VNHN - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang xin ý kiến đối với dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn. Xung quanh nội dung này, phóng viên có cuộc phỏng vấn TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP.
TS Đinh Văn Minh
°PHÓNG VIÊN: Đâu là cơ sở để TTCP xây dựng nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập, thưa ông?
°TS ĐINH VĂN MINH: Việc kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Trên thế giới, rất nhiều nước đã làm và làm có hiệu quả. Bởi tham nhũng xét cho cùng là việc chiếm đoạt tiền và tài sản. Nếu kiểm soát được tình trạng tài sản biến động, tài sản trong cán bộ, công chức sẽ có cơ hội để tìm ra những điều bất bình thường, từ đó phát hiện ra tham nhũng. Khi đã kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức sẽ phòng được tình huống khi xảy ra vụ việc thì có cơ hội ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, từ đó thu hồi được tài sản.
Ở Việt Nam, việc thực hiện minh bạch tài sản được làm từ năm 1998 với Pháp lệnh Chống tham nhũng. Từ đó đến nay, các quy định thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và chặt chẽ hơn. Nếu năm 1998 chúng ta chỉ quy định ở 1-2 điều với nội dung như cán bộ, công chức phải kê khai nhà đất, các tài sản có giá trị… Đến năm 2005, Pháp lệnh Chống tham nhũng được nâng thành Luật Phòng, chống tham nhũng thì các quy định ngày càng đầy đủ hơn. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản vẫn mang nặng tính hình thức. Có nghĩa, về hình thức chúng ta làm tốt, hàng năm số lượng người kê khai đều đạt gần 100%; thời gian nộp bản kê khai, niêm yết, vào sổ báo cáo đều tròn trịa.
Song việc phát hiện những chuyện kê khai không trung thực, tài sản bất minh thì lại rất ít, do đó hiệu quả mang lại thấp. Quy định lần này xác định rất rõ, nếu trước năm 2005 chúng ta gọi là “minh bạch tài sản, thu nhập”, thì lần này là “kiểm soát tài sản, thu nhập”. Chính cái tên đã thể hiện thái độ và phương pháp đã khác trước. Với những quy định này, chúng tôi hy vọng hiệu quả của quy định “kiểm soát tài sản, thu nhập” mới sẽ tăng lên.
°Cụ thể, nghị định lần này sẽ khắc phục những điều được cho là “hình thức” so với trước kia như thế nào, thưa ông?
°Đối tượng kê khai trong quy định mới rộng hơn nhưng lại ít hơn. Rộng hơn ở chỗ được chia thành 2 loại: kê khai lần đầu và kê khai hàng năm. Kê khai lần đầu đối với tất cả mọi người (cán bộ, công chức, riêng viên chức từ cấp phó phòng trở lên) đều phải kê khai. Số lượng kê khai lần đầu sẽ rất lớn, nhưng nếu không có gì biến động về tài sản, thu nhập thì năm sau đối tượng kê khai lần đầu không cần kê khai lại và chỉ phải kê khai bổ sung nếu tài sản tăng thêm từ 300 triệu đồng hoặc khi được dự kiến bổ nhiệm lãnh đạo. Còn diện kê khai hàng năm gồm giám đốc sở trở lên, những chức danh, công việc liên quan tới công tác cán bộ, tài sản công, tài chính công, việc giải quyết cụ thể với dân và tổ chức. Đây là những người được coi là có “nguy cơ” và cơ hội tham nhũng cao. Đây được xem là việc làm thực hiện theo đúng quy định của Đảng là mở rộng dần đối tượng kê khai, nhưng việc kiểm soát phải có trọng tâm, trọng điểm.
°Vậy chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp nào để thực hiện cho hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập khi quy định đi vào cuộc sống?
°Trước hết là việc hình thành cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập ở một số cơ quan nhà nước với những nhiệm vụ, quyền hạn phục vụ cho việc kiểm soát được tốt hơn. Đây không phải là một cơ quan mới. Nếu với quy định cũ, việc kiểm soát thường thiếu tính chuyên nghiệp, các cơ quan nhận bản kê khai, giao cho tổ chức cán bộ và một công chức, viên chức nào đó kiểm tra xem đủ không, có đúng mẫu không rồi đưa vào sổ, còn tài sản như thế nào không ai đọc. Nhưng với quy định mới sẽ giao cho một số cơ quan, ví dụ bên hành chính giao cho thanh tra. TTCP sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập từ giám đốc sở trở lên, còn cấp dưới giao cho thanh tra tỉnh. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ có việc tiếp nhận, báo cáo mà còn phải đọc bản kê khai để phát hiện ra những điều bất thường; thậm chí cơ quan này là nơi thu nhận phản ánh của người dân, chủ động xác minh. Để làm được, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải có quyền hạn nhất định (quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức khác cung cấp thông tin), có mối quan hệ với các cơ quan liên quan để thuận tiện trong việc xác minh tài sản, có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản...
