23/01/2025 lúc 06:16 (GMT+7)
Breaking News

Sử dụng hoạt động cặp/nhóm để nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngành ngôn ngữ

Phương pháp dạy học theo đường hướng giao tiếp trong dạy học ngoại ngữ bắt nguồn từ học thuyết “Ngôn ngữ chính là giao tiếp”. Điều này có nghĩa là dạy ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp coi năng lực giao tiếp và hiệu quả giao tiếp là mục tiêu cuối cùng của việc tiếp thụ một ngoại ngữ, lấy những tình huống giao tiếp có thực trong đời sống cho người học cơ hội giao tiếp bằng chính ngoại ngữ mà họ đang tiếp thụ.

Hoạt động cặp/nhóm trong day-học ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh chính là một trong những phương tiện hiệu quả để thúc đẩy sự tương tác giữa người học và từ đó giúp nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Anh cho sinh viên.

Abstract: The communicative approach in foreign language teaching originates from the theory of "Language as communication". Communicative teaching approach considers communication ability and communication effectiveness as the ultimate goal in acquiring a foreign language, in which real-life communication situations help to promote interaction between learners, give learners lots of opportunities to communicate in the language they are learning. Pairwork and groupwork activities in foreign language learning, specifically English, are one of the effective means to enhance interaction between learners and thereby help to improve students' English communication skills.

Keywords: hoạt động cặp, hoạt động nhóm, tương tác, đường hướng giao tiếp, năng lực giao tiếp.

  1. Đặt vấn đề:

Từ nhiều năm nay, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy và trở thành môn học chính thức trong khối kiến thức giáo dục đại cương tại các cơ sở giáo dục, đào tạo bậc Đại học. Trước đây, chúng ta đã quen với việc dạy và học Tiếng Anh theo cách truyền thống đó là ngưòi dạy là người cung cấp kiến thức và người học là đóng vai trò là những người tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Theo đó, người dạy giới thiệu những nguyên tắc ngữ pháp, các từ vựng, cấu trúc; giải thích, đưa ví dụ và yêu cầu sinh viên luyện đặt câu, theo những cấu trúc đã học. Vai trò của người dạy chỉ dừng lại ở chỗ kiểm soát quá trình luyện tập đó, chữa lỗi và sinh viên thì làm theo những yêu cầu mà giáo viên đưa ra. Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, phương pháp dạy này đã trở nên lỗi thời. Xu hướng gắn mục đích giao tiếp trong việc dạy và học ngoại ngữ đã được khuyến khích và đẩy mạnh với việc đưa ngôn ngữ học lý thuyết gắn kết với môi trường và ngữ cảnh giao tiếp có thực, gần gũi và phù hợp với môi trường sống. Đây có thể coi là một cuộc cải cách lớn và hoạt động giao tiếp trong lớp học đang dần chiếm ưu thế so với những hoạt động trên lớp theo cách truyền thống.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1 Phương pháp dạy ngôn ngữ theo hướng giao tiếp

2.1.1. Quan điểm về dạy học theo hướng giao tiếp

Theo cách tiếp cận giao tiếp, việc dạy ngôn ngữ đòi hỏi phải xem xét các khía cạnh văn hóa và xã hội của ngôn ngữ, các điều kiện xã hội trong đó ngôn ngữ được tạo ra và ngôn ngữ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, cách tiếp cận giao tiếp tập trung vào khía cạnh ngữ nghĩa của ngôn ngữ, đó là ý định giao tiếp. Mục tiêu cuối cùng của người học ngôn ngữ không chỉ là tiếp thu và nắm vững kiến ​​thức ngôn ngữ (phát âm, từ vựng, ngữ pháp) mà còn đạt được năng lực giao tiếp (thành thạo cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp). Vì vậy, các tài liệu dạy học hiện nay nhằm giúp người học thực hiện nhiều chức năng ngôn ngữ khác nhau như đưa ra yêu cầu, gợi ý, yêu cầu, mô tả đồ vật, bày tỏ sự quan tâm, thích, không thích, v.v. Hơn nữa, để giao tiếp hiệu quả, người học cần sử dụng các hình thức ngôn ngữ phù hợp với các tình huống giao tiếp khác nhau, trong đó người tham gia phải truyền đạt ý định giao tiếp của mình thông qua các nhiệm vụ khác nhau.

