28/12/2024 lúc 07:11 (GMT+7)
Breaking News

Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tới chuyển đổi số ở Việt Nam

Chuyển đổi số là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đang trở thành xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi của xã hội, thực hiện thành công mục tiêu vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có khả năng cạnh tranh ở khu vực và thế giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày sản phẩm công nghệ số của các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3, năm 2021 _ Ảnh: TTXVN

Xu hướng chuyển đổi số ở Việt Nam

Chuyển đổi số (digital transformation) là việc ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số, như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data)... vào mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm mang lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu, nâng tầm thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, “một quá trình nhằm mục đích cải thiện một thực thể bằng cách tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối”(1). Năm 2020, lần đầu tiên, Liên hợp quốc sử dụng cụm từ “Digital Government” (Chính phủ số) làm chủ đề cho Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử, thể hiện xu hướng phát triển chính phủ số trên toàn cầu.

Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Kinh tế số của Việt Nam năm 2019 đạt giá trị 12 tỷ USD, đóng góp 5% GDP của đất nước(2). Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đang được số hóa nhanh chóng, như: thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính (fin-tech). Đây là những ngành tiềm năng cho nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới. Kết quả từ các nghiên cứu trong báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới đến năm 2030 và 2045” do Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ Ô–xtrây-lia (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố năm 2019 cho thấy mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này gặp khó khăn khi áp dụng công nghệ mới do vấn đề tài chính và kỹ thuật, nhưng họ nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ số trong sản xuất. Với bối cảnh của Việt Nam trong năm 2019, nền kinh tế số của Việt Nam vẫn có tiềm năng cao - cả trong các ngành truyền thống và các ngành mới nổi. Kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy, khi các ngành công nghiệp chuyển đổi, người tiêu dùng Việt Nam đang thích ứng nhanh chóng và chấp nhận các sản phẩm và dịch vụ mới của nền kinh tế số. Điều này có lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển nền kinh tế số của nước ta… Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm 5G(3). Hạ tầng internet, chương trình dịch vụ phổ cập đầu tiên đã được thực hiện từ năm 2005 đến năm 2010 trên cơ sở Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg, ngày 7-4-2006, của Thủ tướng Chính phủ, với kinh phí thực hiện Chương trình ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng.

Năm 2018, Việt Nam đã tham gia Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) và phê duyệt Kế hoạch phát triển thành phố thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1-8-2018, của Thủ tướng Chính phủ với các nhóm giải pháp bao gồm: Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh bền vững; từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực đô thị thông minh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đô thị thông minh bền vững; hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; phát triển hạ tầng đô thị thông minh; phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị; xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững; tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước; tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ về phát triển đô thị thông minh bền vững; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh. 

Theo Ngân hàng Thế giới, có năm trụ cột chính cho một nền kinh tế kỹ thuật số sôi động, an toàn và bao trùm ở một quốc gia(4): i) hạ tầng kỹ thuật số; ii) các nền tảng kỹ thuật số; iii) dịch vụ tài chính kỹ thuật số; iv) tinh thần kinh doanh kỹ thuật số và v) kỹ năng kỹ thuật số. Nền tảng cho số hóa ở Việt Nam gần đây đã được phát triển đáng kể hướng tới bảo đảm các trụ cột này. Dịch vụ internet tốc độ cao, thiết bị thông minh và điện thoại di động ở Việt Nam đang trở nên phổ biến. Tính đến tháng 1-2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97,8 triệu dân, với tỷ lệ dân thành thị là 37,7%. Trong đó, có khoảng 68,17 triệu người đang sử dụng internet (chiếm 70,3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày(5). Việt Nam là một trong những nước có số lượng tên miền đăng ký cao nhất trong khu vực ASEAN(6). Theo Báo cáo của VNNIC, tính đến ngày 31-10-2019, số lượng tên miền tại Việt Nam đạt trên 500.000 tên miền. Tên miền “.vn” là tên miền quốc gia có số lượng người đăng ký sử dụng lớn nhất ASEAN và tốp 10 châu Á - Thái Bình Dương. Có 145,8 triệu kết nối di động tại Việt Nam vào tháng 1-2020. Số lượng kết nối di động tại Việt Nam vào tháng 1-2020 tương đương 150% tổng dân số. Thị trường điện toán đám mây của Việt Nam đạt khoảng 133 triệu USD (tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng). Tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu (IDC) của 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư, 270.000 máy chủ trên khắp cả nước(7).

