VNHN - Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng là mặt trận quan trọng, trở thành “kế sách” bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành cho Tạp chí Tuyên giáo cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh câu chuyện này.
DÂN TỘC VIỆT NAM YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH
Là một người lính, sau này trở thành nhà ngoại giao quân đội, nhà nghiên cứu chiến lược quốc phòng, xin đồng chí phân tích giá trị của “kế sách” bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình?
Trước hết, tôi phải khẳng định một điều rằng, yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc ta nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Chính vì thế, ông cha ta ngày xưa và cho đến thời đại Hồ Chí Minh đều quyết tâm, cố gắng cao nhất nhằm giữ môi trường hòa bình, hòa bình, hòa hiếu đối với các nước láng giềng để ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền. Chúng ta gọi đó là “kế sách” bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Dù có chiến thắng nhưng chúng ta không tranh cường, tranh bá, không tấn công xâm lấn lãnh thổ như nhiều quốc gia, dân tộc khác trong quá trình phát triển. Các thời nhà Lý, Trần, Lê, rồi Quang Trung- Nguyễn Huệ, sau khi đánh bại quân xâm lược phương Bắc, chúng ta đều cấp ngựa, phương tiện, lương thực cho họ rút về. Khát vọng lớn nhất của dân tộc ta là hòa bình. Nhưng bản lĩnh và nội lực của dân tộc ta là hòa bình không lệ thuộc, không làm nô lệ cho bất kỳ ai.
Trong thời bình, ngoại giao, trong đó có đối ngoại quốc phòng là một hoạt động quan trọng để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc. Vậy bước chuyển trong đối ngoại quốc phòng của Việt Nam là gì?
Chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Chúng ta đánh để có hòa bình, cho nên chúng ta rất coi trọng những yếu tố, nhân tố để có được hòa bình. Thứ nhất, chúng ta giữ hoà bình, hữu nghị với những nước bạn bè. Thứ hai, hoà bình, hữu nghị để tranh thủ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta. Thứ ba, kể cả đối với đối tượng đối nghịch, chúng ta bao giờ cũng sẵn sàng hoà bình nếu họ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, từ bỏ ý chí xâm lược nước ta.
Chính vì vậy, trong giai đoạn đổi mới, công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng được Đảng ta hết sức coi trọng. Bước chuyển là Hội nghị Trung ương 8 khoá IX đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, xác định bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ hoà bình, chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chúng ta là bạn của các nước trên thế giới, chúng ta là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong nghị quyết ấy, chúng ta không còn phân biệt ai là bạn, ai là thù nữa, mà chúng ta chuyển sang đối tượng, đối tác. Trong một đối tượng có “yếu tố đối tác”, trong một đối tác cũng có “yếu tố đối tượng”, chứ không hoàn toàn là bạn, hoàn toàn là kẻ thù. Với nhận thức mới như vậy, chúng ta đẩy mạnh đối ngoại, mở rộng quan hệ. Chúng ta mở rộng quan hệ qua hai kênh khác nhau đó là song phương và đa phương, đẩy mạnh quan hệ với cả những nước có yếu tố đối tượng của chúng ta. Ví dụ những nước trước đây có chiến tranh với chúng ta, hay những nước có tranh chấp lãnh thổ với chúng ta. Chúng ta coi đấy là những đối tác hợp tác quan trọng của chúng ta để từng bước giảm yếu tố đối tượng xuống, để xử lý những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên, để cùng tồn tại hoà bình, cùng phát triển.
