23/01/2025 lúc 09:31 (GMT+7)
Breaking News

Sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy: Góc nhìn của đại biểu Quốc hội

VNHN - Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn...

VNHN - Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn...

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Những kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật.

Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về những bất cập trong Luật Phòng chống ma túy hiện hành; sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy cũng như những nội dung trọng tâm cần sửa đổi tại dự thảo luật lần này.

Chưa kịp thời cập nhật được danh mục các loại chất gây nghiện để làm cơ sở cho việc xử lý

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ma túy được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau, tên gọi khác nhau cho nên chúng ta chưa kịp thời cập nhật được danh mục các loại chất gây nghiện để làm cơ sở cho việc xử lý hành chính, hình sự. Đây là 1 điều bất cập. Ngoài ra, cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy cho đồng bộ với các Bộ luật và luật như: Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự... Hoặc hiện nay, Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thêm một số hành vi mới như: Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần thế nhưng trong Luật Phòng, chống ma túy chưa quy định nghiêm cấm các hành vi này. Sự chưa đồng bộ này đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

Còn mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng thì cho rằng, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cụ thể như: Mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Luật Phòng, chống ma túy quy định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì vậy,  Luật sửa đổi tới đây cần phải quan tâm làm thế nào đảm bảo tính đồng bộ thống nhất với một số quy định của các luật khác đã được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Vướng mắc kể cả Luật Xử lý vi phạm hành chính; vướng mắc kể cả Luật Phòng, chống ma túy và vướng mắc kể cả khâu thực hiện những luật này trên thực tế. Vì vậy, nên chăng chúng ta phải có đánh giá, tổng kết Luật phòng chống ma túy để chúng ta có biện pháp để khắc phục về mặt pháp lý. Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) phải khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Nhưng cũng phải khẳng định mặc dù luật có kín kẽ cỡ nào mà không được thực thi nghiêm minh, hiệu quả thì cũng không thể đi vào cuộc sống.

Phân tán nhiều cơ quan từ đấu tranh tội phạm ma túy với công tác về tổ chức cai nghiện

Đại biểu Bùi Ngọc Chương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau lại có góc nhìn: Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy thì pháp luật quy định chưa được đầy đủ, thống nhất giữa các cơ quan. Cho nên, trên thực tế việc phối hợp có những khó khăn, vướng mắc. Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn đang phân tán nhiều cơ quan từ đấu tranh với tội phạm ma túy cũng như là công tác về tổ chức cai nghiện. Ngoài ra có một số vấn đề của thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp, như: cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát;…

Hậu quả của tệ nạn ma túy đang ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành địa phương thời gian qua triển khai rất quyết liệt nhưng việc ngăn chặn phòng ngừa vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, theo các đại biểu việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong Dự án Luật có một số quy định mới, Ban soạn thảo cần rà soát những quy định này đã đáp ứng thực tiễn hiện nay; đảm báo tính đồng bộ thống nhất của Dự án luật với hệ thống pháp luật hiện hành. Cùng với đó, việc sửa đổi luật cần dựa trên quan điểm phòng ngừa là chính và trách nhiệm phòng ngừa không chỉ riêng cơ quan chuyên trách chống ma túy, mà là cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân vào cuộc mới mang lại hiệu quả cao.