Phương pháp tiếp cận ngôn ngữ theo mục đích giao tiếp trong dạy học ngoại ngữ bắt nguồn từ học thuyết “Ngôn ngữ chính là giao tiếp”. Điều này có nghĩa là phương pháp dạy ngôn ngữ theo mục đích giao tiếp sử dụng triệt để những tình huống giao tiếp gần gũi, có thực trong đời sống để thúc đẩy giao tiếp giữa những người học. Vai trò quan trọng của xu hướng này chính là đã mang lại cho người học thật nhiều cơ hội và tình huống để giao tiếp bằng chính ngôn ngữ mà họ đang tiếp thụ.

Theo Brumfit (1984) “Phương pháp dạy học theo hướng giao tiếp (Communicative in Language Teaching – CLT) là một tập hợp các nguyên tắc trong giảng dạy ngôn ngữ cho người học, trong đó mọi hoạt động trên lớp đều hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể tham gia vào việc dạy-học được tương tác, từ đó nâng cao năng lực giao tiếp”Tác giả cũng chỉ ra rằng: “năng lực giao tiếp được thể hiện qua kiến ​​thức ngôn ngữ ở những khía cạnh sau: Một là biết cách sử dụng ngôn ngữ cho nhiều mục đích và chức năng khác nhau; Hai là biết cách thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ tùy theo bối cảnh và người tham gia; Ba là, biết cách viết và hiểu các loại văn bản khác nhau; Bốn là biết cách duy trì giao tiếp dù kiến ​​thức ngôn ngữ còn những hạn chế” (Brumfit, 1984). Vì vậy, dạy học ngôn ngữ theo hướng giao tiếp là một phương pháp dạy ngoại ngữ nhấn mạnh sự tương tác với vai trò vừa là phương tiện vừa là mục tiêu cuối cùng của việc học một ngôn ngữ.Ở Việt Nam, việc ứng dụng phương pháp này là một cải tiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Có thể thấy, phương pháp giao tiếp được coi là một cách tiếp cận tích cực trong việc học ngôn ngữ. Theo Lê A (1999), “Phương pháp giao tiếp” là phương pháp giảng dạy hướng dẫn học sinh vận dụng các lý thuyết đã học vào việc thực hiện các nhiệm vụ giao tiếp, chú ý đến đặc điểm, các yếu tố liên quan đến hoạt động giao tiếp”. Theo cách tiếp cận này, việc học một ngôn ngữ được nâng cao thông qua các hoạt động giao tiếp thực tế, lớp học trở thành môi trường để người học tích cực sử dụng ngôn ngữ đang học vào mục đích giao tiếp thực tế và cụ thể.

2.1.2. Ưu điểm của dạy học theo hướng giao tiếpDạy học theo hướng giao tiếp tạo cơ hội cho người học giao tiếp bằng ngoại ngữ mà họ đang tiếp thụ. Việc sử dụng các kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ giúp người học có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ đích, cụ thể là tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Các hoạt động được sử dụng trong phương pháp CLT như kịch, đóng vai và trò chơi làm cho việc học trở nên thú vị. Người học được tham gia vào các tình huống thực tế trong cuộc sống, đòi hỏi phải giao tiếp. Theo cách tiếp cận này, giáo viên thiết lập một tình huống giao tiếp trong đó sinh viên có thể tham gia vào cuộc sống thực. Hiệu quả giao tiếp đạt được phụ thuộc vào phản ứng và phản ứng của họ. Vì vậy, họ sẽ luôn có động lực và hồi hộp cho đến khi hoàn thành hoạt động và thấy được kết quả rõ ràng. Theo Morrow (2018), “trong lớp học tiếng Anh áp dụng phương pháp dạy học theo các hoạt động giao tiếp, hầu hết các bài tập này được hoàn thành thông qua hoạt động cặp và nhóm. Những hoạt động đó mang lại cho học sinh cơ hội được tham gia vào tình huống giao tiếp chân thực như đóng vai, hoạt động phỏng vấn, trò chơi”.

Phương pháp dạy ngoại ngữ theo mục đích giao tiếp chú trọng đến quá trình và hiệu quả giao tiếp hơn là việc nắm vững các dạng, thức của ngôn ngữ đó. Do đó, sinh viên cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình học bằng thái độ chủ động tham gia vào quá trình học và các hoạt động học. Đồng thời, ở một khía cạnh nhất định, các em cũng chính là người điều tiết giữa quá trình học với các chủ thể trong quá trình học. Nhờ đó sinh viên cũng sẽ đạt được kết quả tốt từ chính những đóng góp của mình và nâng cao tính tự chủ trong quá trình học của chính mình.