Trên tinh thần đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Chủ trương nhất quán của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định nhiệm vụ chung là bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Thứ hai là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, trong đó tập trung bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Thứ ba là bảo vệ hoà bình bền vững cho đất nước. Đây là 3 mục tiêu chung của bảo vệ Tổ quốc và là nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, của quân đội. Đây là nhận thức rất mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới. Đó có nghĩa là gì? Quân đội đầu tiên là phải xây dựng mạnh về chính trị, tổ chức, trang bị, huấn luyện, trình độ, tất cả các mặt... Phải huấn luyện giỏi để sẵn sàng chiến đấu cao, phải có mặt trận chính trị luôn luôn vững vàng, luôn luôn là trụ cột bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc. Phải đảm bảo quân đội mỗi ngày thêm một hiện đại, trang bị càng ngày phù hợp hơn với nhiệm vụ mới, trong yêu cầu tình hình mới. Như vậy, có 1 nhiệm vụ hết sức quan trọng là tăng cường đối ngoại quốc phòng. Tăng cường ở đây không phải để chúng ta quan hệ có lợi ích, không đặt vấn đề về lợi, về hại, chúng ta được gì trong quan hệ. Cái lớn nhất chúng ta được là thế trận quốc phòng toàn dân, làthế trận từ bên ngoài. Nhân dân thế giới, các nước bạn bè, các nước đối tác, các nước láng giềng ủng hộ chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ sẵn sàng sát cánh với chúng ta khi mà đất nước chúng ta có nguy cơ bị xâm lược. Nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng phải làm được điều đó. Chính vì thế mà đối ngoại quốc phòng trong những năm gần đây dưới quan điểm rất rõ ràng của Quân uỷ Trung ương đã có những bước phát triển mới để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình hiện nay.
Đồng chí vừa nói trong quan hệ đối ngoại chúng ta coi trọng quan hệ với cả các nước từng là kẻ thù, các nước lớn. Mà giữa các nước lớn vẫn thường xuyên xảy ra bất đồng, căng thẳng với nhau, rồi cũng có thể “bắt tay đi đêm” với nhau làm tổn hại nước ta. Trước những vấn đề như thế, chúng ta có đối sách gì?
Giữa các nước lớn, giữa các quốc gia luôn tồn tại nhiều bất đồng, nhất là trong bối cảnh lợi ích chiến lược ngày càng đan xen nhau. Chúng ta không tranh giành lợi ích với bất kỳ nước nào nhưng sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình không bị xâm phạm. Ví dụ như chủ quyền trên biển Đông. Đấy rõ ràng là lợi ích chính đáng, được luật pháp quốc tế thừa nhận. Chúng ta đừng mặc định nước này hay nước kia “lăm le” mà nhiều nước cũng muốn. Nếu không kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, lúc nghiêng về bên này, lúc nghiêng về bên kia, mất cảnh giác thì rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không xử lý tỉnh táo, khôn khéo với những vấn đề như thế sẽ biến bạn thành thù. Trong các vấn đề bất đồng, nhất là quan hệ với các nước lớn, nước láng giềng, chúng ta cần tìm cách xử lý rất bình tĩnh, lâu dài, với tầm nhìn chiến lược.
Đối với các quốc gia lớn có tham vọng với lợi ích đất nước chúng ta, chúng ta phải nhớ lấy một câu của Bác Hồ đã dạy là: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái “bất biến” của chúng ta là gì? Là lợi ích chính đáng của chúng ta được lịch sử thừa nhận, được luật pháp quốc tế thừa nhận và được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Nhưng nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ mất chế độ. Mà chế độ xã hội chủ nghĩa là một giá trị Việt Nam, là lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam. Thế cái “vạn biến” là gì? Vạn biến là diễn biến của tình hình khu vực, trong quan hệ của ta với các nước, trong đó có nước lớn, nước láng giềngluôn luôn đặt ra vấn đề về lợi ích, cái gì có lợi, cái gì bất lợi. Chúng ta lựa chọn cái bất biến thì phải giữ cho kỹ, còn trong quan hệ phải lựa chọn cái gì có lợi cho ta thì ta làm, cái gì không có lợi thì ta không làm, không ép chúng ta được, miễn là những điều chúng ta làm phù hợp với luật pháp quốc tế và đạo lý của thời đại. Trong một môi trường đầy biến động như hiện nay, các nước lớn đánh nhau “chí choé”, nào là chiến tranh thương mại, nào là can dự, nào là đe doạ về vũ lực, nào là vấn đề hạt nhân, tranh chấp lãnh thổ... đất nước ta giữ được môi trường hòa bình, ổn định và phát triển như ngày hôm nay càng khẳng định Đảng ta thật là giỏi, rất giỏi. Những quyết sách của Đảng trong xử lý các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với các nước, giữa các nước với nhau rất sáng suốt, đúng đắn.
