23/01/2025 lúc 09:39 (GMT+7)
Breaking News

Sinh viên đi làm thêm nếu không hiểu biết sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro

VNHN - Trên thực tế, sinh viên đi làm thêm gặp không ít khó khăn, rủi ro rất lớn. Các em đang phải tự đối mặt với rất nhiều khó khăn.

VNHN - Trên thực tế, sinh viên đi làm thêm gặp không ít khó khăn, rủi ro rất lớn. Các em đang phải tự đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Ngày nay, sinh viên vừa đi học vừa đi làm thêm với các công việc bán thời gian, lao động phi chính thức khá phổ biến, nhất là những em ngoại tỉnh, hoàn cảnh khó khăn. Việc làm thêm không chỉ giúp sinh viên có thêm khoản thu nhập trang trải học tập, sinh hoạt hàng ngày mà còn tạo cơ hội được trải nghiệm thực tế, mở rộng mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, giúp ích cho công việc sau này.

Tuy nhiên vì thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nên đã có rất nhiều trường hợp sinh viên gặp rủi ro, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng khi đi làm thêm. Vụ việc mới đây, một sinh viên năm thứ nhất chạy grab bị giết hại, rồi nữ sinh viên đến đòi tiền lương bị chủ cửa hàng tát cho thấy: việc quản lý thời gian, công việc làm thêm của sinh viên hiện nay còn bỏ ngỏ.

Kết thúc buổi học chiều ở trường lúc 17h30, Đào Tiến Anh, quê ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh viên năm thứ 3 trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội vội vã tranh thủ chạy xe ôm công nghệ grab giao hàng, đồ ăn nhanh và chở khách. Công việc đơn giản lại chủ động được thời gian học nên Tiến Anh rất hài lòng. Không xin đi làm ở những quán café, nhà hàng do phải làm ca không phù hợp với thời gian học, sau mỗi buổi học, Tiến Anh tranh thủ chạy xe ôm từ 4 tiếng đến 5 tiếng, thu nhập những ngày may mắn được 300.000 đến 400.000 đồng.

Vậy nhưng cũng có những hôm không may coi như chạy không công. Đào Tiến Anh chia sẻ: "Tối khoảng 10h là em về. Gần đây có vụ sinh viên đi muộn bị cướp giờ phải tự đề phòng. Trong công việc chạy grab này, giao đồ ăn với giao hàng có rủi ro khách hàng "bùng"; tiếp theo chủ quan không kiểm tra hàng, trong hàng người ta đặt cái gì đấy, ví dụ như chất kích thích đi ra ngoài mình giao bị công an kiểm tra. Rủi ro chở khách, em cũng gặp khách say, khó tính. Em từng gặp vị khách đi cuốc xe trên 10 cây, tiền trên ứng dụng là 60.000 đồng nhưng mà đến nơi, anh ý bảo không có tiền. Có hôm chở khách sang bên Trần Duy Hưng, em chở vào trong ngõ rồi anh khách bảo không có tiền thôi cho anh xin rồi đi thẳng, lúc ấy chỉ biết quay đầu xe đi về không biết làm thế nào". Những tình huống rủi ro mà Tiến Anh gặp phải cũng là tình cảnh chung của cánh lái xe công nghệ hiện nay. Lê Bá Cửu, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Giao thông vận tải Hà Nội cũng làm thêm bằng nghề xe ôm công nghệ cho biết, những vị khách hàng quỵt tiền thường chọn lái xe là người ngoại tỉnh, mới, chưa quen đường, khả năng phản xạ tình huống chậm.

"Chạy xe ôm grap gặp rủi ro cũng khá thường xuyên. Em cũng đã gặp trường hợp chở khách đến rồi có người khác đến đón đi luôn. Em nghĩ khi chở mình phải biết trước đường đi hoặc là nhìn thái độ khách hàng thì sẽ chở còn không thì thôi", Lê Bá Cửu nói. Do có thể chủ động được thời gian làm thêm nên chạy xe ôm công nghệ grab đang là nghề được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn để kiếm thêm thu nhập.

Sinh viên làm thêm rất nhiều nhưng thường bị mắc bẫy của các nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, trước vụ việc nam sinh chạy grab, quê Thanh Hóa bị sát hại ở bãi đất hoang thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhiều người cũng cảnh giác với những rủi ro, nguy hiểm có thể gặp trên đường. Cùng với chạy grab, nhiều ngành nghề khác được các bạn trẻ lựa chọn như bán hàng online, gia sư, chạy bàn… cũng gặp nhiều bất trắc không kém. Vụ việc nữ sinh bị chủ cửa hàng giày dép ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chửi mắng thậm tệ và tát vào mặt khi đến đòi tiền lương xảy ra vào tháng 9 vừa qua là một ví dụ.