Trong quy định mới cũng sẽ có việc xác minh tài sản, thu nhập một cách ngẫu nhiên, xác minh mà không cần lý do, để bất kỳ đối tượng kê khai nào khi đặt bút kê khai phải chấp nhận việc xác minh tài sản, thu nhập có thể rơi vào mình bất kỳ lúc nào. Vấn đề này rất phức tạp, mặc dù nói là “ngẫu nhiên” nhưng vẫn có trọng điểm. Đây là biện pháp có thể coi là mới để tăng cường kiểm soát, để cho người kê khai có tính tự giác.
°Thưa ông, TTCP sẽ đưa vào quy định như thế nào để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, hoặc chuyển giao tài sản cho người thân, người quen để hợp thức hóa kê khai?
°Muốn kiểm soát được phải có thông tin, mọi người có quyền tiếp cận thông tin, trong khi đó hiện nay bản kê khai chỉ được công khai ở nơi làm việc của người kê khai. Mặc dù quy định bản kê khai phải được công khai ở nơi cư trú và nơi làm việc của người kê khai, nhưng đây chỉ là định hướng, còn làm được hay không là quá trình. Nhưng xét toàn diện, việc công khai này chúng ta chưa đủ điều kiện, bởi nếu công khai ở nơi cư trú cũng gặp khó khăn. Nếu đọc bản kê khai ở tổ dân phố cũng không mấy người đến. Nếu dán ở nơi công cộng cũng có thể rách nát và hơn hết là mất an toàn (bởi tài sản kê có cả đồ thờ cúng, cây cối, tranh ảnh có giá trị lớn để trong nhà…).
Trước kia có 2 hình thức công khai (công khai tại cuộc họp và niêm yết tại nơi làm việc). Việc này dẫn đến hình thức đọc bản kê khai, ai nghe thì nghe, còn không bỏ qua. Với quy định mới chỉ có một hình thức là niêm yết tại nơi làm việc.
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập kể cả tài sản nước ngoài, vẫn kiểm soát được vì chúng ta đã tham gia Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng. Việc này các nước thực hiện theo công ước, sẽ có hỗ trợ nhau bằng cách chia sẻ thông tin. Nhưng quy định mới này dù cố gắng đến đâu cũng chỉ giải quyết được phần nào đó, còn phần rộng hơn là quản trị nhà nước. Nếu chỉ quản lý được tài sản của những người có quyền hạn là chưa đủ, bởi người kê khai còn có vợ, con, có nhiều mối quan hệ khác. Nghĩa là quản lý chỉ về phần “tĩnh”, còn về phần “động” cần phải có giải pháp. Những vụ việc điển hình thời gian qua đã chứng minh, việc quản lý phần “động” cần chặt chẽ hơn. Cùng với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức còn cần chống “rửa tiền”, “tài trợ cho khủng bố”… Và như đã nói, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập khi cần thiết có thể yêu cầu các cơ quan tổ chức thực hiện biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản (phong tỏa tài khoản ngân hàng, từ chối giao dịch, tạm đình chỉ việc chuyển nhượng...).
°Công nghệ thông tin sẽ được áp dụng trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thế nào, thưa ông?
°Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là một công cụ quan trọng để kiểm soát tài sản, thu nhập và hiện đang có đề án về việc này. Xây dựng được cơ sở dữ liệu tốt sẽ giúp ích cho việc tập hợp thông tin nhanh nhất, hiệu quả, chính xác nhất và có sự liên thông trong việc phối hợp xử lý giữa các cơ quan. Nhưng đây là vấn đề khó, bởi xác định nội dung gì có thể đưa vào dữ liệu, quản lý khối lượng dữ liệu lớn đó thế nào. Nếu không cẩn thận dữ liệu bị chiếm đoạt, phá hoại hoặc làm sai lệch sẽ rất nguy hiểm. Hiện nay, Chính phủ rất quan tâm nội dung này, và TTCP đang khẩn trương xây dựng đề án xây dựng cơ sở dữ liệu này.
°Qua lần dự thảo lần này, TTCP muốn truyền đi thông điệp gì thời gian tới?
°Chúng tôi muốn đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người có nghĩa vụ kê khai; tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước có thể thực hiện các biện pháp một cách có hiệu quả, từ việc kê khai, kiểm soát, xác minh, đặc biệt là chế tài mạnh đối với những hành vi kê khai không trung thực. Điều này thể hiện thái độ rất kiên quyết, nhưng cũng rất chặt chẽ, công bằng trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Qua câu chuyện này, chúng tôi muốn nhấn mạnh, tất cả những biện pháp đưa ra nhằm làm tốt nhiệm vụ phòng ngừa là chính, nhưng nếu phát hiện trường hợp nào sẽ xử lý nghiêm, bảo đảm hiệu quả và tính răn đe.