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tiếp cận chuyển đổi số. Chủ trương về chuyển đổi số đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh(8). Chuyển đổi số đã được ghi nhận trong nhiều lĩnh vực, ví dụ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh… theo tinh thần mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chuyển đổi số trong tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030… Nhiều văn bản quan trọng về chuyển đổi số đã được ban hành(9). Ngoài ra, còn nhiều văn bản pháp luật áp dụng cho từng địa phương và văn bản của từng tỉnh, thành phố áp dụng đối với địa phương mình, tạo nền tảng cho chuyển đổi số(10). Hoạt động chuyển đổi số đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Xếp hạng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016.

Các quy định liên quan đến chuyển đổi số trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động tới chuyển đổi số ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA); gần đây nhất đã ký kết các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Về tổng thể, có thể thấy, các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc thực thi các FTA: Nhóm các cam kết mà pháp luật Việt Nam bảo đảm tính tương thích tại thời điểm phê chuẩn các FTA; nhóm các cam kết mà việc thực thi trên thực tế ở Việt Nam không đòi hỏi phải thực hiện thông qua các quy định pháp luật cụ thể; nhóm các cam kết về các ràng buộc tương lai; nhóm các cam kết dưới dạng các khuyến nghị hoặc quyền lựa chọn.

Các hiệp định này đã xác lập nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số, như quy định về các sản phẩm số, quy định về bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, quy định về thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử, quy định về nhãn hiệu điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, tên miền, viễn thông và mạng viễn thông, các quy định về chuyển thông tin gắn liền với bảo vệ dữ liệu cá nhân, bí mật cá nhân và bảo mật các hồ sơ, báo cáo, giao dịch và tài khoản cá nhân, quy định về các sản phẩm công nghệ truyền thông và thông tin (ICT) có sử dụng công nghệ mã hóa, về tương thích điện từ của các sản phẩm thiết bị công nghệ thông tin (ITE), về các dịch vụ máy tính, về tự động hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quy định các biện pháp bảo hộ cạnh tranh với nhà cung cấp chủ đạo, quy định về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, các quy định về việc thu hoặc áp thuế trực tiếp, xác định, phân bổ hoặc phân chia thu nhập, lợi nhuận, khấu trừ hoặc tín dụng, các quy định về mua sắm chính phủ đối với Việt Nam (bao gồm cả cơ quan cấp Trung ương, cơ quan cấp địa phương và các cơ quan khác)…(11). Các FTA thế hệ mới cũng có các điều khoản thành lập các cơ quan liên quan đến chuyển đổi số(12).

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau, như sở hữu trí tuệ, thuế quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và công nghệ tài chính (fintech), logistics,.... Việt Nam cũng có nhiều cải cách về thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài hưởng lợi từ các FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới. Ví dụ, việc ban hành các quy định liên quan tới chứng nhận xuất xứ hoặc truy xuất nguồn gốc điện tử tạo ra con đường dẫn tới chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tại Việt Nam. Các FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, thu hút các tập đoàn lớn của nước ngoài...

Việc tham gia các FTA thế hệ mới được kỳ vọng và đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan cho hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (bình quân từ 2,18% đến 3,25% cho 5 năm đầu thực hiện và khoảng 4,57% đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo) và trao đổi thương mại hai chiều (xuất khẩu sang EU tăng khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 trong khi nhập khẩu từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030)(13). Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20-12-2021, vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%; vốn thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020. Có 1.738 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 31,1%; vốn đăng ký đạt 15,2 tỷ USD, tăng 4,1%Có 985 lượt dự án điều chỉnh, giảm 13,6%; vốn đầu tư đạt 9 tỷ USDtăng 40,5%. Có 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 38,2%, vốn góp đạt 6,9 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%(14).

