29/11/2024 lúc 21:20 (GMT+7)
Breaking News

Tăng cường hiệu quả chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em

VNHN - Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra bảo đảm tỷ lệ thụ lý tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 95%.

VNHN - Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra bảo đảm tỷ lệ thụ lý tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 95%.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Nghị quyết nêu rõ: Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế, bất cập.

Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý.

Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời...

Nghị quyết nhấn mạnh: Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Các đại biểu và trẻ em chụp ảnh chung tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, gia đình về phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất.

Mặt trái của kinh tế thị trường, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, tác động mặt trái tiêu cực của internet, mạng xã hội... cũng là những nguyên nhân làm phát sinh các vụ, việc xâm hại trẻ em.

Đổi mới công tác tuyên truyền

Từ những hạn chế nêu trên, Nghị quyết đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cụ thể, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chú trọng xem xét những vấn đề liên quan đến trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát thường xuyên đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em.

Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương. Các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em và thực hiện đầy đủ quy định tại khoản 4 Điều 79 của Luật Trẻ em.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2020, ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

Chính phủ rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân...

Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý có hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em...

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành khác có liên quan biên soạn bộ tài liệu mẫu về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; tiếp tục phát triển nghề công tác xã hội, đào tạo nhân viên công tác xã hội, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2020, ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh; chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội trú, bán trú, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả, lồng ghép nội dung này trong chương trình giáo dục tin học.

Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2020, ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đồng thời có biện pháp đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em, nhất là tại các địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động du lịch lữ hành nhằm phòng ngừa nguy cơ xâm hại trẻ em qua hoạt động du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và những hủ tục lạc hậu đối với trẻ em.

Bộ Y tế trong năm 2020, ban hành Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em đồng thời yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại; các tổ chức giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn, chỉ đạo đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý trong quá trình giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em; có biện pháp chấm dứt tình trạng nuôi con nuôi trái pháp luật.

Bộ Công an tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại trẻ em đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; điều tra khám phá tội phạm xâm hại trẻ em đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; kiềm chế và kéo giảm từ 5-7% các tội phạm xâm hại trẻ em...

Bảo đảm tỷ lệ xét xử các vụ án xâm hại trẻ em trên 90%

Nghị quyết nêu rõ: Trong năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ việc xâm hại trẻ em để kịp thời thu thập chứng cứ, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án và chống bỏ lọt tội phạm; bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn đạt 100% số vụ án xâm hại trẻ em và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%.

Toà án nhân dân tối cao tiếp tục hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhất là các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em có vướng mắc qua tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, áp dụng hình phạt nghiêm minh với người phạm tội xâm hại trẻ em; bảo đảm yêu cầu xét xử thân thiện, tiếp tục triển khai việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; tỷ lệ xét xử, giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%.

Quốc hội đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường giám sát, kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngay tại địa bàn dân cư; tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào, các cuộc vận động do các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai.

Hoa hậu thế giới Việt Nam năm 2019 Lương Thùy Linh phát biểu tại Lễ phát động tìm hiểu về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111). (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em bảo đảm thực chất; tăng cường trách nhiệm theo dõi việc giải quyết của các cơ quan và phản hồi cho trẻ em kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị.

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tăng cường giám sát việc phòng, chống xâm hại trẻ em; tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia phòng, chống xâm hại trẻ em, hỗ trợ trẻ em, gia đình có trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em liên quan đến việc phòng, chống xâm hại trẻ em chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phát biểu chính kiến, kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tăng cường thanh tra công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Đối với chính quyền địa phương, Quốc hội đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành Nghị quyết để thực hiện và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 79 của Luật Trẻ em.

Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, bố trí kinh phí phù hợp cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác ban hành theo thẩm quyền chính sách, pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành, các nội dung, chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; bảo đảm các trẻ em có nguy cơ xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, các trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp can thiệp; trong đó, sớm quan tâm đối với nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại để phòng ngừa việc xảy ra hành vi xâm hại với nhóm trẻ em này.

Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; định kỳ hằng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em; ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.

Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.