08/11/2024 lúc 06:38 (GMT+7)
Breaking News

Tận dụng thời cơ xuất khẩu gạo

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc nhiều nước như Ấn Độ, Nga, UAE… hạn chế xuất khẩu gạo sẽ là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao.

Năm 2023, diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với kế hoạch đầu năm 50.000 ha.

Yên tâm về nguồn cung lương thực

Về tình hình xuất khẩu gạo, theo ước tính của liên Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ.

Theo Bộ NN&PTNT, việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE… là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.

Liên quan đến việc chớp thời cơ để tăng cường xuất khẩu gạo ra thế giới, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường nêu, năm 2023 diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với kế hoạch đầu năm 50.000 ha (lên 700.000 ha), góp phần tích cực vào việc vào nắm bắt thời cơ.

Theo ông Nguyễn Như Cường, kế hoạch năm 2023 là cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, tương đương sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn. Đến thời điểm này, qua quá trình kiểm tra, nắm tình hình tại các vùng trồng trên cả nước, lúa đang sinh trưởng phát triển tốt, nếu không có thiên tai nghiêm trọng và dịch bệnh trên diện rộng thì năm nay sẽ là một năm được mùa lúa gạo với sản lượng khả năng đạt trên 43 triệu tấn. Việt Nam hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh lương thực, cũng như tận dụng thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt thông tin thêm, 3 tháng có một vụ mùa lúa gạo, đến tháng 1/2024 sẽ có khoảng 1,2 triệu tấn thóc của vụ Đông Xuân. Cục đã phối hợp với các địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất từ nay đến cuối năm và sẵn sàng cho vụ Đông Xuân vào đầu năm 2024.

Cục trưởng Nguyễn Như Cường chia sẻ, hiện tượng El Nino có thể tác động đến vụ Đông Xuân 2023-2024 và năm 2024. So với các nước trồng lúa khác trên thế giới thì Việt Nam là nước ít chịu tác động của tình trạng El Nino hơn. Tuy nhiên, dựa trên những kinh nghiệm đối phó với El Nino vào các năm 2015-2016 và 2019-2020, Cục sẽ có những phương án đối phó với hiện tượng này, ví dụ như đợt El Nino năm 2019-2020, không có diện tích nào bị mất trắng là do các giải pháp được đưa ra kinh nghiệm từ năm 2015-2016.

Về lo ngại việc tăng xuất khẩu gạo sẽ khiến gạo trong nước có nguy cơ thiếu và giá đẩy lên cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: “Để đảm bảo an ninh lương thực, khi cân đối nhu cầu tiêu thụ cho 100 triệu dân, cho chế biến, cho làm giống thì đều nâng lên tỉ lệ rất cao. Ví dụ, mỗi năm người dân Việt Nam ăn khoảng 7,5 kg gạo/tháng thì nâng lên 9 kg/tháng. Với lượng dự trữ quốc gia và khoảng 90 ngày để sản xuất một vụ lúa thì chúng ta có thể yên tâm về nguồn cung lương thực cũng như chớp được thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu.”

Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, để khẳng định vai trò quan trọng và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Tận dụng thời cơ xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực.

Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo...

Trước đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, ngày 03/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Tại Công điện này, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương như: NN&PTNT, Công Thương, Ngoại giao và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam (VietNam rice); xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay...

Đẩy mạnh đàm phán song phương, đa phương để ký kết các Hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp, công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với các thị trường trọng điểm nhằm tận dụng cơ hội mở cửa thị trường, chiếm lĩnh thị trường; Định hướng nông dân và thương nhân tăng cường công tác bảo quản, chế biến đáp ứng các quy định nhập khẩu của các thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc...