VNHNO-Việt Nam - một đất nước xinh đẹp, yên bình bên bờ biển Đông đang có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, được các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) nước ngoài đánh giá là điểm đến của cơ hội.
4 lý do khiến thị trường BĐS châu Á hấp dẫn
Ông Vikram Kohli - Giám đốc điều hành Đông Nam Á, CBRE cho biết: ở châu Á - Thái Bình Dương hiện có 4 động thái chính ảnh hưởng đến thị trường BĐS. Thứ nhất là đô thị hóa, BĐS nhà ở, thương mại sẽ tăng lên. Thứ hai là công nghệ. Chúng ta nói đến thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo,... sẽ có ảnh hưởng đến thị trường BĐS. Thứ ba là dòng chảy vốn. Sự di chuyển của dòng chảy vốn dễ dàng hơn sẽ tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển. Thứ tư là tính minh bạch của thị trường. Đó là 4 tác động thái tác động lớn đến thị trường BĐS châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Giám đốc điều hành Đông Nam Á, CBRE, nếu trước đây, người ta chỉ nghĩ đến việc sở hữu ngôi nhà thứ 2 ở ngay trong nước thì bây giờ, người ta đã muốn sở hữu BĐS ở nước ngoài. Và hiện nay, xu hướng này diễn ra rất rõ nét.
Ảnh minh họa
Thị trường Việt Nam và quy luật “nước chảy chỗ trũng”
Việt Nam được đánh giá là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn dừng chân. Lý do gì để thị trường BĐS Việt Nam hấp dẫn như vậy?
Phân tích nguyên nhân, ông Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho rằng, có 4 lý do thị trường BĐS Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại, đó là: Thứ nhất, tầng lớp trung lưu của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020 (số liệu của Nielsen) với nhu cầu về nhà ở tăng nhanh và đa dạng. Thứ hai, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm, tình hình chính trị ổn định. Thứ ba, thị trường BĐS đang vào giai đoạn tích luỹ để phục hồi, cần thêm nhiều vốn để hồi sinh nhiều dự án “đắp chiếu” trên khắp cả nước dẫn đến cơ hội có thể mua được tài sản tốt với giá hợp lý. Thứ tư, xu hướng M&A tạo ra cho các DN BĐS nội cơ hội để tìm kiếm thêm nguồn vốn để tăng trưởng và phát triển.
Còn ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông thì cho rằng: Thị trường BĐS Việt Nam hấp dẫn vì so với nước ngoài, giá BĐS tại Việt Nam đang thấp hơn; thị trường nhà ở tại Việt Nam có điểm đặc biệt, đó là thị trường nhà ở để bán, còn thị trường BĐS nước ngoài là thị trường nhà ở cho thuê. Tại Việt Nam với văn hoá tích luỹ chứ không phải văn hóa tiêu xài như dân các nước khác nên có người Việt có khả năng mua nhiều nhà.
Điều này lý giải tại sao nhiều nhà đầu tư Singapore ồ ạt đầu tư vào các dự án BĐS tại Việt Nam, vì bán nhà tại Việt Nam đem lại lợi nhuận lớn hơn bên Singapore rất nhiều, tỷ suất lợi nhuận tới 15 - 20%/năm. Đối với nhà đầu tư ngoại đây là mức sinh lời rất hời so với đầu tư tại Singapore.
“Nước chảy chỗ trũng” khi thị trường BĐS Việt Nam đang là thị trường mới nổi “hot” nhất khu vực Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng đang phát triển rất nhanh, dân số trẻ, giá rẻ hơn… Việt Nam nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, chính trị ổn định thì việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn ồ ạt đem tiền đầu tư tại Việt Nam là điều dễ hiểu.
FDI vẫn hút vào BĐS
Đồng quan điểm, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội phân tích: Trong nhiều năm qua, BĐS vẫn luôn là một trong những lĩnh vực thu hút vốn FDI hàng đầu tại Việt Nam.
Tùy thuộc vào giá trị của khoản đầu tư mà quy mô tác động của hoạt động đầu tư này lên thị trường Việt Nam có thể khác nhau, nhưng nhìn chung dòng vốn FDI và thị trường BĐS Việt Nam có mối quan hệ tương hỗ: Tình hình hoạt động tốt của các phân khúc BĐS thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Ngược lại, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nhanh và mạnh hơn nữa của thị trường BĐS.
Trong nửa đầu năm 2018, ta có thể thấy một số giao dịch đầu tư đáng lưu ý như khoản đầu tư lớn của nhà đầu tư Nhật Bản vào một dự án phức hợp quy mô lớn tại Hà Nội, dự kiến sẽ đem đến nhiều lợi ích cho khu vực dân cư đó tại Hà Nội, tạo "cú hích" cho thị trường BĐS khu vực này.
Ngọc Hòa