2.2. Hoạt động cặp/nhóm

2.2.1. Khái niệm:

Khái niệm hoạt động cặp:

Một trong những công cụ hữu ích trong việc giảng dạy ngoại  ngữ thành công là sử dụng hoạt động cặp/nhóm vì hoạt động này giúp người  dạy tối đa hoá sự tham gia của học sinh, đặc biệt là trong các lớp học quy mô lớn. Theo Harmer (2007) quan niệm: “làm việc cặp là một thuật ngữ chung bao gồm nhiều kỹ thuật trong đó hai học sinh được giao một nhiệm vụ liên quan đến sự tương tác và trao đổi bằng ngôn ngữ địch, cụ thể là tiếng Anh”. Có thể hiểu, hoạt động cặp là quá trình sinh viên làm việc theo đôi để luyện tập hoặc thảo luận về một vấn đề.  Trong hoạt động cặp, giáo viên sẽ chia lớp ra thành các cặp, mỗi sinh viên sẽ là việc với bạn cùng cặp với mình và tất cả các cặp đều làm việc cùng một lúc. Mở rộng của hoạt động này là từng cặp sinh viên lần lượt đứng nói trước lớp.

Khái niệm hoạt động nhóm: là loại học mà ở đó, các sinh viên làm việc theo nhóm để học một kiến thức mới. Sinh viên có thể làm việc theo nhóm 2,3,4 hoặc nhiều hơn tuỳ mục đích và yêu cầu của bài để giải quyết vấn đề hay làm các bài luyện tập. Cũng như hoạt động cặp, các nhóm làm việc cùng một lúc.

Theo Harmer (2007),  hoạt động nhóm là một thuật ngữ chung chỉ hoạt động bao gồm nhiều kỹ thuật có sự tham gia hai hoặc nhiều học sinh để thực hiện một nhiệm vụ. Đồng thời, Harmer chỉ rõ “trong hoạt động nhóm, người tham gia có thể viết một câu chuyện nhóm hoặc đóng vai một tình huống, các thành viên nói về nhiệm vụ của mình, cùng thảo luận, trao đổi ý kiến ​​của mình và có thể giao cho 3 hoặc 5 người chuẩn bị bài thuyết trình hoặc thảo luận cho vấn đề đặt ra” Có thể thấy, thông qua hoạt động nhóm, người học được tham gia các hoạt động giúp người học phát triển các kỹ năng xã hội, xây dựng ý thức cộng đồng, hỗ trợ và phụ thuộc lẫn nhau để có trải nghiệm học tập.

Hoạt động cặp và hoạt động nhóm là những hoạt động có thể giúp mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội được làm việc cùng nhau và cùng trao đổi ý tưởng. Những hoạt động này giúp người học ý thức được vị trí quan trọng của mình trong hoạt động học và làm cho các em cảm thấy thêm tự tin và sáng tạo trong học tập. Nói cách khác hoạt động cặp và hoạt động nhóm chính là một trong những phương tiện để tạo ra không khí học tập thoải mái và đầy hứng thú từ đó thúc đẩy người học tham gia vào các hoạt động giao tiếp trong lớp học.  

  • Vai trò của giáo viên:

Giáo viên có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình tổ chức hoạt động cặp/nhóm.

Trước hết, thông qua các hoạt động và tình huống giao tiếp khác nhau, giáo viên là người tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình tương tác giữa các sinh viên trong lớp. Để thiết kế hoạt động cặp/nhóm và để hoạt động cặp/nhóm được triển khai, giáo viên cần phải nghiên cứu, xây dựng, phát triển và cung cấp nguồn tài liệu, đồng thời giáo viên cần hướng dẫn cho sinh viên các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp để chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia vào hoạt động. Bên cạnh đó, giáo viên cũng là người đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, điều hành các tiến trình hoạt động cặp/nhóm trên lớp. Với vai trò là người quản ý, giám sát hoạt động cặp/nhóm, giáo viên có thể tham gia và trợ giúp khi các em cần. Với vai trò này, người dạy cũng chính là một người học độc lập, tham gia vào hoạt động cặp/nhóm mà mình tổ chức.