Quan điểm của chúng ta là làm bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, không bao giờ liên minh, liên kết với một nước để chống lại nước thứ ba, không đi với nước này để chống nước kia. Tất nhiên với nước lớn thì nội dung quan hệ nhiều hơn, nguồn lực chúng ta bỏ ra nhiều hơn, công việc nhiều hơn. Nhưng sự coi trọng của chúng ta giữa nước nhỏ với nước lớn giống nhau. Chúng ta không bao giờ coi Lào nhỏ hơn Trung Quốc với tư cách là một quốc gia, hay như Campuchia với những nước như Thái Lan hoặc Mỹ chúng ta đều coi trọng như nhau. Với định hướng như vậy, chúng ta giữ được sự ổn định và tôi tin sắp tới chúng ta sẽ giữ được tình hình hiện tại để phát triển đất nước.
GIỮ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG GẮN VỚI HÒA BÌNH
Thưa đồng chí, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển Đông trên là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Giải quyết vấn đề này, sự tham gia của đối ngoại như thế nào?
Xử lý vấn đề chủ quyền biển Đông là đại sự của Đảng và Nhà nước ta. Tất cả các cơ quan ban, ngành, địa phương phải cùng chung tay tham gia nhưng cơ quan tham mưu chính là Chính phủ mà cụ thể ở đây là cơ quan ngoại giao. Quốc phòng không đứng ngoài câu chuyện biển Đông, và thậm chí quốc phòng phải tự xác định mình là nhân tố vô cùng quan trọng để giữ vững chủ quyền biển Đông. Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là chủ quyền, mà còn phải là hoà bình, ổn định và phát triển. Chứ giữ được chủ quyền biển Đông mà để xảy ra xung đột không phải là cái Việt Nam mong muốn. Nhiệm vụ trước tiên là phải đảm bảo chủ quyền thực tế của chúng ta. Nhiều nước vướng vào tình trạng cướp biển, buôn người, buôn lậu trên biển, dân di cư trên biển, thậm chí đây là vấn đề chung của quốc tế. Nhưng ở biển Đông luôn ổn định, không có buôn người, di cư, cướp biển như trên các vùng biển lớn khác... Chúng ta phải đấu tranh đòi lại và bảo vệ chủ quyền quần đảo của chúng ta ở Hoàng Sa, Trường Sa, các cấu trúc kỹ thuật của chúng ta trên các đảo chúng ta có chủ quyền. Chúng ta phải bảo vệ được ngư dân, bảo vệ ngư trường, giúp ngư dân ổn định để lao động, đánh bắt cá... Chúng ta tham gia hỗ trợ cho người dân vừa làm tốt kế mưu sinh, tham gia hoạt động trên biển của họ nhưng cũng vừa là tham gia trực tiếp vào bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam. Vì còn dân là còn đất, còn dân là còn biển. Chúng ta thực thi pháp luật, nhưng luôn giúp đỡ, đối xử nhân đạo với ngư dân các quốc gia khác khi vào vùng biển của Việt Nam.
Có phải nhờ căn cứ pháp lý cùng những chính sách như vậy mà chúng ta luôn nhận được sự ủng hộ về vấn đề chủ quyền biển Đông?
