13/01/2025 lúc 21:33 (GMT+7)
Breaking News

Tại sao Đà Nẵng nên thận trọng việc đầu tư cảng Liên Chiểu?

Những ngày qua, dư luận Đà Nẵng tiếp tục xôn xao vụ việc địa phương cân nhắc tiếp tục hay dừng đầu tư dự án cảng Liên Chiểu. Bởi lẽ phân tích từ các nhà tư vấn khoa học, cùng cộng đồng xã hội cho thấy, Đà Nẵng không nên chủ quan trước một quyết định chiến lược với nền kinh tế địa phương.

VNHN - Những ngày qua, dư luận Đà Nẵng tiếp tục xôn xao vụ việc địa phương cân nhắc tiếp tục hay dừng đầu tư dự án cảng Liên Chiểu. Bởi lẽ phân tích từ các nhà tư vấn khoa học, cùng cộng đồng xã hội cho thấy, Đà Nẵng không nên chủ quan trước một quyết định chiến lược với nền kinh tế địa phương.

Nhiều thành viên trong các ban tham mưu giúp sức cho địa phương chia sẻ, trước tháng 9/2019, Đà Nẵng đã có nhiều động thái quan trọng đánh giá cơ hội đầu tư vào cảng Liên Chiểu, với hướng nhìn thay thế cảng Tiên Sa, tiếp tục chứng minh vị thế một cảng biển công nghiệp cấp vùng. Hồ sơ nghiên cứu cho thấy, Đà Nẵng sẵn sàng triển khai đầu tư dự án này, chỉ cần Trung ương chấp thuận bố trí vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3 ngàn tỷ đồng.

Song khi nhà tư vấn Subana Jurong (Singapore) đặt vấn đề nên xem lại việc đầu tư cảng Liên Chiểu để tránh không gây tác hại môi trường dài lâu, nhất là vấn nạn lấn biển tại vịnh Đà Nẵng, dư luận chung đã có những bàn thảo bất thuận về dự án. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa phải chỉ đạo, các cơ quan tham mưu nên cùng Bộ GTVT đánh giá lại thực tiễn, trình lại chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu để cân nhắc.

Các nhà tư vấn Subana Jurong (Singapore) đặt vấn đề nên xoay hướng đầu tư lại cảng Tiên Sa với hình thể và công năng mới, xem lại việc đầu tư cảng Liên Chiểu để tránh không gây tác hại môi trường dài lâu, nhất là vấn nạn lấn biển tại vịnh Đà Nẵng

Mất đi nhiều điều kiện!

Đánh giá của dư luận cho thấy, dự án cảng Liên Chiểu đang thực sự yếm thế so với các cảng biển xung quanh.

Với diện tích quy hoạch tầm 200 hecta, vốn đầu tư 8 ngàn tỷ đồng, nhưng năng lực khai thác chỉ khoảng 3 triệu tấn hàng/năm, Liên Chiểu sẽ không phải cảng lợi thế khi so với các cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam) hay với “người anh em” Tiên Sa và Quy Nhơn. Xung quanh cảng Liên Chiểu, còn là các dự án đầu tư bất động sản, phát triển du lịch, đô thị dân sinh… đã được Đà Nẵng thúc đẩy nhiều năm qua, không cho phép các chi phí đầu tư và vận hành cảng sẽ cạnh tranh tốt, trong khi những cảng biển khác có hậu cần mở rộng lợi thế hơn nhiều.

Đồng thời, cảng Liên Chiểu theo thiết kế còn yêu cầu có một tỷ lệ diện tích khá lớn đất lấn ra vịnh Đà Nẵng. Điều này ngược với tinh thần đầu tư bảo vệ môi trường biển mà thành phố Đà Nẵng đang vận động. Tương tác vị trí cảng này, là bán đảo Sơn Trà, một vị trí quá mẫn cảm về môi trường mà dư luận không đồng tình với bất cứ dấu hiệu tác động nào. Nên nếu làm cảng Liên Chiểu mà ảnh hưởng vịnh Đà Nẵng, việc phân chia luồng tuyến ra vào đe dọa bán đảo Sơn Trà và chuỗi các điểm dân sinh trong vịnh Đà Nẵng, địa phương nhất định phải xem xét lại vấn đề.