2.2.2 Những thuận lợi và khó khăn khi sử dụng hoạt động cặp/nhóm trong việc dạy – học tiếng Anh.

  1. Những lợi ích của hoạt động cặp/nhóm:

Hoạt động cặp/nhóm lại được sử dụng trong việc dạy-học tiếng Anh và là một hoạt động hiệu quả trong việc thúc đẩy sự tương tác và giao tiếp tiếng Anh giữa người học nhờ những ưu điểm, đó là: (i) Làm tăng lượng thời gian cho sinh viên nói trên lớp; (ii) tạo nên một nhu cầu được giao tiếp và trao đổi thông tin giữa người học; (iii) thúc đẩy không khí học tập tốt và thoải mái trong lớp học, giúp người học cảm thấy tự tin hơn khi vận dụng tiếng Anh để giao tiếp và truyền đạt ý tưởng.

  1. Những thách thức khi sử dụng hoạt động cặp/nhóm:

Có một điều mà rất nhiều người đồng ý kiến cho rằng, người giáo viên, khi sử dụng hoạt động cặp/nhóm ở trên lớp đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đó là:

  • Nguy cơ tiếng ồn:

Việc tổ chức hoạt động cặp/nhóm trong lớp học tiếng Anh, đặc biệt là những lớp có số lượng sinh viên nhiều 40-50 em, tiếng ồn là điều không thể tránh khỏi. Thực tế là, tiếng ồn do các hoạt động cặp/ nhóm tạo ra thường là những tiếng ồn “có lợi”. Đó là tiếng ồn được tạo ra khi các em sinh viên nói tiếng Anh hoặc đang tham gia hoạt động học trên lớp mà nếu không có nó, các em không thể làm việc được cùng nhau.

  • Kiểm soát và quản lý lớp học:

Đây là một kỹ năng quan trọng mà người dạy cần có khi tổ chức các hoạt động cặp/nhóm. Để có thể luôn kiểm soát được quá trình diễn ra hoạt động cặp/nhóm, người dạy cần phải có lời chỉ dẫn và những câu lệnh thật rõ ràng để giúp cho các em hiểu rõ nhiệm vụ mình cần phải làm. Khi người học được giải thích rõ nhiệm vụ cần làm, các em sẽ tham gia tích cực và chủ động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người giáo viên hoàn toàn có thể làm chủ và kiểm soát được lớp học trong suốt quá trình diễn ra hoạt động căp/nhóm. Ngược lại, các em sẽ cảm thấy bối rối khi không biết rõ mình phải làm gì, điều đó dẫn đến việc các em gây mất trật tự và làm gián đoạn hoạt động của cả lớp. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta dạy trong một lớp có đông sinh viên. Giáo viên thường khó kiểm soát được toàn bộ lớp học theo hoạt động cặp/nhóm hơn những lớp thông thường khác.

  • Lớp học nhiều trình độ:

Những lớp học với nhiều trình độ khác nhau cũng là một trở ngại đối với người dạy khi sử dụng hoạt động cặp/nhóm. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta thường thấy một nhóm thường bị chi phối bởi những sinh viên có lực học trội hơn. Trong khi đó thì những sinh viên yếu hơn thì kém tự tin, giữ an toàn cho mình, sợ mắc lỗi và không muốn tham gia vào hoạt động của cả nhóm.

Vậy yếu tố quyết định cho sự thành công của hoạt động cặp/nhóm là gì? Đó chính là kỹ năn tổ chức của người giáo viên.

2.3. Tổ chức hoạt động cặp/nhóm

2.3.1. Nguyên tắc khi sử dụng hoạt động cặp/nhóm

Nguyên tắc 1: Người giáo viên coi mình là một sinh viên, đóng vai và làm mẫu với một hay một nhóm người học tự nguyện để các sinh viên khác hiểu rõ nhiệm vụ cần làm.

Nguyên tắc 2: Hãy đảm bảo sinh viên hiểu rõ nhiệm vụ các em cần phải làm trước khi giao nhiệm vụ đó cho các em. Nếu cần thiết, chúng ta cũng có thể sử dụng tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ) để giải thích và kiểm tra sinh viên có hiểu hay không.