Đúng vậy. Chính nghĩa, pháp lý chủ quyền biển Đông thuộc về Việt Nam. Hiện nay trên các diễn đàn hợp tác quốc phòng song phương và đa phương, người ta rất quan ngại về vấn đề an ninh, trong đó, an ninh biển là vấn đề quan ngại nhất. Chúng ta có thể hiểu việc chúng ta giữ gìn hoà bình trên biển Đông, giữ đúng pháp luật quốc tế trên biển Đông vô hình chung đã giúp cho an ninh biển chung hiện nay ổn định. Như vậy, lợi ích của đất nước ta phù hợp với lợi ích chung của thế giới, nên trên các diễn đàn quốc tế khi chúng ta nói đến chủ quyền biển Đông, về an ninh biển, các quốc gia khác đều đồng tình với Việt Nam (trừ Trung Quốc). Ta đã lựa chọn đúng mục đích. Như vậy, trong các diễn đàn hợp tác quốc tế chúng ta luôn luôn phải nêu ra vấn đề này. Chúng ta phải kiên định vấn đề này, phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền trên biển, giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là những quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các cam kết trong khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), tiến tới Bộ qui tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Trong vấn đề chủ quyền biển Đông, công tác đối ngoại quốc phòng triển khai rất tích cực và hiệu quả. Trong khi chúng ta đấu tranh kiên trì và kiên quyết để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông, trong đó có đấu tranh với Trung Quốc, thì chúng ta vẫn đặc biệt coi trọng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, cầu thị tìm ra những nội dung mới để hợp tác nhằm tăng thêm sự tin cậy. Đấy là những giải pháp lớn mà quân đội phải làm để tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam.
SỨ MỆNH MỚI CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Thưa đồng chí, một bước phát triển mới trong đối ngoại quốc phòng của Việt Nam là tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Căn cứ nào để Việt Nam có quyết định này?
Khi chúng ta tuyên bố chúng ta là đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng ta tham gia vào các diễn đàn tổ chức quốc tế thì yêu cầu đầu tiên của chúng ta đối với thế giới là phải tôn trọng chúng ta, tôn trọng lợi ích của chúng ta, tôn trọng độc lập chủ quyền của chúng ta.
Và khi chúng ta tham gia các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN... thì chúng ta nhận được sự ủng hộ hết lòng của họ. Vậy khi tham gia thì Việt Nam phải đóng góp cho sự ổn định, hoà bình của thế giới. Trên tinh thần đó, chủ trương chiến lược của Việt Nam là cùng với bảo vệ Tổ quốc thì chúng ta phải tham gia bảo vệ hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đó là nhiệm vụ chiến lược quốc phòng trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phải có trách nhiệm, hiệu quả, chứ không phải chỉ để quảng bá hình ảnh đất nước.
Tất nhiên, khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nước ngoài, mỗi cán bộ, chiến sỹ sẽ là một sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa và là sứ giả của sức mạnh quân sự Việt Nam.
Các sĩ quan, chiến sỹ mang theo bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” lên đường nhận nhiệm vụ
Quá trình chuẩn bị cho Việt Nam tham gia nhiệm vụ này được tiến hành như thế nào?
Đây là kết quả của cả quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hết sức chủ động, công phu, lâu dài. Đảng, Nhà nước ta chủ trương nghiên cứu tham gia nhưng phải hết sức thận trọng, có lộ trình từng bước, phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu là gì, khi tham gia phải chắc chắn thành công, đem lại hiệu quả. Năm 1993, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động này.
Năm 2005, chúng ta cử các đoàn công tác liên ngành đi tham quan, nghiên cứu, tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình để chuẩn bị triển khai lực lượng. Dấu mốc đặc biệt quan trọng là năm 2013, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Tháng 5-2014, chúng ta cử 2 sỹ quan đầu tiên tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là quyết định có tính đột phá về hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Liên tục từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã cử được gần 30 sỹ quan đi các nước châu Phi như Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế, vừa nghiên cứu tình hình, vừa làm công tác chuẩn bị. Đến tháng 10 -2018, chúng ta đã triển khai thành công bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên tới Nam Sudan gồm 63 cán bộ, chiến sỹ. Đặc biệt lần này đoàn có 10 cán bộ chiến sỹ là nữ.
