹ thuật canh tác nông nghiệp mà là thông tin thị trường. Hiện nay, người nông dân không nhận được thông tin chính thống mà phụ thuộc phần nhiều vào đại lý thu mua, vào thương lái. Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, bi kịch kêu cứu về hàng nông sản vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Rào cản thứ 2 đối với sản xuất nông nghiệp là việc tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Bên cạnh đó, tư duy kinh tế còn nhỏ lẻ. “Hiện nay, chúng ta còn chưa phân rõ tỉnh nào sẽ làm đầu tàu trong kinh tế vùng”, ông Công nói.

Cuối cùng là rào cản về tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông đánh giá, các địa phương vẫn chưa chuyển được từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang ra làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau.

"Do vậy, Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ"

Đại biểu đoàn Vĩnh Long cũng đề nghị, Chính phủ sớm có một chương trình tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ. Đồng thời, sớm thành lập ban chỉ đạo hoặc ban điều phối để thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường sự liên kết giữa các địa phương.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.

Đại biểu đoàn Bắc Ninh cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định.

Theo ông Nguyễn Như So, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, mang lại thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…

“Thực tế cho thấy, đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”, ông So nói.

Cũng theo ông So, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường. “Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận định kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng tăng trưởng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Việt Nam là nhóm nước tăng trưởng cao nhất ASEAN, kinh tế có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, nếu tầm nhìn 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu tại Hội trường sáng 30/10

Ông Lộc đưa ra cảnh báo một số nguy cơ với nền kinh tế. Theo đó, ngành chế biến chế tạo đang có tỷ lệ hàng tồn kho lớn chưa từng có. Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ hàng tồn kho khu vực này là 17,3%. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

“Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng 8,2%, chỉ bằng phân nửa tốc độ tăng cùng kỳ, bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu có những bất lợi, khi xuất sang EU, Nhật Bản giảm tốc, vào Mỹ là tăng nhưng tiềm ẩn nhiều lo ngại”, ông Lộc nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn. Do đó, ông đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

Không được tự chủ tiền lương, bệnh viện khó giữ bác sỹ giỏi

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) nêu quan điểm vấn đề tự chủ tại bệnh viện công lập. Theo bà Hằng, thực hiện cơ chế tự chủ đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc.

Thứ nhất, các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sỹ giỏi và có năng lực.

Thứ hai, việc thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.

Thứ ba, quy định về tỷ lệ nhân viên y tế trên số giường bệnh không còn phù hợp.

Từ những phân tích trên, đại biểu Hằng đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Đồng thời, Bộ Y tế và các bộ liên quan tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý.

 Việt Nam dự kiến hoàn thành và vượt toàn bộ chỉ tiêu

Ngày 21/10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm nay, Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến đây là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Bức tranh Kinh tế - Xã hội 2019

Thủ tướng cho biết tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.

Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD.

Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu ngân sách vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).