Nguyên tắc 3: Đưa ra giới hạn thời gian rõ ràng cho mỗi một hoạt động cặp/nhóm. Cần có một khoảng thời gian nhất định để có sự phản hồi sau khi hoạt động cặp/nhóm kết thúc. Như vậy, các em sẽ không có cảm giác việc tổ chức hoạt động cặp/nhóm là tốn thời gian không có lợi gì cho việc học tiếng Anh.

Nguyên tắc 4: Có các hoạt động bổ trợ dành cho những cặp/nhóm sinh viên hoàn thành bài trước thời gian quy định để tránh tạo ra khoảng thời gian thừa thuận tiện cho việc nói chuyện, gây ồn ào và ảnh hưởng đến các cặp/nhóm khác.

Nguyên tắc 5: Phải nắm rõ và kiểm soát được hoạt động của các cặp/nhóm được giao nhiệm vụ để tránh việc một hay nhiều sinh viên chi phối hoạt động của cả nhóm hoặc ngược lại bị áp đặt bởi một hay nhiều sinh viên có học lực trội hơn.

  • Các bước tổ chức hoạt động cặp và hoạt động nhóm:

     Bước 1: Giải thích hoạt động

Hãy giải thích thật rõ ràng cho sinh viên biết một cách chính xác các em cần phải làm gì và cho các em có thời gian để đặt câu hỏi mà các em có thể hỏi để hiểu rõ hơn nhiệm vụ cần làm.

     Bước 2: Phân cặp/nhóm.

Để tránh việc một sinh viên chi phối hoạt động của nhóm và những thành viên khác nắm vai trò thụ động, người dạy cần thường có sự phân vai và nhiệm vụ rõ ràng. Ví dụ như: Chỉ định thư ký ghi chép, nhóm trưởng điều hành hoạt động chung của nhóm, người thuyết trình kết quả của nhóm và mỗi thành viên trong nhóm phải đóng góp một ý kiến. Như vậy sinh viên đều hiểu rõ mình phải làm gì và tất cả các thành viên trong nhóm đều tham gia hoạt động. Ví dụ:

Thiết lập hoạt động cặp: Giáo viên có thể phân cặp theo hai sinh viên ngồi cùng một bàn.

Phân nhóm ngẫu nhiên: Đánh số và cho sinh viên bốc thăm ngẫu nhiên;. Sau đó giáo viên chia sinh viên theo nhóm sỗ chẵn - số lẻ, nếu cần thiết có thể di chuyển và sắp xếp lại bàn.

Phân nhóm theo mục đích: Phân những sinh viên cùng có chung một chủ đề vào một nhóm (Ví dụ: kể về kỳ nghỉ ở biển) điều này giúp cho các nhóm sẽ có được nhiều nội dung và ý tưởng lý thú. Cách phân nhóm như thế này có thể áp dụng được trong việc dạy kỹ năng nói và đọc cho sinh viên.

     Bước 3: Đưa ví dụ hoặc làm mẫu

     Trước khi chia lớp thành các cặp/nhóm, việc đưa ra ví dụ là cần thiết nhằm giúp cho các em có thể nắm được ý tưởng của giáo viên. Giáo viên có thể làm mẫu trước lớp với một hoặc hai sinh viên sau đó yêu cầu một số em khác làm mẫu cho đến khi cả lớp có thể tự thực hiện các hoạt động đó. Điều này đảm bảo rằng cả lớp đã nắm được yêu cầu nhiệm vụ mà giáo viên đã giao và cách thực hiện.

     Bước 4: Giáo viên tổ chức hoạt động

           Người giáo viên cần kiểm soát sự tham gia đồng đều và tích cực của sinh viên vào hoạt động cặp/nhóm trên lớp. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình hoạt động cặp/nhóm, người giáo viên luôn phải di chuyển để quan sát và đưa ra những trợ giúp nếu cần, sửa lỗi cho các nhóm nếu có để hoạt động giao tiếp của các em được dễ dàng hơn và không bị đi quá xa với chủ đề đưa ra.

Bước 5: Thuyết trình kết quả

Sau khi hoạt động cặp/nhóm kết thúc, sinh viên sẽ trình bày kết quả mà cặp/nhóm mình đã làm được sau khi thảo luận hoặc ý kiến ghi lại của các thành viên trong nhóm.

