18/01/2025 lúc 19:58 (GMT+7)
Breaking News

Sự hiện diện mới về quốc phòng của Việt Nam trên trường quốc tế

VNHN – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông rất bất ngờ và tự hào khi bộ đội Việt Nam có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục. Đó là các kỹ năng mà quân đội của nhiều nước mong muốn có được.

VNHN – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông rất bất ngờ và tự hào khi bộ đội Việt Nam có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục. Đó là các kỹ năng mà quân đội của nhiều nước mong muốn có được.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh nhiệm vụ quân đội ta đang tham gia nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh động viên các chiến sĩ  tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Ảnh: Vietnamnet.vn

Bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục

Xin Thượng tướng đánh giá về tầm quan trọng của các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam chúng ta đã tham gia vào Liên Hợp Quốc và trong chính sách đối ngoại chúng ta tuyên bố một cách mạnh mẽ và cũng luôn là quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã và sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ quốc tế đảm bảo hòa bình an ninh.

Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một trong những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho quân đội và chúng ta đã tiến hành được 5 năm. Ý nghĩa đầu tiên của việc chúng ta tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh của thế giới. Chúng ta là quốc gia có uy tín, chúng ta đã nói là chúng ta làm và chúng ta tham gia Liên Hợp Quốc không chỉ bởi mong muốn Liên Hợp Quốc ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam mà cũng đóng góp vào những hoạt động của Liên Hợp Quốc, mặc dù chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Ý nghĩa thứ hai khi chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là để quảng bá và tôn vinh hình ảnh của đất nước, của quân đội Việt Nam, của nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Ở đây không chỉ là ngoại giao đơn thuần mà đây là làm thật, đây là việc thật. Đó là một thử thách và đối với rất nhiều quốc gia là một thử thách rất là khó khăn. Chúng ta làm tốt nhiệm vụ của mình đã là quảng bá tốt hình ảnh đất nước.

Và không chỉ như thế, chúng ta lại là một đội quân mẫu mực, là đội quân không có vi phạm kỷ luật, không có vi phạm các quy định của Liên Hợp Quốc. Quân đội Việt Nam là đội quân có chuyên môn giỏi, đây là đánh giá của Liên Hợp Quốc.

Một vấn đề nữa là khi rèn luyện kỹ năng công tác, hoạt động và chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt ở những khu vực rất xa sẽ tạo cho chiến sĩ của chúng ta những kỹ năng  mới, những yêu cầu mới theo quy chuẩn của thế giới.

Tôi ví dụ như hoạt động Quân y, chúng ta có thể chữa bệnh rất tốt nhưng Liên Hợp Quốc có hơn 90 quy trình chuẩn để mà bất kỳ một bệnh nào, trường hợp bệnh nhân nào cũng phải theo đúng quy trình ấy. Chúng ta phải rèn luyện cho bộ đội để không bị sai sót, không bị phạm lỗi trong quy trình khắt khe đó.

Chúng tôi cũng đã rất bất ngờ và tự hào khi bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục. Đây là các kỹ năng mà quân đội của nhiều nước mong muốn có được, ví dụ như khả năng thích nghi trong môi trường khắc nghiệt, khả năng tổ chức cuộc sống của bộ đội chúng ta.

Ví dụ như bộ đội ta rất giỏi khả năng ứng phó trong những điều kiện không đầy đủ. Khi chúng ta sang Anh, chỉ trong thời gian rất ngắn đã trực chiến và chữa bệnh cho số lượng bệnh nhân quân sự và bệnh nhân dân sự.

Ý nghĩa cuối cùng khi chúng ta tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là tạo môi trường thử thách cho các cán bộ chiến sĩ. Khi thực hiện công tác hoạt động ở địa bàn xa sẽ là bài tập kiểm tra lại xem người lính Việt Nam sẽ làm việc như thế nào, năng lực đi đến đâu. Và kết quả, chúng ta hoàn toàn yên tâm khi kinh nghiệm của quân đội ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước đã hoàn toàn có thể áp dụng trong thời bình, để kiến tạo hòa bình và an ninh của đất nước mình cũng như của thế giới.