Đối mặt với rủi ro, bị khách, chủ và các trung tâm tư vấn dịch vụ việc làm quỵt lương, quỵt tiền đặt cọc và lợi dụng làm thêm giờ là hiện tượng phổ biến đối với sinh viên đi làm thêm, nhất là với những sinh viên năm nhất, chưa có kinh nghiệm như chia sẻ của Trần Thị Mai Hương, sinh viên ngành bác sĩ đa khoa Trường đại học Y Hà Nội: "Em tìm trên mạng dạy trung tâm. Em đi dạy trung tâm cuối năm ngoái, bị nợ lương phải đến 4 tháng. Họ để quá lâu không trả nên em nghỉ làm ở đấy. Sau vài tháng nghỉ, em có đến đòi lại nhưng mà người ta cứ hứa hẹn hết lần này đến lần khác vẫn chưa trả". Không thể phủ nhận những mặt tích cực của việc sinh viên đi làm thêm. Tuy nhiên, để kiếm được thu nhập vài triệu đồng một tháng, các em phải làm ít nhất từ 4 đến 5 giờ mỗi ngày, nhiều khi muốn tăng thu nhập thì thời gian phải làm nhiều hơn nữa. Do vậy nhiều sinh viên bị cuốn theo công việc, ham kiếm tiền mà sao nhãng việc chính là học tập.

Theo ông Lê Hoài Đức, Trưởng phòng phòng công tác chính trị và sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, việc dành quá nhiều thời gian cho công việc làm thêm đã làm cho các em không còn đủ sức khỏe để học tập tốt, dễ sa ngã vào những tệ nạn, cám dỗ bên ngoài, có những trường hợp vi phạm pháp luật.

"Đối với trường Giao thông vận tải cũng khá nhiều sinh viên bị cảnh báo học tập và bị đuổi học hàng năm, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trong đó cũng có những lý do việc các em không tập trung về thời gian, sức lực cho việc học tập của mình. Thứ hai, tôi cho rằng sinh viên đi làm thêm cũng dễ bị cuốn vào một số tệ nạn như rượu, thuốc lá, có thể lớn hơn là nghiện hút… Điều đó sẽ ảnh hưởng tới giá trị đích thực của một người sinh viên, một người kỹ sư sau này. Những năm vừa qua, tôi làm công tác quản lý sinh viên, cũng có những trường hợp khi đi làm thêm đã bị các doanh nghiệp trá hình có những hành vi lừa đảo sinh viên", ông Đức nói.

Thực tế, không ít trung tâm môi giới trá hình đặc biệt chú ý tới những sinh viên đi làm thêm và có nhu cầu làm thêm, vì đây là đối tượng lao động dồi dào, thù lao thấp, không bị chi phối bởi hợp đồng lao động… Nhiều công ty dịch vụ việc làm trá hình đã đưa ra chiêu thức việc làm đơn giản nhẹ nhàng, phù hợp, ai cũng có thể làm được để thu hút sinh viên. Do thiếu kinh nghiệm, chủ quan, không tìm hiểu kỹ nơi được giới thiệu làm việc và tin tưởng vào thông tin đối tác cung cấp, nhiều bạn trẻ đã bị lợi dụng sức lao động, nợ lương, thậm chí bị đánh đập, lạm dụng tình dục mà không dám tố cáo.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết: Nhu cầu làm thêm của sinh viên ngày càng tăng cao, nhất là vào thời điểm cuối năm trong khi thị trường lao động có hạn. Nắm bắt được tâm lý, nhiều đơn vị sử dụng lao động thời vụ lợi dụng sự cả tin hoặc yếu thế của sinh viên nên đưa ra đủ những chiêu trò, quy định nội quy công việc vô cùng khắt khe như đi muộn 5 đến 10 phút bị phạt, nghỉ không phép bị sa thải và không trả lương, bắt thử việc, trả lương không đúng quy định.

 Đây là những hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, tuy nhiên người lao động, nhất là các bạn sinh viên lại không hề hay biết để bảo vệ quyền lợi của mình.

"Hầu như các bạn đi làm thêm không ký hợp đồng. Như vậy rất khó, nếu như có tranh chấp lao động xảy ra thì cũng khó có thể dựa vào đâu để mà khởi kiện hoặc dựa vào đâu mà tìm sự bảo vệ cho bản thân. Gặp rủi ro không có bằng chứng gì để chứng minh. Ví dụ như làm 5 giờ bắt làm thành 6 giờ, 7 giờ chẳng hạn. Lương 20.000 đồng/ tiếng, 35.000 đồng/tiếng nhưng trả có 10.000 đồng 1 tiếng ví dụ như vậy thì rất là khó. Nhiều sự việc, sinh viên thiệt tài sản, thiệt cả tính mạng. Nhiều bạn đi bán hàng đa cấp đã phải nộp một khoản tiền không nhỏ vào và lấy ra thì cũng không được, sản phẩm không bán được thì trừ vào lương. Những sự kiện đó đã được nhắc rất nhiều trên báo, đài. Tuy nhiên chưa có cách nào để giúp các em", bà Liễu nói.