VNHN - Những năm gần đây mặc dù đã có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, song nhiều dự án đầu tư công (ÐTC) không đạt được tiến độ đặt ra, thậm chí có dự án kéo dài, thua lỗ nghiêm trọng gây lãng phí nguồn lực quốc gia và nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong khi đó, chỉ sau hơn bốn năm có hiệu lực, Luật ÐTC đã phát sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Còn lắm băn khoăn
Dự thảo Luật ÐTC (sửa đổi) đang được đưa ra thảo luận và trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp lần này cơ bản đã tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội (ÐBQH) góp ý từ kỳ họp trước. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi đã thống nhất định nghĩa về hai loại nguồn vốn là: vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng đó, dự thảo luật cũng phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nhằm gỡ bỏ thủ tục trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án; phân định rõ chức năng, thẩm quyền của các cơ quan liên quan dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với các luật khác. Ðặc biệt, dự thảo đã đề xuất đổi mới phương thức kế hoạch hóa.
Sau nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, làm việc giữa các bộ, ban, ngành trước đó, đến phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng 28-5, vẫn có tới 20 đại biểu phát biểu, sáu tấm biển tranh luận được giơ lên, trong khi còn 12 người đăng ký nhưng hết thời gian, đã cho thấy "sức nóng" của dự thảo Luật ÐTC (sửa đổi). Như ý kiến của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), người trực tiếp tham gia thẩm tra dự án luật cùng với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã họp rất nhiều lần, cả ban đêm và rất nhiều thứ bảy, chủ nhật để xem xét, chỉnh lý. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo luật vẫn có quá nhiều vấn đề, nhiều điều khoản còn ý kiến khác, thậm chí trái chiều.
Liên quan quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ÐTC trung hạn, giữ quan điểm cho rằng, những vướng mắc trong thực tiễn là do quá trình triển khai chứ không phải do luật, đại biểu Nguyễn Ðức Kiên (Sóc Trăng) lập luận: Chính trong hội trường này tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo của Chính phủ khóa XIV đã cảm ơn Quốc hội khóa XIV, vì để các đồng chí có thẩm quyền được duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn của 2016 - 2020; nhưng đến bây giờ các đồng chí lại bảo vì năm 2016 không duyệt được vốn. "Ở đây tôi thật sự băn khoăn về việc sửa Luật ÐTC. Vấn đề không phải vì luật mà vấn đề là chúng ta triển khai" - ông Kiên nhấn mạnh.
Tăng cường công khai, minh bạch
Bên cạnh một số ý kiến cho rằng lỗi không phải do luật, thì cũng có không ít đại biểu nêu dẫn chứng cụ thể về những "lỗ hổng" pháp lý trong dự thảo sửa đổi Luật ÐTC. Ðại biểu Ðỗ Ðức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị bổ sung để làm rõ nội dung về công khai, minh bạch. Hiện nay, Ðiều 14 dự thảo luật quy định chín nhóm nội dung công khai, minh bạch trong ÐTC. Tuy nhiên, đối chiếu với Ðiều 14 và Ðiều 12 trong dự thảo luật thì phạm vi công khai, minh bạch trong ÐTC đã bị thu hẹp và nhất là không thể hiện rõ nội dung công khai, minh bạch ngay từ khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, làm mất khả năng tiếp cận thông tin, gây hoài nghi, bức xúc cho nhân dân vùng dự án, chưa bảo đảm nguyên tắc dân biết, dân bàn, có nguy cơ xảy ra tham nhũng trong những khâu này.
Ðồng tình với đại biểu Hà, một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai nội dung ÐTC. Dự thảo luật quy định người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện công khai nội dung ÐTC theo quy định của pháp luật. Nhưng quy định này xem ra còn chung chung, chưa thể hiện rõ theo quy định của pháp luật nào, cho nên sẽ mang tính hình thức, không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm người đứng đầu và triển khai thực hiện trên thực tế.
Vấn đề đánh giá tác động môi trường cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Tại điểm g khoản 2 Ðiều 30 dự thảo quy định một trong những nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A là: phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Ðà Nẵng), việc sửa đổi nội dung trên xuất phát từ thực tế mâu thuẫn giữa Luật ÐTC và Luật Bảo vệ môi trường trong vấn đề phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị dự thảo sửa đổi luật cần làm rõ hơn tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư. Vấn đề đánh giá hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội của dự án ÐTC là quan trọng. Thực tế cho thấy không ít dự án ÐTC kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng an cư, sinh kế và suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân vùng dự án, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng như: dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Ðể chống thất thoát, lãng phí vốn ÐTC, củng cố niềm tin và bảo đảm an sinh của cử tri, của nhân dân, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất thiết cần bổ sung vào dự thảo tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả ÐTC.
Vẫn biết việc kịp thời sửa đổi Luật ÐTC là quan trọng, tuy thế, việc này cũng mới chỉ tháo gỡ được những rào cản đầu tiên đang làm chậm tiến độ nhiều dự án công, trọng điểm quốc gia. Ðể những nguồn vốn quan trọng được đầu tư hiệu quả, thúc đẩy đất nước bứt phá đi lên trong những năm tới, chúng ta cần phải sửa tiếp nhiều bộ luật liên quan như luật về đất đai, đấu thầu, ngân sách, xây dựng, môi trường… Chỉ khi một hành lang pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ và được thực hiện nghiêm, đầy đủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mới mong ÐTC phát huy tối đa vai trò, thu hút mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo động lực phát triển xã hội bền vững.
Cử tri và nhân dân cả nước luôn trông đợi những dự án luật được ban hành sẽ ngày một hoàn thiện, đáp ứng trúng đòi hỏi thực tiễn, và để không một đồng ngân sách bị thất thoát, lãng phí.