VNHNO - Ngày 27/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Tại sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật mới đừng để dân kêu “phí chồng phí”, đồng thời cần có giải pháp quản lý Grab, Uber.
Đừng để tình trạng 'phí chồng phí'
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Việt Nam có 20.000 km đường bộ, trong đó có khoảng 2.000 km đường BOT. Nếu nhìn tổng thể chưa có cảm giác phí chồng phí, nhưng với những đoạn đường cụ thể là có. “Hiện các DN ở Hải Phòng phản ứng rất quyết liệt 2 trạm thu phí trên QL5, rõ ràng anh thu phí đường làm từ ngân sách nhà nước, để bù cho dự án BOT cao tốc là không được. Rồi những tuyến cố định khác cũng thế".
Ông Thanh nêu cụ thể vấn đề, đi Hà Nội-Hải Phòng; Hà Nội-Nam Định-Thái Bình sẽ đi trên đường BOT, vừa trả phí BOT, đồng thời trả phí theo từng đầu phương tiện, như vậy có phải là phí chồng phí?.
Ngoài ra, ông Thanh cho hay: Bảo trì đường bộ là việc khó, nhưng khó mấy mà công khai, minh bạch dân sẽ lo được.
Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, đừng để dân kêu ‘phí chồng phí’
Đặc biệt, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện nguồn chi cho giao thông rất bất hợp lý, khi lĩnh vực đường bộ chiếm tới 90%. Theo ông, khoản chi cho duy tu, bão dưỡng đường bộ chỉ chiếm khoảng 10% tổng mức đầu tư, trong khi để vận hành “ngon lành”, tỷ lệ phải đến 30%.
Theo số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), TS Cường cho biết: Số tiền chi cho bảo trì đường bộ Việt Nam trung bình khoảng 3.000 USD/km, cao bằng khu vực châu Âu, gấp 3 lần Lào, 5 lần Campuchia.
TS Cường phân tích: Nếu gọi “phí chồng phí” sẽ không đúng, vì phí bảo trì đường bộ chỉ phục vụ đường ngoài BOT, còn đi BOT trả tiền là đương nhiên. “Nhưng vì sao người dân bức xúc, vì thu phí BOT cho cả đường không phải BOT. Giống như chúng ta đi ra sân bay Nội Bài bị thu 10.000 đồng, việc thu cho đường tránh Vĩnh Phúc, nên bức xúc là đúng”.
Theo các chuyên gia, Luật GTÐB sửa đổi tới đây, cần hạn chế được vấn đề “phí chồng phí” tạo gánh nặng cho người dân.
Cần có giải pháp quản lý Grab, Uber
Nhiều ý kiến tập trung vào nội dung sửa luật thế nào để khắc phục được tình trạng sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh đang diễn ra phổ biến hiện nay, gây nên tình trạng lộn xộn, bất bình đẳng trong hoạt động vận tải.
Các ý kiến đều cho rằng, cần thiết phải có quy định phân biệt giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại hội thảo, trước đề xuất đưa quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải vào trong luật, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh cho rằng: “Xung đột hết sức quyết liệt của taxi truyền thống và Grab là ở chỗ một anh mũ mão cân đai còn anh không có gì, lẫn với xe cá nhân. Việc quy định màu biển số xe sẽ giúp người dân và các cơ quan quản lý dễ dàng nhận biết, tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn, khi đó, loại hình nào yếu kém sẽ phải rời bỏ thị trường một cách tâm phục khẩu phục”
Ông Phạm Minh Sương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, nêu một số con số rất đáng chú ý là hiện tại TPHCM có 218.000 xe tham gia kinh doanh, nhưng xe để kinh doanh du lịch chiếm chưa đến 1%, xe tuyến cố định chưa đến 9%, xe buýt chiếm chưa đến 4%, trong khi xe hợp đồng đang chiếm 51%.
Theo ông Sương, xe hợp đồng phát triển mạnh vì kết nối giao thông chưa thuận lợi, người dân đi từ nhà ra bến xe mất chi phí cao hơn chi phí tuyến chính. Đó là điều bất hợp lý. Vì vậy, sửa luật cần xem xét yêu cầu định hình các điểm trung chuyển mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề xe tuyến và xe hợp đồng.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, các vấn đề có tác động mạnh đến xã hội sẽ được các cơ quan hữu quan, các chuyên gia thận trọng xem xét để đảm bảo luật mới sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cả cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể kinh doanh và người dân. Thời gian dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật GTĐB sửa đổi là quý 4-2020./. |