12/02/2025 lúc 18:00 (GMT+7)
Breaking News

Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên thúc đẩy kinh tế và ngoại giao quốc tế

Nhắc đến trà Việt người ta nghĩ ngay đến trà Thái Nguyên với vị thơm ngon, đặc trưng riêng biệt của vùng đất nơi đây. Cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, ngoài việc đem lại giá trị kinh tế to lớn cây chè còn mang những nét văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.

Ở Việt Nam, trà có mặt trong đời sống hằng ngày và các nghi lễ quan trọng từ những cuộc gặp gỡ bạn bè đến các dịp lễ hội. Dường như trà không thể thiếu được trong dòng thức uống của nhiều người nhưng được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau và trà cũng được xem như loại “thuốc” chữa bệnh. Trà Việt được biết đến nhờ sự đa dạng về chủng loại và hương vị, từ trà xanh nhẹ nhàng đến trà Shan tuyết đậm đà; tất cả đều phản ánh sự tinh tế và phong phú của văn hóa Việt Nam. Trà không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên mà còn là kết quả của nghệ thuật chế biến và thưởng thức đã được truyền qua nhiều thế hệ.

Thúc đẩy sản xuất chè hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị trà Thái Nguyên.

Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi khí hậu thuận lợi để tạo nên vùng đất “Đệ nhất danh Trà”, danh tiếng ấy, được người trồng và chế biến chè Thái Nguyên nhiều đời gìn giữ, phát triển. Sau 3 lần tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công Festival Trà; Tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể quốc gia. Và đặc biệt, về giá trị phi vật thể, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên. Thương hiệu Trà Thái Nguyên, giá trị cây chè cũng như sản phẩm trà của Thái Nguyên được nâng lên ở vị thế mới.

Cùng đó những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển ngành Chè, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế về sản phẩm chè; xây dựng thương hiệu chè gắn với phát triển du lịch…Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế và phát triển văn hóa truyền thống từ cây chè.

Theo Đề án Phát triển Du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa chè, du lịch về nguồn. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có 2 điểm du lịch cộng đồng sinh thái gắn với văn hóa chè, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó góp phần quảng bá thương hiệu Chè Thái Nguyên nói riêng và các sản phẩm nông sản địa phương nói chung, đem lại thu nhập cao, bền vững cho người dân nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX chè trong tỉnh được tham gia giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè. Tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè.

Ông Đinh Huy Chiến, Giám đốc HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công chia sẻ: Hợp tác xã sẽ đồng hành với tỉnh Thái Nguyên và đặc biệt là đồng hành với người dân, các doanh nghiệp, doanh nhân làm về nghề trà Thái Nguyên để qua đó giá trị của sản phẩm trà Thái Nguyên sẽ được nâng cao hơn. Đồng thời HTX cũng đã báo cáo đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên năm 2025. Về phương án đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất ở bốn địa danh tứ đại danh trà Thái Nguyên giai đoạn 2025 – 2030, đề xuất về giao thông đường có quy mô chiều rộng từ 7 đến 9 m, khu phòng thưởng trà, đường hoa cảnh quan, lầu dừng chân, quy hoạch vườn trà kiểu mẫu về chất lượng và phong cảnh tự nhiên để du khách trải nghiệm thu hoạch chè và chăm sóc cây chè cùng các dịch vụ phụ trợ khác. Cùng đó sẽ tiến hành thống kê cây chè trên địa danh cụ thể, mời các nhà nghiên cứu để xác định nguồn gốc và tuổi cây chè dựa trên yếu tố khoa học; thực hiện các bước xác định giá trị vườn chè cổ để công nhận theo các quy định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

Chè được xác định là cây trồng chủ lực ở Thái Nguyên.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định việc Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030 được quyết nghị và ban hành đúng vào ngày 3/2/2025 - kỷ niệm 95 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện mục tiêu phát triển ngành chè Thái Nguyên. Bên cạnh đó, giao Bí thư Đảng bộ UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để sớm có giải pháp thực hiện các bước đăng ký đưa những cây chè cổ được tìm thấy tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ trở thành cây di sản Việt Nam, trên cơ sở đó thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị cây chè cổ; công tác tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về văn hóa trà thực hiện xong trước ngày 31/3/2025. Và mong muốn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục dành sự quan tâm, chung tay thực hiện mục tiêu phát huy giá trị vật thể, phi vật thể của cây chè, sản phẩm trà và nâng tầm văn hóa trà Thái Nguyên.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh nâng tầm thương hiệu Trà Thái Nguyên lên thành văn hóa Trà, sẽ tạo nên sự khác biệt và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trà; thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu vùng đất, con người, lịch sử của Thái Nguyên.

Thái Bình