  Bước 6: Thảo luận – Nhận xét

Sau phần trình bày giáo viên cần đưa ra phản hồi về kết quả hoạt động, nhận diện những lỗi phổ biến của sinh viên và thảo luận về những vấn đề khó khăn chung mà các em gặp phải khi tham gia hoạt động cặp/nhóm. Nhận xét, đánh giá hay thảo luận sau hoạt động là cần thiết, giúp sinh viên nhận thức được hoạt động mình đã tham gia là có ý nghĩa và có ích cho giao tiếp tiếng Anh hiệu quả hơn.

2.3.3. Gợi ý một số hoạt động cặp/nhóm nhằm thúc đẩy giao tiếp Tiếng Anh cho sinh viên

Dưới đây là một số hoạt động thường được sử dụng trên lớp và có thể áp dụng vào nhiều loại bài học ở các trình độ khác nhau.

  • Khoảng trống thông tin (Information gap): Đây là hoạt động mà trong đó mỗi sinh viên được cung cấp một nguồn thông tin khác nhau từ đó nảy sinh nhu cầu được giao tiếp và chia xẻ thông tin.
    • Các loại điền thông tin:

Lắp ghép thông tin (Matching):

  • Mỗi sinh viên trong cùng một nhóm được giao những phần khác nhau của một câu chuyện hoặc những bức tranh khác nhau kể về cùng một câu chuyện. Các em sẽ nói chuyện với nhau về phần của mình và sau đó ghép những mẩu câu hoặc những bức tranh thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Điền từ còn thiếu trong bài khoá (Gap-filling)

  • Các em sinh viên sẽ được giao những bài khóa khác nhau với cùng một nội dung những lại có những từ còn thiếu khác nhau. Theo cặp, các em sẽ phải đọc, hỏi lẫn nhau để tìm từ và hoàn thành bài khoá.
  • Ghi nhớ:: Các em sinh viên được học một hội thoại hoặc một bài khoá. Theo cặp, các em sẽ cắt nhỏ bài hội thoại hoặc bài khoá thành nhiều đoạn sau đó cùng nhau thảo luận và sắp xếp chúng lại với nhau.
  • Thảo luận: Đây là loại hoạt động mà giáo viên sẽ yêu cầu sinh viên bày tỏ ý kiến riêng của mình về một chủ đề nào đó.
    • Các hình thức thảo luận:
  • Đồng tình hay phản đối: Giáo viên sẽ đưa cho sinh viên những tuyên ngôn khác nhau (Ví dụ: “Tiếng Anh là một môn học tẻ nhạt” hay “học tiếng Anh rất cần thiết”). Sau đó theo cặp hoặc nhóm nhỏ, giáo viên sẽ yêu cầu các em bày tỏ ý kiến của mình, đồng tình hay phản đối và giải thích rõ lý do..
  • Tranh luận: Giáo viên đưa cho sinh viên một câu nói gây nhiều tranh cãi. Các em sẽ được chia ra làm hai nhóm với hai quan điểm đối lập nhau về vấn đề được đưa ra. Các em sẽ chuẩn bị những lý lẽ để bảo vệ cho ý kiến của mình. Và cuối cùng, các em sẽ bỏ phiếu để xem ai là người có lý lẽ thuyết phục nhất.
  • Đóng vai:: Đây là loại hoạt động mà ở đó sinh viên sẽ tưởng tượng mình đang ở một tình huống nhất định hoặc là một nhân vật nào đó. Ở đây, vốn ngôn ngữ được sử dụng phải phù hợp với ngữ cảnh.
    • Các hình thức đóng vai:
  • Đóng vai trong bài khoá:: Chia sinh viên thành các cặp, một sinh viên đóng vai một nhân vật trong bài đọc và sinh viên kia sẽ đóng vai người phóng viên muốn viết một bài báo về nhân vật trong bài đó.
  • Chuỗi diễn ngôn: Sinh viên được chia theo cặp và giao viên sẽ giao cho các em những lời thoại sử dụng cấu trúc, ngữ cảnh liên quan đến bài học và yêu cầu xây dựng thành một bài hội thoại hoàn chỉnh.

Ví dụ: Trên điện thoại

A: Good morning. Who’s speaking?

B: Hello. I’m B

A: Are you free tomorrow?

B: Yes, I am

A: Would you like to go to cinema with me?

B: Yes, I’d love to.

A: That’s fine. Shall we meet each other in front of the Oreon Cinema at 7 p.m?

B: That’s a good idea. Bye. See you tomorrow.

