24/01/2025 lúc 20:10 (GMT+7)
Breaking News

Tăng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ vượt cú sốc COVID-19

Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19. Để đạt được mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và năng suất, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp phải được đặt ở trung tâm của các chính sách đổi mới sáng tạo.

Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19. Để đạt được mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và năng suất, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp phải được đặt ở trung tâm của các chính sách đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh họa

Nhiều dư địa cho tăng cường đổi mới sáng tạo và số hóa

Trong 10 năm qua, KH&CN và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu - GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 - 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp.

“Báo cáo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đánh giá Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển ấn tượng trong 30 năm qua; đồng thời chỉ rõ sự cần thiết của mô hình tăng trưởng theo định hướng đổi mới sáng tạo và năng suất. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát càng cho thấy nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của WB, Việt Nam còn nhiều dư địa cho tăng cường đổi mới sáng tạo và số hóa trong doanh nghiệp khi phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ, mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường. Có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.

Ưu tiên phát triển năng lực cho DN bắt kịp ‘đường biên công nghệ’

Để đạt được mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và năng suất, các chuyên gia của WB khuyến nghị doanh nghiệp phải được đặt ở trung tâm của các chính sách đổi mới sáng tạo với tư cách là chủ thể chính sử dụng tri thức, thay vì chỉ chú trọng khu vực hàn lâm (như các trường đại học và tổ chức nghiên cứu) thực hiện hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) như hiện nay.

Báo cáo cũng cho rằng, khung chính sách khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện đang quá tập trung vào mục tiêu tạo ra công nghệ mới hướng đến phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất (hay còn gọi là đường biên công nghệ - technological frontier), mà không chú trọng triển khai các hoạt động tiếp nhận và phổ biến công nghệ hiện có. Hệ quả là hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa sẵn sàng thực hiện các hoạt động R&D còn yếu kém trong công tác quản lý và tay nghề công nhân cũng chưa thực sự cao.

Thêm vào đó, Việt Nam cần nâng cấp các phương thức quản lý, tăng cường đổi mới sản phẩm và quy trình, nâng cao năng lực lĩnh hội công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sau đó tiến tới tạo ra công nghệ, cải thiện số lượng, chất lượng và sự phù hợp của lực lượng lao động. Số tiền tài trợ từ danh mục đầu tư dành cho việc thúc đẩy áp dụng công nghệ và nâng cao kỹ năng quản lý vẫn ở mức thấp, lần lượt là 16,6% và 7,6%.

Với định hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, trong thời gian tới, để tăng cường đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất.

Các chính sách này hướng tới hỗ trợ theo từng nhóm công nghệ nhất định như: Xây dựng chiến lược hỗ trợ đổi mới công nghệ theo ngành kinh tế; khuyến khích và hỗ trợ nhập khẩu công nghệ; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0; tăng cường tác động 'lan tỏa' và liên kết thuận/ngược.

“Trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất (đường biên công nghệ) thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua hoạt động sáng chế”, ông Nguyễn Đức Hoàng cho hay.

Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp. Trọng tâm của hoạt động này là tối ưu hóa việc áp dụng các công nghệ đang được đổi mới.

“Trở thành một nhà sản xuất hiệu quả và cạnh tranh không đòi hỏi phải tạo ra các công nghệ hàng đầu. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ một cách hiệu quả, đây là “khả năng hấp thụ công nghệ” theo nghĩa rộng hơn. Đó là các hoạt động nhằm tăng cường năng lực của các doanh nghiệp liên quan đến việc triển khai và sử dụng hiệu quả công nghệ, đặc biệt là khả năng quản lý và tổ chức của các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Hoàng cho hay.

Để nâng cao hiệu quả kỹ thuật của doanh nghiệp, một yếu tố quan trọng chính là tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ. Đó là các viện về đo lường, tiêu chuẩn, thử nghiệm và chất lượng, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu và các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, cần thúc đẩy hoạt động R&D và các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ. Hoạt động R&D giúp tăng khả năng hấp thụ công nghệ và tạo cơ hội tăng ngày càng nhiều sáng tạo công nghệ khi Việt Nam phát triển. Trọng tâm hiệu quả nhất của nỗ lực R&D là thúc đẩy áp dụng và thích ứng công nghệ trong tất cả các giai đoạn và các ngành: Nhập khẩu, kỹ nghệ đảo ngược, áp dụng và thích ứng.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, tại Việt Nam, hiện nay mức chi cho R&D/GDP còn quá thấp. Do vậy, cần tăng mạnh ngay trong thời gian tới, trước hết từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế khuyến khích cao cho đầu tư vào R&D của doanh nghiệp nội và FDI, coi R&D là lĩnh vực được ưu đãi cao nhất.

Bên cạnh đó là phát triển nguồn nhân lực cũng như tăng cường phát triển các công cụ chính sách và hiệu lực của cơ chế thực thi.