Sự hiện diện mới của quốc phòng, quân sự Việt Nam trên môi trường quốc tế

Thượng tướng có nói trong 5 năm vừa qua, cuộc chiến giữ hòa bình đã làm được rất nhiều việc. Trong thời gian tới, theo Thượng tướng, chúng ta sẽ đề ra những thử thách, phương hướng và những mục tiêu nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Về chủ trương, về những nội dung, bước đi đều đã nằm trong Đề án của Bộ Chính trị và Chính phủ, chúng ta sẽ mở dần các hoạt động quân sự hòa bình Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên là yêu cầu của Liên Hợp Quốc đối với chúng ta trong việc này rất rộng, rất cao. Điều đó cũng xuất phát một phần từ chính chúng ta bởi chúng ta đã làm rất tốt giai đoạn đầu và đã tạo được sự tin tưởng cho họ. Vì vậy, Liên Hợp Quốc đề nghị chúng ta mở rộng các hoạt động. Ví dụ như bên cạnh Quân y, họ còn rất mong chúng ta cử đội Công binh đi. Rồi không chỉ là Công binh mà chúng ta dự kiến cử các lực lượng Bộ binh nhưng không tham gia xung đột mà bảo vệ căn cứ, hay nghiên cứu các chuyên gia quân sự, rồi đội sĩ quan cảnh sát đi để làm công tác tham mưu.

Đặc biệt hơn nữa, trong quá trình công tác tại các quốc gia, các phái bộ, Liên Hợp Quốc đã chính thức mời một số sỹ quan của chúng ta làm cán bộ chỉ huy của Liên Hợp Quốc tại phái bộ cũng như ở trụ sở Liên Hợp Quốc. Đây là điều chúng ta hướng đến nhiều năm mà chưa được. Sắp tới đây tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để cử các đồng chí đi với tư cách là sỹ quan chỉ huy của một phái bộ hoặc là sỹ quan tham mưu của trụ sở Liên Hợp Quốc. Đó cũng chính là một sự hiện diện mới của quốc phòng, quân sự của Việt Nam ở trên môi trường quốc tế.

Có thể nói, bệnh viện dã chiến 2.2 lên đường thực hiện nhiệm vụ là đợt chúng ta đổi quân so với 2.1. Vậy nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao cho 2.2 có gì khác biệt so với 2.1 không?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta có thuận lợi là vì 2.1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, 2.2 tiếp quản thành quả hơn 1 năm qua và kinh nghiệm chúng ta đã có được. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên là bệnh viện 2.2 phải đảm bảo phải làm tốt bằng hoặc tốt hơn những công việc mà bệnh viện 2.1 đã thực hiện. Tiếp theo, chúng ta phải đảm bảo tỷ lệ nữ nhiều hơn bệnh viện 2.1 và trình độ phải cao hơn.

Trong thời kỳ bệnh viện 2.1, công tác chuẩn bị chưa kịp thời, vì vậy trình độ của một số anh chị em còn chưa thật xuất sắc. Lần này đội hình phải đồng đều hơn. Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu và nhận được sự đồng tình cao của Giám đốc Học viện Quân y – cơ quan chủ quản của bệnh viện 2.2 sẽ cố gắng xây dựng một bệnh viện không có rác thải nhựa. Đây là một tiêu chí đặc biệt quan trọng của Liên Hợp Quốc, một yêu cầu đặc biệt của một nước Châu Phi là Nam Sudan và cũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Việc này nói vậy nhưng không hề đơn giản, nhất là đối với ngành y. Làm sao không có rác thải nhựa, từ bao bì nilon, từ cái cốc đến thiết bị y tế… Chúng ta sẽ chuẩn bị và tôi tin là với quyết tâm của các đơn vị trong và ngoài đơn vị chúng ta sẽ thực hiện được tiêu chí này. Nếu được thì đây sẽ là đơn vị đầu tiên của đơn vị không có rác thải nhựa và cũng là đơn vị đầu tiên của các phái bộ Liên Hợp Quốc ở nước ngoài không có rác thải nhựa.