  • Games: Đây là hình thức hoạt động không chỉ giúp sinh viên luyện tập được nhiều mà còn rất vui và nhiều thử thách. Có rất nhiều trò chơi lý thú mà giáo viên có thể tổ chức cho sinh viên trong quá trình dạy học, đặc biệt khi ôn tập kiến thức và vào bài mới. Dưới đây là một số trò chơi::
    • Miêu tả và vẽ: Theo cặp, một sinh viên miêu tả một bức tranh và sinh viên kia thì vẽ lại.
    • Tìm sự khác biệt: Giáo viên cung cấp cho các em những bức tranh với nhiều điểm khác nhau. Các em sẽ hỏi lẫn nhau để tìm ra sự khác biệt ấy.
    • Kể chuyện bằng tranh:
      • Chia sinh viên ra thành các nhóm 4 và mỗi sinh viên trong nhóm đó sẽ chọn một bức ảnh từ nguồn ảnh mà giao viên cung cấp.
      • Mỗi nhóm chọn một thư ký để ghi lại câu chuyện của nhóm đó.
      • Yêu cầu nhóm đó tạo ra một câu chuyện ngắn sử dụng cả 4 bức tranh.
      • Yêu cầu mỗi nhóm chọn ra một hoặc hai thành viên trong nhóm kể lại câu chuyện của nhóm mình trước lớp đồng thời đưa những bức tranh đó lên để minh hoạ cho câu chuyện.

3. Kết luận

Sự phát triển của phương pháp dạy ngoại ngữ theo mục đích giao tiếp đã mang đến cho người dạy nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên để có thể chọn ra được những hoạt động giao tiếp phù hợp trong một lớp học ngoại ngữ lại phụ thuộc không chỉ vào mục đích học tập mà còn vào ngữ cảnh nơi diễn ra quá trình hoạt động ấy. Việc sử dụng hoạt động cặp nhóm làm phương tiện để thúc đẩy giao tiếp bằng Tiếng Anh trong giờ học ngoại ngữ cũng như nâng cao năng lực giao tiếp của sinh viên là sự lựa chọn hợp lý. Dù người giáo viên dạy Tiếng Anh có giỏi về chuyên môn nhưng không có sự tương tác và giao tiếp với sinh viên của mình thì người dạy đó khó có thể coi là một giáo viên dạy học thành công. Giỏi về kiến thức và chuyên môn chưa đủ mà người dạy còn phải biết tổ chức các hoạt động giao tiếp có ích, đưa ra những phản hồi, có sự khen ngợi, động viên khích lệ. Có như vậy thì người dạy mới tạo được một không khí học hứng thú và thoải mái cho sinh viên. Bên cạnh đó, có sự chỉ dẫn và hỗ trợ kịp thời cho sinh viên cũng rất quan trọng nhờ đó mà hoạt động giao tiếp và sau đó là nhiệm vụ học tập mới thành công và có hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo

  1. Lê A (2012), Phương pháp giảng dạy tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
  2. Brown, H.D. (2001), Teaching by principles : an interactive approach to language pedagogy, New York – Longman.
  3. Brumfit C. J., (1984), Communicative methodology in language teaching: The Roles of Fluency and Accuracy. Cambridge: Cambridge University Press.
  4. English Now – Tạp chí dành cho giáo viên Anh ngữ và giảng viên tập huấn, số 10 Hè 2005 – Hội Đồng Anh.
  5. English Now – Tạp chí dành cho giáo viên Anh ngữ và giảng viên tập huấn. số 18 Đông 2005 – Hội Đồng Anh
  6. Morrow, C. K. (2018). Communicative language testing. The TESOL encyclopedia of English language teaching, https://doi.org/10.1002/9781118784235.ee1t0383.
  7. Jeremy Harmer (2007), The Practice of English Language Teaching Fourth Edition, England, Longman.
  8. Richards, J. C. (2006), Communicative Language Teaching Today, Cambridge University Press.
  9. Savignon, S. J. (1991). Communicative language teaching: State of the art. TESOL quarterly; 25(2), 261-278. https://doi.org/10.2307/3587463.
  10. Lê Quang Trực (2018) Application of Communicative Approach in Teaching English in Some Asian Countries and the Practical Experience in Vietnam.

TS. Nguyễn Thị Thanh Hải

Học viện Hành Chính Quốc gia