Không nên cố chấp đầu tư!

Hơn nữa, khi bàn về cảng Liên Chiểu, nhà tư vấn cũng thấy rõ những thách thức mà thành phố Đà Nẵng phải giải quyết, khi địa phương thực tế đã “tự đánh mất nhiều điều kiện” trong quá trình phát triển những năm qua. Điều này không phải dư luận đánh giá Đà Nẵng tụt hậu. Trái lại, do đô thị đã đổi định hướng đầu tư, cấu trúc hạ tầng kết nối với xung quanh không còn như trước, nên bối cảnh kinh tế sẽ khác biệt rất nhiều so với quá khứ.

Nhìn vào mốc phát triển 1999, Đà Nẵng lúc đó độc lập sau đèo Hải Vân, chưa có hầm đường bộ và các tuyến đường vành đai xung quanh. Vận tải khu vực chưa có cảng biển nào đủ tầm như Tiên Sa, mọi luồng tuyến hàng hóa qua miền Trung đều ưu tiên về Đà Nẵng. Những định vị chiến lược hành lang kinh tế Đông Tây cùng hạ tầng các tỉnh xung quanh chưa hoàn thiện, càng khiến vị trí một cảng biển công nghiệp Đà Nẵng được đề cao.

10 năm sau, và đến nay là 20 năm sau, hệ thống đường vành đai kết nối Đà Nẵng ra xung quanh đã hình thành. Hầm Hải Vân phía bắc nối cảng Chân Mây, đường cao tốc Quảng Ngãi phía nam đưa hàng hóa về Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn dễ dàng. Bản thân Đà Nẵng không còn ưu tiên phát triển công nghiệp, mà lĩnh vực này đã dịch chuyển cho Quảng Nam. Luồng hàng từ phía tây không nhất thiết đổ về Đà Nẵng mà có thể vào Chân Mây, hoặc từ Tây Nguyên về thẳng Quy Nhơn, cả 2 cảng này chỉ cần lai dẫn hàng hóa là hợp nhất ngay được về Chu Lai Quảng Nam.

Với một thành phố du lịch, lợi thế đất công nghiệp không còn, định hướng đầu tư khu công nghiệp lạc hậu dần, rõ ràng Đà Nẵng nên xoay lại góc nhìn phát triển kinh tế biển, không nên quá cứng nhắc với hàng hóa công nghiệp nữa. Vai trò đầu tàu liên kết kinh tế vùng miền còn yêu cầu Đà Nẵng nên nhượng bộ để các lĩnh vực phát triển nóng cho địa phương xung quanh, chỉ nên làm kinh tế biển ở góc cạnh chuyên môn hóa logistics hàng hóa dịch vụ thương mại và du lịch. Kể cả về giá trị lịch sử của cảng Tiên Sa, Đà Nẵng cũng nên có sự nhìn nhận chuyển hướng thành cảng chuyên dụng du lịch, du thuyền, nhập hàng cao cấp phục vụ thương mại… Những áp lực quá tải về hàng hóa công nghiệp cồng kềnh theo đó sẽ giảm đi trong khi hiệu quả đầu tư kinh tế, chi phí logistics tăng lên.

Bởi thực trạng đó, câu hỏi Đà Nẵng nên bỏ cảng Liên Chiểu, xoay hướng đầu tư lại cảng Tiên Sa với hình thể và công năng mới, thật sự đáng được địa phương quan tâm. Dự kiến sau 2 ngày nữa, Đà Nẵng sẽ tổ chức lần lượt các hội thảo lấy ý kiến về phương án quy hoạch, đầu tư các cảng biển, cũng như phản biện các bản đồ quy hoạch lại kiến trúc kinh tế địa phương cho đến năm 2035, đều thể hiện sự lắng nghe và tiếp thu của địa phương. Hy vọng các sự kiện này sẽ tác động tích cực thêm cho Đà Nẵng, trả lời được chân xác những câu hỏi hóc búa với địa phương, từ đó định vị lại mình mà trở lại phát triển vững bền.