Những thách thức mới, nhiệm vụ nặng nề

Thưa Thứ trưởng, việc Việt Nam tham gia ngày một tích cực các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đóng góp như thế nào cho thành công chung của năm 2020 khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ lại nặng nề hơn, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cao hơn. Đây là khó khăn, thách thức. Chúng ta không thể làm không tốt hơn các năm trước được, đồng thời chúng ta phải có hoạt động để tương ứng với vai trò của quốc gia là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam sẽ phối hợp với tổ chức Liên Hợp Quốc tổ chức hội nghị quốc tế về phụ nữ, vai trò của phụ nữ đối với việc gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Hội nghị này được sự chú ý đặc biệt của Liên Hợp Quốc cũng như các quốc gia vì vai trò của phụ nữ trong các hoạt động chung của thế giới, trong tiêu chí của phát triển bền vững về nữ quyền, vai trò của quân đội là đặc biệt quan trọng.

Trong 5 năm qua, các đồng chí nữ cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có đồng chí hoàn thành xuất sắc, được Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao. Chính vì thế Liên Hợp Quốc mới đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị này. Nếu được thì vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời bình sẽ được tôn vinh và sẽ được thế giới nhìn nhận tích cực đối với bình đẳng giới cũng như đề cao vai trò của phụ nữ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng mong muốn chúng ta có hoạt động khác nữa, với tư cách là Ủy viên không thường trực. Ví dụ họ rất muốn ta tổ chức một hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về khắc phục hậu quả chiến tranh trong gìn giữ hòa bình. Chúng ta khắc phục hậu quả chiến tranh thì rất giỏi, mặc dù nhiệm vụ này rất nặng nề.

Nói tóm lại, chúng ta với cương vị là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao có rất nhiều việc phải làm, trong đó quân đội sẽ đóng góp những việc cụ thể trong khả năng của mình.

Thưa Thứ trưởng, chúng ta đang chuẩn bị cho Công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đội Công binh có số lượng khá lớn, trên 300 người, ta có thể phải gặp những khó khăn, thách thức như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đây lại là một bước đi mới, một nấc thang mới trong hoạt động của chúng ta. Quân y với đội hình khoảng 60 đồng chí, là đơn vị cấp đại đội. Nhưng với đơn vị của Công binh là đơn vị cấp tiểu đoàn, thậm chí là đơn vị Trung đoàn vì trang bị rất lớn, có thể là hàng ngàn tấn trang bị chúng ta phải đưa sang địa bàn để sử dụng trong quá trình công tác.

Đội Công binh cũng không được đóng độc lập như bệnh viện dã chiến, họ sẽ phải phân tán và làm những nhiệm vụ tương đối khó khăn. Đó là những thách thức mới. Tuy nhiên, chúng ta đã chuẩn bị được hơn 5 năm và chính thức thành lập đội Công binh này được hơn 3 năm. Những đợt kiểm tra gần đây của Liên Hợp Quốc đều đánh giá rất cao khả năng của đội Công binh chúng ta. Chúng tôi đã đưa các đồng chí chỉ huy của Binh chủng Công binh, chỉ huy các đơn vị Công binh và một số sỹ quan Công binh sang tận địa bàn để khảo sát nhiệm vụ tại nước bạn. Các đồng chí đã khẳng định với Bộ Quốc phòng là Công binh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là niềm tin chúng tôi sẽ khẳng định với Liên Hợp Quốc là nếu chúng tôi cử Công binh đi thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về khả năng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đối với lực lượng dân sự Việt Nam?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Lực lượng dân sự Việt Nam là một trong những đề nghị của Liên Hợp Quốc đối với chúng ta. Đây cũng nằm trong Đề án mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã thông qua. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị rất thận trọng, phải có quá trình tìm hiểu rất kỹ về cơ chế, về các yêu cầu, khả năng quản lý, chỉ đạo để đảm bảo yêu cầu. Thứ nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Thứ hai, yêu cầu cao hơn là phải đảm bảo an toàn cho tất cả cán bộ chúng ta cử đi. Đây là một trong những nội dung mà chúng tôi nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền./.