Chuyến thăm của Thứ trưởng Hoàng Trung nhằm đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu; tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực bảo vệ thực vật; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật và đầu tư trong sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải.
Tại buổi làm việc, hai Thứ trưởng cùng bày tỏ sự vui mừng khi quả đào/xuân đào của Mỹ được phép xuất khẩu qua thị trường Việt Nam; đồng thời đã đạt được những bước tiến quan trọng trong tiếp cận thị trường đối với một số loại trái cây khác của hai nước.
Cụ thể, hai bên đã thống nhất về yêu cầu kỹ thuật đối với chanh dây của Việt Nam và tiến thêm một bước trong quy trình xem xét đối với quả quýt của Mỹ. Thứ trưởng Hafemeister cho biết, Mỹ chưa từng có quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy với bất kỳ đối tác nào tại khu vực; đồng thời cam kết sẽ củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác kỹ thuật, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý hai nước trong kiểm soát dịch hại, phân tích nguy cơ và nghiên cứu phát triển, áp dụng các sáng kiến mới, cải tiến giống cây trồng.
Để hỗ trợ việc duy trì đà tăng trưởng và thị phần của nông lâm thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ mong muốn Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ có tiếng nói thích hợp trong quá trình tham vấn liên quan đến các vụ việc về phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam, cụ thể là đối với gỗ, tôm nước ấm và mật ong của Việt Nam.
Liên quan đến việc áp dụng các biện pháp mới áp dụng trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, hai Thứ trưởng đã trao đổi trên tinh thần hợp tác, cởi mở về hệ thống pháp quy hiện có; thống nhất với nguyên tắc chung về việc tuân thủ cam kết quốc tế thương mại đa phương mà hai bên là thành viên, phù hợp với pháp luật trong nước nhưng vẫn cập nhật kịp thời các xu thế mới trong thương mại, sản xuất và quản lý dịch bệnh đối động thực vật. Phía Mỹ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án trong quản lý phân bón, thuốc bảo vệ sinh học và sản xuất lúa gạo tại vùng ĐBSCL.
Cuối buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ quan điểm về phát triển nền sản xuất nông nghiệp xanh, có trách nhiệm với môi trường, chung tay đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, từ đó khẳng định sẽ tăng cường hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong việc thực hiện các sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, đặc biệt là sáng kiến "Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu" (AIM4C) và Liên minh hành động "Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên" (SPG).
Trước đó, tại buổi làm việc với Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Mỹ, Thứ trưởng Hoàng Trung đã nghe Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Mỹ và Cục Bảo vệ thực vật báo cáo kết quả phiên họp kỹ thuật năm 2024 giữa hai bên. Thứ trưởng Hoàng Trung ghi nhận nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà hai bên đạt được trong việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường sản phẩm thực vật hai nước bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa biện pháp xử lý bổ sung trong quản lý sâu hại của hai nước.
Về tiếp cận thị trường, hai nước thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam; khởi động quy trình xem xét đối với sản phẩm mới của Việt Nam, gồm chanh không hạt, ổi, mít; thống nhất danh sách dịch hại và các bước tiếp theo trong quy trình xem xét đối với quả quýt, mận, chanh vàng, lựu và một số sản phẩm khác để làm giống cây trồng của phía Mỹ.
Về biện pháp xử lý bổ sung và cải tiến quy trình kiểm dịch thực vật, phía Mỹ ghi nhận các đề xuất của Việt Nam về đa dạng hóa các biện pháp kiểm dịch thực vật như xử lý hơi nước nóng, xử lý Methyl Bromide và xử lý lạnh nhằm giảm chi phí tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hai nước và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hoạt động khảo nghiệm cần thiết để đưa ra ý kiến cuối cùng; hai bên cũng đã nhất trí triển khai biện pháp phun khử trùng hàng khô trong container tại cảng nhập khẩu. Phía Mỹ cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam để chuyển đổi sang sử dụng chứng thư kiểm dịch thực vật điện tử (ePhyto).
Cơ quan chức năng hai nước đã đạt được thỏa thuận Khung hợp tác trong thời gian tới, đặt trọng tâm vào tăng cường năng lực trong phân tích nguy cơ và giám định dịch hại, chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu trong quản lý dịch hại đối với thực vật cũng như ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý kiểm dịch.
Một số loại trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2015 đến nay thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chế biến xuất khẩu chanh dây được mở rộng, tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích giai đoạn 2015-2022 đạt 31,1%/năm (tương ứng 1.000 ha/năm).
Chanh dây hiện có diện tích trồng lên tới 9.500ha với sản lượng đạt 188.900 tấn, nằm trong nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100.000 tấn mỗi năm của Việt Nam.
So với một số nước sản xuất chanh dây lớn trên thế giới, Việt Nam có thể sản xuất chanh quanh năm. Trong đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây thương mại chính, chiếm hơn 90% diện tích trồng chanh dây cả nước với khoảng 8.200ha.
Việt Nam đã trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới, nằm trong top 10 nước cung ứng chanh dây lớn nhất thế giới.
Đỗ Hương - The VGP