Để cử được 1 đơn vị tham dự như vậy trước tiên là cần chuẩn bị các vấn đề quan hệ hợp tác quốc tế. Liên hợp quốc có lời mời đối với Việt Nam thì chúng ta mới tham dự. Thứ hai, chuẩn bị về khâu kế hoạch. Khâu kế hoạch là phải biết mình làm những gì. Thứ ba, vấn đề về pháp lý trong nước khi đưa lực lượng ra nước ngoài làm nhiệm vụ quốc tế, tránh để xảy ra dư luận không tốt. Thứ tư, là chuẩn bị khâu huấn luyện. Đây có lẽ là khâu nặng nhất, phải chuẩn bị huấn luyện về ngoại ngữ, trình độ kỹ thuật của quân y, luật pháp quốc tế, sức khoẻ... Công tác huấn luyện đặt ra những yêu cầu mới ở chỗ mọi tiêu chí đánh giá sát hạch khi thi giữa các quốc gia theo quy chuẩn quốc tế (dù trình độ, bản lĩnh, khả năng thực chiến của chúng ta rất tốt). Mỗi lần thi sát hạch chúng tôi rất lo nhưng khi thi nhận thấy chiến sỹ ta thi tốt. Thứ năm, đảm bảo cơ sở trang thiết bị kỹ thuật. Thứ sáu, chuẩn bị tư tưởng tinh thần cho cán bộ chiến sỹ vì tham gia gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc thời gian lâu, chưa kể sang các nước Châu Phi có rất nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, khí hậu khắc nghiệt, anh chị em phải xa gia đình trong thời gian dài...
Thưa đồng chí, ngoài lực lượng quân y, chúng ta còn tham gia thêm những lĩnh vực nào nữa không?
Trước mắt chúng ta tham gia vào lĩnh vực quân y. Chậm nhất tới năm 2020 sẽ đưa lực lượng công binh tham gia. Công việc của công binh khác hoàn toàn quân y, quân số có thể lên tới 300 người. Hiện nay, Liên hợp quốc có đề nghị Việt Nam cử thêm nhiều đoàn tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình, song tôi nêu rõ quan điểm Việt Nam chỉ đưa thêm một số lực lượng khác như: lực lượng bảo vệ, lực lượng thông tin.
Chủ trương của Việt Nam là chỉ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình khi có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên liên quan, các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo, tái thiết, không tham gia các nhiệm vụ cưỡng chế và hoạt động tác chiến.
Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được cân nhắc như thế nào?
Thứ nhất, việc ký kết các thoả thuận với Liên hợp quốc đều là do đề xuất từ phía Việt Nam chủ động (lựa chọn lực lượng, số lượng tham gia, nơi đến, hoạt động ra sao...). Thứ hai, Việt Nam được quyền từ chối khi thấy các yêu cầu không thoả đáng hoặc ngoài khả năng của các đơn vị. Thứ ba, chúng ta luôn đặt đảm bảo an toàn lên hàng đầu trong thi hành nhiệm vụ là nguyên tắc cơ bản nhất. Do đó, Việt Nam không tham gia các hoạt động tác chiến, không tham gia các nhiệm vụ gây nguy hiểm cho chiến sỹ của ta...
Xin kể chi tiết thú vị. Khi các chiến sỹ của ta đi qua vùng xảy ra xung đột có treo cờ Việt Nam và gắn chữ “Việt Nam” trên xe đều được các lực lượng chính phủ hay phe đối lập đón chào, không gây xung đột để đảm bảo an toàn. Điều ấy chứng tỏ một điều là Việt Nam được rất nhiều bạn bè quốc tế nể phục và quý trọng...
Xin cảm ơn đồng chí.