VNHN - Nghiên cứu phương thức phẫu thuật mắt mới, chế tạo thành công bộ găng tay có chức năng hỗ trợ giao tiếp cho người câm điếc, máy bắt bọ xít cho nông dân trồng cây ăn quả, máy may cho người khuyết tật… là những công trình, sản phẩm sáng chế thiết thực, hữu ích cho cộng đồng được tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ X năm 2017.
Nhiều công trình, sản phẩm sáng tạo của các bạn trẻ có tính ứng dụng cao, vì lợi ích của cộng đồng.
Một trong hai công trình đại diện tuổi trẻ Thủ đô tham dự Festival mang tên: “Phẫu thuật mộng ghép kết mạc tự thân không khâu và không dùng keo dán sinh học” của tác giả Trần Ngọc Khánh (Bệnh viện Mắt trung ương) nhận được sự quan tâm của đông đảo người tham quan. Giới thiệu về công trình, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Khánh cho biết: “Đây là phương thức phẫu thuật mới có nhiều ưu việt. Đối với bệnh nhân, khâu hậu phẫu nhẹ nhàng, giảm kích thích, khó chịu so với phương pháp mổ mộng dùng chỉ khâu, tránh nguy cơ lây nhiễm, giảm thời gian phẫu thuật, chi phí lại thấp. Bệnh viện Mắt trung ương đã áp dụng phương thức này hai năm qua”.
Nhằm giúp người câm điếc có thể giao tiếp với mọi người một cách dễ dàng, thuận tiện trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng, nhóm tác giả Nguyễn Duy Tâm, Huỳnh Võ Nhật Huy, Nguyễn Hữu Đạt Đức (sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã chế tạo thành công sản phẩm “iGloves - Găng tay thông minh”. Đại diện nhóm tác giả, Nguyễn Duy Tâm chia sẻ: Người câm điếc chỉ việc đeo găng và thực hiện các cử chỉ thường ngày họ giao tiếp. Hệ thống cảm biến được lắp đặt trên găng tay sẽ nhận dạng các chuyển động này, sau đó chuyển đổi chúng thành các tín hiệu số và gửi về bộ xử lý trung tâm, chuyển đổi tiếp thành lời nói (tiếng Việt). Như vậy, người bình thường cũng có thể giao tiếp dễ dàng với người câm điếc mà không bị rào cản bởi các ngôn ngữ kí hiệu”.
Cũng là sản phẩm rất ý nghĩa và nhân văn cho người khuyết tật, hai bạn trẻ Trần Thu Hoài và Tống Thanh Mai (học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, TP Yên Bái) chế tạo thành công chiếc máy may bán tự động đặc biệt. Đó là chiếc máy may dành cho người không có tay hoặc mất khả năng lao động bằng tay. Trần Thu Hoài cho biết: “Nghề may không quá vất vả, chúng em mong muốn qua đây có thể giúp mang lại thu nhập ổn định cho người khuyết tật.”
Từ băn khoăn làm thế nào giúp nông dân không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn tiêu diệt được bọ xít và côn trùng, bảo đảm chất lượng quả vải xuất khẩu và bảo vệ môi trường, nhóm bạn Lưu Toàn Thắng, Ngô Quang Tú, Nguyễn Đức Việt, Đặng Minh Đan (học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang) đã cùng nhau chế tạo thành công “Máy bắt bọ xít”. Trưởng nhóm Ngô Quang Tú cho biết: “Một sản phẩm máy bắt bọ xít có chi phí từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Mồi bẫy bằng pheromone được chiết xuất thành dung dịch dẫn dụ bọ xít và côn trùng, chỉ khoảng 20 - 30 nghìn đồng. Máy đã được đem áp dụng, hiệu quả cao, dễ nhân rộng tại các nhà vườn”.
Ngoài ra còn nhiều công trình, sản phẩm được giới thiệu tại Festival “Sáng tạo trẻ” thể hiện tâm huyết, mong muốn đóng góp, giúp ích cho cộng đồng của thanh niên như: "Bếp nóng lạnh Huỳnh Phát"; "Hệ thống hút nước chống ngập không dùng điện"; “Thùng rác thông minh”… Tất cả đều đã được ứng dụng vào thực tế lao động, sản xuất, học tập và được đánh giá có hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Các sản phẩm, công trình của thanh niên tại Festival lần này rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần xung kích sáng tạo của tuổi trẻ với khẩu hiệu: “Ở đâu có thanh niên, ở đấy có sáng tạo”. Festival cũng là cơ hội để các đoàn viên, thanh niên phát huy năng lực sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển ở cơ quan, đơn vị, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển, xây dựng đất nước trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0./.