Thị xã Sa Pa- 1 trong 10 tỉnh, thành phố thân thiện nhất Việt Nam.
Văn hóa là nguồn cội hấp dẫn
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm liên tiếp, cái tên Sa Pa liên tục được nhắc tới như một điểm sáng về du lịch Việt Nam. Không chỉ vươn lên trở thành điếm đến hàng đầu Việt Nam, những năm vừa qua các sản phẩm du lịch mới cũng đã ghi danh Sa Pa tại các “đấu trường” du lịch quốc tế với những giải thưởng danh giá như: Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới 2019 do Tạp chí Rough Guide của Anh và Tạp chí National Geographic của Mỹ xếp hạng; “Điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới 2019, 2020”, “Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới 2020” dành cho Sun World Fansipan Legend do World Travel Awards (WTA) trao tặng. Khách sạn Hotel De La Couple - Mgallery cũng được WTA gọi tên "Khách sạn có thiết kế hàng đầu thế giới" và "Khách sạn biểu tượng của thế giới" hai năm liên tiếp. Điều khiến khu du lịch Sa Pa có được các giải thưởng này là bởi Sa Pa đã thành công trong việc khai thác các yếu tố văn hóa bản địa trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch hiện nay.
Lễ hội Hoa hồng được tổ chức thường niên tại thị xã Sa Pa.
Nhiều năm gần đây, Du khách đã không còn phải chờ đến tận 10 năm một lần cho một lễ kỷ niệm để được thưởng thức sự hội tụ của những tinh hoa văn hoá dân tộc. Bởi các lễ hội diễn ra quanh năm, như một bữa tiệc luôn sẵn món ngon để mời gọi du khách. Thị xã Sa Pa tổ chức Lễ hội 5 mùa là hoạt động thường niên bao gồm 5 chủ đề chính: Lễ hội mùa Xuân “Sa Pa - Vùng đất muôn hoa sắc”, Lễ hội mùa tình yêu, Lễ hội mùa Hè, Lễ hội mùa Thu và Lễ hội mùa Đông. Mỗi mùa lễ hội sẽ có rất nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch nổi bật. Lễ hội Khèn hoa với cuộc thi múa khèn của những “nghệ sỹ” dân tộc tổ chức đầu năm mới. Lễ hội ẩm thực hội tụ hàng trăm món ngon sơn cước như thắng cố, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương… Giải đua “ Vó ngựa trên mây” tái hiện lại một thời kiêu hùng của những “kỵ sỹ” vùng cao … Đặc biệt, chỉ duy nhất tại Sun World Fansian Legend, du khách mới có cơ hội được thưởng thức chương trình nghệ thuật độc đáo “Vũ điệu trên mây”, một “sự chắt chiu văn hóa Tây Bắc tỉ mỉ và sâu sắc, dựa vào những giá trị độc đáo, khác biệt mà chỉ miền biên viễn mới có được”- như đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã khẳng định.
Chương trình Canaval đường phố với chủ đề " Các dân tộc Sa Pa và Đạo Mẫu".
Theo Đề án “Phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế giai đoạn 2021 - 2025”, nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể đã được UNBD thị xã Sa Pa đưa ra trong Kế hoạch số 407/KH-UBND ngày 31/12/2021, trong đó nêu bật việc phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch cùng với bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch. Theo đó, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ruộng bậc thang; Di tích khu chạm khắc đá cổ Sa Pa; bảo tồn, quản lý và khai thác di tích Tu viện Tả Phìn; di tích hang động Tả Phìn; bảo tồn khai thác 3 di tích tâm linh trên địa bàn thị xã gồm đền Thượng, đền Mẫu, đền Hàng Phố…, Sa Pa sẽ đầu tư phát triển nghề truyền thống các dân tộc Sa Pa thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm như: thổ cẩm (Mông, Dao, Xá Phó), rèn đúc (Mông, Dao), chế tác nhạc cụ (Mông, Dao, Tày), mây tre đan (Tàu, Xá Phó), chạm bạc (Dao, Mông)… đồng thời chú trọng bảo tồn và khai thác nghệ thuật trình diễn dân gian; sưu tầm, biên soạn và xây dựng kịch bản tổ chức các lễ hội và nghi lễ truyền thống phục vụ du lịch như: Lễ hội Xuống đồng của người Giáy ở xã Tả Van và dân tộc Tày tại Bản Hồ và Mường Bo; Lễ hội Gầu tào và nghi lễ Nào Sồng của người Mông ở xã Hoàng Liên; lễ hội Cấp Sắc, lễ tết nhảy của người Dao ở xã Tả Phìn và Ngũ Chỉ Sơn; lễ quét làng của người Xa Phó xã Liên Minh…
Đánh giá về thực trạng du lịch Sa Pa trong những năm qua, các chuyên gia cho rằng: Ngoài những lợi thế “trời ban”, ngành công nghiệp không khói của Sa Pa đang thực sự cất cánh bởi những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng và đẳng cấp - hình thành một chuỗi giá trị có khả năng níu chân và thôi thúc du khách quay trở lại khám phá. Trong đó điểm nhấn chính là chuỗi các sản phẩm du lịch văn hoá.
Định hình văn hóa du lịch cho Sa Pa
Khai thác thành công thế mạnh du lịch văn hóa, đồng thời thị xã Sa Pa luôn quan tâm đến việc xây dựng văn hóa du lịch, coi đó là nguồn lực cốt lõi để Sa Pa phát triển du lịch bền vững.
Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa tại lễ hội Canaval đường phố Sa Pa.
Văn hóa du lịch được hình thành và phát triển cùng với hoạt động du lịch; có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Trong những năm qua, văn hóa trong du lịch luôn được thị xã Sa Pa xác định vừa là mục tiêu vừa là quan điểm khẳng định văn hóa là nội dung, là bản chất đích thực của du lịch Sa Pa; tạo tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của sản phẩm du lịch; góp phần tạo dựng hình ảnh của du lịch Sa Pa trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Văn hóa du lịch thể hiện những giá trị văn hóa của hoạt động quản lý, nghiên cứu, kinh doanh và trải nghiệm du lịch.
Quán triệt mục tiêu và quan điểm trên, trong năm 2022, thị xã Sa Pa đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trên các lĩnh vực; có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá - du lịch, đạt những kết quả mang dấu ấn riêng. Mặc dù tình hình dịch bệnh đầu năm có những diễn biến phức tạp song Sa Pa đã đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch đạt 100% kế hoạch; tổng thu từ du lịch đạt trên 7.125 tỷ đồng. Tại Giải thưởng thường niên được Booking tổ chức nhằm vinh danh các điểm đến, cơ sở lưu trú toàn cầu, SaPa (Lào Cai) được bình chọn là 1 trong 10 tỉnh, thành phố thân thiện nhất Việt Nam. Năm 2022 cũng là năm thị xã tập trung tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, quản lý hướng dẫn viên; tăng cường chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện phát triển du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng văn hoá các dân tộc thiểu số; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về lịch sử - văn hoá cho đội ngũ lái xe, hướng dẫn viên phục vụ du khách trên địa bàn. Các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú chú trọng cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường; xây dựng phong cách chuyên nghiệp, xây dựng văn hóa trong kinh doanh.
Lễ hội đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2022.
Văn hoá du lịch đã thực sự có vai trò quan trọng trong việc tạo phong thái, bản sắc du lịch, giúp phân biệt sản phẩm du lịch của Sa Pa với các vùng, miền, quốc gia; là công cụ hữu hiệu để xây dựng khối gắn kết cộng đồng làm du lịch, cộng đồng dân cư địa phương. Đến Sa Pa, du khách không khó để gặp các biểu hiện trực quan về văn hóa du lịch như cảnh quan, danh lam thắng cảnh Khu du lịch Núi Hàm Rồng, Bản Cát Cát; kiến trúc các công trình du lịch như cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan đã có sự kết hợp hài hòa tính dân tộc và hiện đại; thiết kế nội thất của cơ sở vật chất du lịch gần gũi với môi trường, với nét đẹp truyền thống từ chất liệu đến sắp đặt, bài trí theo văn hóa địa phương... ngày càng được quan tâm, thu hút nhiều du khách.
Bên cạnh đó việc quan tâm xây dựng văn hoá du lịch đã góp phần khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo và khả năng cống hiến của nguồn nhân lực du lịch vào sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Với khu du lịch Sa Pa, văn hoá du lịch đã góp phần định hướng cho hoạt động du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, văn hóa bản địa, góp phần quan trọng vào xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.
Để có được vị thế của một điểm đến tầm cỡ quốc tế và có văn hóa du lịch chuyên nghiệp, Sa Pa vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng với những thành công bước đầu trong việc phát triển du lịch văn hóa song hành cùng sự nỗ lực của chính quyền các cấp, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư đã và đang xây từng “viên gạch” cho một nền văn hóa du lịch giàu bản sắc, tin rằng, đích đến thành công của Sa Pa không xa./.
Đỗ Phượng, Phó BTG Thị ủy Sa Pa