Các FTA thế hệ mới có khả năng thúc đẩy đầu tư chất lượng cao vào một số ngành mà các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng, như: sản xuất công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, năng lượng sạch và tái tạo, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính, qua đó tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành điểm đến cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời có thể được hưởng lợi từ kiến thức, công nghệ, bí quyết mà các nhà đầu tư nước ngoài mang lại. Các tiêu chuẩn cao từ các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nâng cấp và chuyển đổi kỹ thuật để đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường nước ngoài.

Các quy định trong các FTA thế hệ mới tạo ra một số thách thức đối với việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật để thích ứng với tác động của các FTA thế hệ mới. Một số quy định hiện hành của Việt Nam về chuyển đổi số chưa phù hợp với các cam kết quốc tế. Điều 26 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên internet có hoạt động thu thập, khai thác, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam, nhưng Điều NN.13 của Hiệp định CPTPP không cho phép các quốc gia thành viên yêu cầu một doanh nghiệp nước ngoài phải đặt hệ thống máy chủ trên lãnh thổ của mình như là một điều kiện để tiến hành hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ nước đó. Nhiều luật đã được ban hành từ khá lâu nhưng chưa được rà soát sửa đổi. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số điểm chưa tương thích với các luật được ban hành sau, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng khi có đề cập việc không được sử dụng thông tin vào mục đích khác trái với quy định về việc sử dụng thông tin đó, không tiết lộ thông tin cho bên thứ ba..., nhưng chưa quy định về sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong giao dịch điện tử để tránh lộ, lọt thông tin của người dùng... Các quy định hiện hành về bảo mật dữ liệu cá nhân còn thiếu và không đủ hiệu lực, dẫn đến tình trạng dữ liệu cá nhân không được bảo mật. Một số lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain) chưa có các văn bản pháp luật phù hợp để điều chỉnh… Các quy định của pháp luật cạnh tranh cũng hầu như chưa đề cập tới các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số. Điều này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành ở Việt Nam để phản ánh yêu cầu của các FTA thế hệ mới.

Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Để chủ động thích ứng với tác động của các FTA thế hệ mới tới chuyển đổi số ở Việt Nam, cần tiếp tục quan tâm tới các vấn đề sau:

Một là, chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan đến quy định trong các FTA thế hệ mới, như sản phẩm số, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử, nhãn hiệu điện tử, tên miền, viễn thông và mạng viễn thông, chuyển thông tin gắn liền với bảo vệ dữ liệu cá nhân, bí mật cá nhân và bảo mật các hồ sơ, báo cáo, giao dịch và tài khoản cá nhân, dịch vụ máy tính, tự động hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quy định về các biện pháp bảo hộ cạnh tranh…; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực đột phá; hạ tầng thông tin; tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; hỗ trợ trong việc tạo ra môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh, sản phẩm mới, tiến hành các khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sand box) cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các phát kiến đổi mới trong điều kiện thị trường thực tế; xây dựng khung chính sách, pháp luật về quản trị dữ liệu quốc gia (như trách nhiệm, phân cấp quản lý dữ liệu; kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu; quy định về dữ liệu gốc; quản lý chất lượng dữ liệu; quản lý vận hành dữ liệu; quản lý an ninh dữ liệu…); ban hành quy định gắn với việc nâng cao trách nhiệm của nhà mạng cung cấp dịch vụ qua các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới nhưng phải bảo đảm nguyên tắc thực thi công bằng, trách nhiệm như nhau trước pháp luật đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.… Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cần bảo đảm bám sát các định hướng chung của Việt Nam, xu hướng, thông lệ của thế giới và có sự tham vấn ý kiến rộng rãi.

