18/11/2024 lúc 15:34 (GMT+7)
Breaking News

Tác động của xung đột Nga - Ukraine đến xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam

Doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng như thủy sản, cà phê – cacao, Hiệp hội điều, gỗ và thậm chí là phân bón được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga - Ukraine.

Doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng như thủy sản, cà phê – cacao, Hiệp hội điều, gỗ và thậm chí là phân bón được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga - Ukraine.

Tác động của xung đột Nga - Ukraine đến xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam.

Hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam phải tạm dừng

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có những đánh giá về tác động của chiến sự Nga - Ukraine đến tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp sang hai thị trường Nga và Ukraine.

Theo Bộ NN&PTNT, xung đột Nga - Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây và các phản ứng từ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài các tác động xấu về kinh tế do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, đặc biệt các rủi ro về thanh toán quốc tế.

Điều đáng lo ngại là các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga, khiến chi phí vận chuyển tăng.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 550 triệu USD vào năm 2021, trong đó một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu đáng kể như thủy sản (164 triệu USD, chiếm 3%), cà phê (173 triệu USD, chiếm 6%), tiêu, điều (60 triệu USD, chiếm 2%).

"Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác", Bộ NN&PTNT cho biết.

Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mì (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi; phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).

Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ các nơi khác như Úc, Nam Mỹ, Nam Phi.

Quan trọng hơn là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu.

"Thực tế, giá nguyên liệu đầu vào như lúa mì, ngô… đã tăng lên khoảng 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt", Bộ NN&PTNT nhận định.

Cần đa dạng thị trường xuất nhập khẩu

Để khắc phục, trước mắt, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.

Bộ NN&PTNT cho biết sẽ làm việc với 4 hiệp hội, ngành hàng lớn là Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cà phê - cacao (VICOFA), Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam để bàn giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine; giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước.

Đặc biệt, nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hoá được lưu thông thông suốt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác, cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đề xuất các ngành, lĩnh vực cần có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm; phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới... đồng thời triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và ổn định, phát triển thị trường lao động; kết nối cung cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm.

Đặc biệt, Chính phủ hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất-kinh doanh, nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11/NQ-CP.

Ngoài ra, Chính phủ có các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước.

Đặc biệt, thu hút doanh nghiệp tăng cường đầu tư để chủ động trong đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp.