23/11/2024 lúc 09:59 (GMT+7)
Breaking News

Sự năng động của nền kinh tế Việt Nam nhìn từ GDP bình quân đầu người

Trang forbes.com (Mỹ) ngày 23/11 đăng bài phân tích những “chỉ dấu” nhìn từ GDP bình quân đầu người của Việt Nam (tính theo tỷ giá USD hiện tại) và mức độ biến động qua các năm, căn cứ vào số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Ảnh minh họa 
Theo số liệu mới nhất của WB, GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam là 3.694,02 USD (tính đến năm 2021). Việt Nam là một trong số ít quốc gia vượt qua tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Năm 2019 (trước đại dịch), GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.425,09 USD, tăng lên 3.526,27 USD vào năm 2020 và tiếp tục tăng lên 3.694,02 USD. Thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ khoảng năm 2005.

Từ năm 2020 đến 2021, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1,72% (tính theo tỷ giá đồng USD thời điểm hiện tại).

Tính theo USD, từ năm 2006 - 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng gần 371% (tăng trưởng 100% có nghĩa là tăng 2 lần; vì vậy, 300% là tăng gấp 4 lần). Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng 371% tương đương GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đầy ấn tượng này càng có ý nghĩa hơn khi xem xét kỹ hơn quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong cùng giai đoạn kể từ năm 2006.

Bài viết sử dụng số liệu từ Đài quan sát phức hợp kinh tế (OEC) để phân tích những thay đổi trong nền kinh tế Việt Nam trong 15 năm qua.
Năm 2006, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô (chiếm 16,9% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2006, tương đương 7,72 tỷ USD). Đến năm 2020, dầu thô hiện chỉ chiếm 0,54% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (tương đương 1,64 tỷ USD). Thay vào đó, thiết bị phát sóng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu, trị giá 42 tỷ USD); tiếp theo là mặt hàng điện thoại (chiếm 7,14) và bảng mạch tích hợp (chiếm 6,48%). Cả ba mặt hàng xuất khẩu hàng đầu này của Việt Nam đều thuộc danh mục máy móc và danh mục này hiện là chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Sự tương phản về xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 và 2006 là rất rõ ràng. Năm 2006, thiết bị phát sóng chỉ chiếm 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu, trị giá 41 triệu USD so với mức 42 tỷ USD trong năm 2020. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng thay đổi rõ rệt kể từ năm 2006.

Trong 10 năm, từ 2010 - 2020, Mỹ là thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam, trong đó giá trị xuất khẩu tăng 62,3 tỷ USD (tăng 424%). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu tăng 42,7 tỷ USD (tăng 631%). Thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ ba của Việt Nam là Hàn Quốc, với giá trị xuất khẩu tăng 16,4 tỷ USD (tăng 503%), vượt xa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Mỹ.
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Việt Nam chủ yếu là nhờ nền kinh tế ngày càng đa dạng hóa và phức tạp.

Theo OEC, trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phức hợp, thăng hạng trong bảng Chỉ số phức hợp kinh tế (ECI) - từ thứ 83 lên thứ 61 thế giới. Xếp hạng mức độ phức hợp kinh tế của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng như Campuchia (hạng ECI là 102) hay Lào (hạng ECI là 104).

Năm 2017, mức độ phức hợp kinh tế của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và kể từ đó đã duy trì thứ hạng này.
Ngay cả khi phân tích GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo tỷ giá USD của năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng vẫn rất ấn tượng: GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 là 1.650,63 USD, trước khi tăng lên 3.373,08 USD vào năm 2021 – tức là tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong 15 năm là 104,4%.

Tóm lại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thể hiện con số tăng trưởng ấn tượng nhất trong số các quốc gia trên thế giới. Xu hướng này phản ánh sự năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong các năm qua./.
PV Theo TTXVN