Đổi mới toàn diện các quy trình quản lý nhà nước gắn với chuyển đổi số như: đơn giản hóa thủ tục thẩm định; chuyển sang công nghệ số, qua internet để cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian ngắn nhất... Tập trung xây dựng các văn bản pháp luật gắn với bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (bao gồm việc kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế để tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ tiện ích cho người dân; chuẩn bị nền tảng dữ liệu để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp định danh và xác thực điện tử...); thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số; có giải pháp để phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số; thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số; hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh...

Hai là, cần chú trọng các trụ cột liên quan đến năng lực quản lý chuyển đổi số, đó là trụ cột chiến lược, trụ cột văn hóa và trụ cột quản trị. Chiến lược quản trị, khi được xác định cụ thể, rõ ràng và đúng đắn, sẽ giúp hành trình chuyển đổi số đi đúng hướng, còn văn hóa kỹ thuật số sẽ giúp duy trì sự chuyển đổi đó trong dài hạn. Cần lưu ý rằng, năng lực quản lý chuyển đổi và nền tảng kỹ thuật số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Ba là, phát triển hạ tầng số, trong đó nhấn mạnh các lĩnh vực như phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, phát triển hạ tầng kết nối internet vạn vật, thu hút, đưa các nền tảng công nghệ, dịch vụ lớn trên thế giới đặt tại Việt Nam… Nghiên cứu hình thành cơ chế quản lý dữ liệu lớn và kho dữ liệu nhằm xử lý khối lượng lớn dữ liệu do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước tạo ra, trên cơ sở đó cho phép Chính phủ ra các quyết định tối ưu, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong lộ trình chuyển đổi số. Đối với các hoạt động có yếu tố thương mại điện tử trên các phương tiện truyền thông xã hội, cần có cơ chế quản lý riêng và phù hợp với từng dạng thức. Đối với các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới, cần nắm rõ cách thức vận hành, từ đó xây dựng quy định quản lý hoạt động của các nền tảng này một cách hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động liên quan đến các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới thông báo hoạt động của họ thông qua các cách thức trực tuyến./.

