Tham dự lễ khai mạc có: Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng: Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính Phủ và các đồng chí đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk; đại diện đại sứ quán các nước; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Krông Pắc cùng các doanh nghiệp và đông đảo bà con người dân trong ngoài tỉnh, khách du lịch đến tham dự.
Các Đại biểu tham dự lễ khai mạc.
Lễ hội sầu riêng lần thứ 2, năm 2024 với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập” với nhiều hoạt động đặc sắc hứa hẹn mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị như: Lễ khai mạc; Lễ bế mạc; Hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi; Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương; Ngày hội văn hóa - ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc (mở rộng); Trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ; Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững; Giải việt dã vì sức khỏe cộng đồng; Lễ hội đường phố; Chương trình biểu diễn nhạc nước nghệ thuật…
Tại buổi lễ, đông đảo nhân dân và du khách được thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc sắc, gợi mở câu chuyện xuyên suốt về lịch sử hình thành huyện Krông Pắc cũng như sự ra đời của quả sầu riêng trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ cũng như lòng hiếu khách của người dân địa phương.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc, gợi mở câu chuyện xuyên suốt về lịch sử hình thành huyện Krông Pắc cũng như sự ra đời của quả sầu riêng.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Trần Hồng Tiến - Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội cho biết, toàn huyện có số dân gần 200.000 người, với 35 dân tộc anh em cùng sinh sống. Huyện được nối liền với trung tâm các huyện trong tỉnh bởi hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ, rất thuận lợi giao lưu kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch. Huyện Krông Pắc có hơn 8.000 ha sầu riêng, trong đó hơn 4.000 ha kinh doanh, sản lượng hơn 85.000 tấn/năm. Hiện nay sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất cây ăn trái của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ loại cây trồng xen canh nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích đất canh tác, nay đã trở thành hàng hóa xuất khẩu, tạo nên thương hiệu sầu riêng Krông Pắc. Sầu riêng Krông Pắc có những ưu thế về chất lượng, được doanh nghiệp, thương lái và người tiêu dùng đánh giá thơm, ngon, cơm vàng, có độ ngọt và béo cao. Vào mùa thu hoạch hàng năm (tháng 8 - tháng 10), huyện Krông Pắc nhộn nhịp khung cảnh thu hoạch, mua bán, vận chuyển sản phẩm sầu riêng đến các vùng miền trên cả nước và xuất khẩu quốc tế.
Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ hai năm 2024, với chủ đề: “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập”, huyện kỳ vọng sẽ có sự “bùng nổ" về lượng du khách đến tham quan, góp phần vào thành công chung lễ hội sầu riêng. Đồng thời mong muốn, Lễ hội sẽ là điểm đến, là cầu nối để quả sầu riêng Krông Pắc khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường.
Ông Trần Hồng Tiến - Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội phát biểu khai mạc.
Lễ hội không chỉ quảng bá thương hiệu sầu riêng Krông Pắc mà còn giới thiệu hình ảnh, con người huyện Krông Pắc đến du khách trong và ngoài nước. Đây là dịp tôn vinh nông dân sản xuất nông nghiệp giỏi, đặc biệt là người trồng sầu riêng, người đã tạo nên thương hiệu đặc sản của huyện. Lễ hội quảng bá tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch của huyện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; kết nối giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, thương mại và người tiêu dùng. Lễ hội cũng nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm trái sầu riêng đến du khách trong và ngoài nước; tạo cơ hội kết nối điểm đến du lịch sinh thái vườn với du khách và các đơn vị lữ hành. Trên cơ sở đó, huyện cùng nông dân sẽ kết nối tour, tuyến du lịch trong thời gian tới, góp phần nâng tầm, mở rộng quy mô khai thác khách du lịch và từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường du lịch sinh thái vườn trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, Krông Pắc là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích, năng suất, sản lượng sầu riêng. Ngày 8/3/2022, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian - Sầu riêng Krông Pắc”. Đến nay, quả sầu riêng huyện Krông Pắc nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, giúp thu nhập của người nông dân được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Huyện Krông Pắc trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk ghi nhận, hoan nghênh sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Krông Pắc cùng sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của nhân dân huyện.
Lễ hội sầu riêng lần thứ 2, năm 2024 với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập” cũng là dịp chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024).
Tại lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ 2 các hoạt động đều lấy người nông dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Ngoài ra, lễ hội lần này còn là nơi quy tụ các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ, trao đổi để giới thiệu, lan tỏa, học hỏi và liên kết xúc tiến mở rộng thị trường, phát triển ngành hàng sầu riêng và các sản phẩm nông nghiệp khác. Qua Lễ hội nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị, phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững, bảo vệ môi trường, từng bước chuyển từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đa dạng, theo yêu cầu của thị trường; từ phát triển số lượng sang chất lượng, tập trung ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất; mở rộng, đa dạng thị trường tiêu thụ; chế biến, đa dạng hóa sản phẩm được chế biến từ sầu riêng… Đây chính là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của ngành hàng cây ăn quả nói chung và ngành hàng sầu riêng nói riêng. Ngoài phát triển nông nghiệp, Lễ hội cũng là dịp để huyện phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, các di tích, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch
Trước đó, sáng cùng ngày tại lễ hội đã diễn ra chương trình “Giải việt dã vì sức khoẻ cộng đồng” và “Hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi” với đảo vẫn động viên, người dân và bà con địa phương cũng như du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự và cổ vũ.
Đình Tiến