PGS, TS. NGUYỄN VŨ HOÀNG
Tạp chí Cộng sản

-----------------

(1) Vial, Gregory: “Understanding digital transformation: A review and a research agenda” (Tạm dịch: Hiểu về chuyển đổi kỹ thuật số: Đánh giá và chương trình nghiên cứu), The Journal of Strategic Information Systems, 2006
(2) “e-Conomy SEA 2019 - Swipe up and to the right: Southeast Asia’s $100 billion Internet economy” (Tạm dịch: e-Conomy SEA 2019 - Phát triển và đúng hướng: Nền kinh tế Internet trị giá 100 tỷ USD của Đông Nam Á).
(3) Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S: Vietnam’s future digital economy – Towards 2030 and 2045 (Tạm dịch: Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới đến năm 2030 và 2045), CSIRO, Brisbane, 2019
(4) Digital Solutions in a Time of Crisis: Uganda Economic Update (Tạm dịch: Giải pháp kỹ thuật số trong thời kỳ khủng hoảng: Cập nhật kinh tế U-gan-đa), Fifteenth Edition, July 2020, World Bank, Washington, DC, 2020
(5) Thống kê internet Việt Nam 2021, https://vnetwork.vn/vi/news/thong-ke-tinh-hinh-internet-viet-nam-nam-2021
(6) Báo cáo số liệu internet tại Việt Nam, https://vnetwork.vn/news/cac-solieu-thong-ke-internet-viet-nam-2019
(7) Thực trạng phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam, https://vnpt.com.vn/doanh-nghiep/tu-van/dien-toan-dam-may-tai-viet-nam.html
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 221
(9) Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Viễn thông năm 2009, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, Luật Lưu trữ năm 2011, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018,…; các Luật có chứa những điều khoản về chuyển đổi số như Luật Quản lý thuế, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16-05-2013, của Chính phủ, về thương mại điện tử; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, của Chính phủ, hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử năm 2005 về giao dịch điện tử chữ ký số, chứng thực chữ ký số; Nghị định số 165/2018/NĐ-CP của Chính phủ, về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Chỉ thị số 02/CT-TTg, 23-01-2019, của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, ngày 08-04-2020, của Chính phủ, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, ngày 09-04-2020, của Chính phủ, quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15-05-2020, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03-06-2020, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"…
(10) ví dụ Nghị quyết số 54/2017/QH14, của Quốc hội, về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 35/2021/QH15, của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghị quyết số 38/2021/QH15, của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết số 37/2021/QH15, của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 36/2021/QH15, của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 45/2022/QH15, của Quốc hội, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ…, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 662/QĐ-UBND, ngày 2-3-2021, phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các Quyết định số 2392/QĐ-UBND, ngày 03-7-2020, về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 2393/QĐ-UBND, ngày 03-7-2020, về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh…
(11) Ví dụ, về chính sách cạnh tranh, Hiệp định EVFTA có quy định riêng đối với việc trợ cấp cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, theo đó Điều 10.7 (Minh bạch hóa) và Điều 10.6 (Trợ cấp riêng có điều kiện) chỉ áp dụng đối với các ngành dịch vụ: viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải bao gồm hàng hải, năng lượng, dịch vụ máy tính, kiến trúc và cơ khí, dịch vụ xây dựng và môi trường, tùy thuộc vào các bảo lưu trong Chương 8 (Tự do hoá đầu tư, Thương mại dịch vụ và Thương mại điện tử). Về dịch vụ viễn thông, Hiệp định EVFTA quy định về các lĩnh vực hợp tác trong sở hữu trí tuệ (Điều 12.62) như chủ động tăng cường nhận thức và giáo dục công chúng nói chung về chính sách sở hữu trí tuệ bằng việc xây dựng các chiến lược hiệu quả để xác định các đối tượng chủ yếu và xây dựng chương trình truyền thông để tăng cường nhận thức của người tiêu dùng và báo chí về tác động của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm nguy cơ đối với sức khỏe và sự an toàn và mối liên hệ với tội phạm có tổ chức; thúc đẩy và phổ biến thông tin về quyền sở hữu trí tuệ trong, các cộng đồng kinh doanh, tổ chức nghề nghiệp xã hội, tổ chức xã hội, cũng như tăng cường nhận thức của người tiêu dùng và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, bên cạnh các lĩnh vực khác; Hiệp định RCEP quy định (Điều 9) về trách nhiệm chung đối với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng: 1. Mỗi Bên có trách nhiệm bảo đảm rằng nhà cung cấp dịch vụ hoặc mạng viễn thông trên lãnh thổ quốc gia mình phải cung cấp kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng của Bên khác. 2. Mỗi Bên có trách nhiệm rằng nhà cung cấp dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng trên lãnh thổ quốc gia mình không được sử dụng hoặc cung cấp các thông tin nhạy cảm thương mại hoặc thông tin bảo mật của người sử dụng hoặc thông tin liên quan đến người sử dụng, mà nhà cung cấp dịch vụ đó có được thông qua các thoả thuận kết nối, ngoài mục đích cung cấp các dịch vụ kết nối đó…
(12) Điều 27.2.2(a) Hiệp định CPTPP thành lập Ủy ban về thương mại điện tử. Hiệp định EVFTA còn quy định về việc thành lập các ủy ban trực thuộc. Điều 17.2 Hiệp định EVFTA quy định về các ủy ban chuyên trách được thành lập trực thuộc Ủy ban Thương mại, trong đó có Ủy ban Đầu tư, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử và mua sắm. Hiệp định RCEP thành lập Ủy ban hỗn hợp RCEP, trong đó có Ủy ban Môi trường kinh doanh…
(13) Báo cáo tóm tắt số 192/BC-CP, ngày 8-5-2020, của Chính phủ, thuyết minh về Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)
(14) Nguyễn Hường: “EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tận dụng tốt nhất trong năm đầu thực thi”, Trang thông tin điện tử Bộ Công Thương, https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/evfta-la-mot-trong-nhung-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-tan-dung-tot-nhat-trong-nam-dau-thuc-thi.html, ngày 4-11-2021