13/01/2025 lúc 21:30 (GMT+7)
Breaking News

Quy hoạch lại, làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng tờ báo

VNHN - Sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là Bộ trưởng đăng đàn cuối cùng trả lời chất vấn trước Quốc hội về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt trên mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử...

VNHN - Sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là Bộ trưởng đăng đàn cuối cùng trả lời chất vấn trước Quốc hội về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt trên mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử...

Giáo dục kỹ năng, nhận thức trên mạng xã hội là biện pháp căn cơ

Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp hạn chế thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. “Nhiều người dùng mạng xã hội đang tạo ra cơ quan truyền thông được gọi là “báo chí nhân dân”, trong đó có nhiều trang mạng đưa thông tin xấu, độc, hình thành luồng dư luận tác động xấu đến dư luận…”, đại biểu nêu.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tin xấu độc trên mạng xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu. Để quản lý tin xấu, độc, về hành lang pháp lý, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy cần phải có quy định riêng để xử lý tin sai, tin giả. 

Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định)

“Quốc gia gần chúng ta là Singapore đã có luật xử lý tin giả với tinh thần xử lý nghiêm minh và có tính răn đe. Người tung tin giả có thể bị xử phạt hàng triệu đô la, đi tù hàng chục năm… Chúng ta sẽ phải ban hành quy định pháp luật với tinh thần xử lý nghiêm minh như vậy. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng và sớm ban hành quy định pháp luật  xử lý tin giả”, Bộ trưởng nêu.

Liên quan đến những nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google…, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhóm làm việc chuyên trách hằng tháng để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Bộ yêu cầu các công ty này phải có nền tảng công cụ để có thể tìm ra danh tính các tài khoản trên mạng xã hội, để tự động xóa bỏ tin xấu độc và tích cực hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ thông tin.

“Để giáo dục nâng cao nhận thức trên không gian mạng, Bộ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục kỹ năng số vào trường phổ thông để dạy học sinh có nhiều kỹ năng phải ứng xử, phân biệt cái đúng cái sai trên không gian mạng”, Bộ trưởng nêu.

Tiếp tục chất vấn về nội dung này, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) mong Bộ trưởng đưa ra khuyến cáo giúp người dân nhận biết thông tin sai lệch. Trong phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói sâu hơn để lý giải vì sao giáo dục được coi là biện pháp căn cơ. 

“Nhiều quốc gia coi mỗi người dân có khả năng tự phân biệt, phản biện, đấu tranh với thông tin tiêu cực trên mạng xã hội là giải pháp căn cơ. Việc dạy các kỹ năng này trong giáo dục phổ thông sẽ giúp mỗi cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng. Nếu chúng ta có kỹ năng phân biệt cái tốt cái xấu, tự nhiên không còn giá trị”, Bộ trưởng khẳng định.

Vị tư lệnh ngành thông tin và truyền thông cũng bày tỏ: “Trong đời thực, một ánh nhìn cũng có khả năng ngăn chặn một việc làm xấu. Trên không gian mạng, không có ánh nhìn ấy thì chúng ta nên thể hiện thái độ đấu tranh bằng cách nhấn “dislike””. 

Cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng trong quản lý các nguồn tin xấu độc chỉ là tình thế mà chưa phải là căn cơ, lâu dài, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) mong muốn vị trưởng ngành đưa ra thêm các giải pháp để xây dựng thương hiệu mạng xã hội Việt Nam để quản lý các nguồn tin, phát triển kinh tế.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội)

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) chất vấn về hiện trạng gần đây, tình hình phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng xảy ra nhiều, phức tạp hơn về đối tượng, độc hại hơn về nội dung, đa dạng hơn về phương thức và tinh vi hơn về thủ đoạn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, về mặt công cụ, Bộ có thể quản lý các trang mạng mạo danh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, 2 tháng qua, Bộ đã “làm mạnh”, gỡ hạ 207 trang mạo danh, trong đó có 46 trang liên quan đến tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phát huy kết quả đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục xử lý các trang mạng mạo danh các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Quốc hội và lãnh dạo các địa phương, bộ, ngành.

Quy hoạch lại, làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng tờ báo

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) nêu thực trạng “báo hóa” tạp chí điện tử ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp đột phá để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định)

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, “báo hóa” tạp chí điện tử là một hoạt động sai Luật Báo chí. Hiện nay, quản lý báo chí phải thông qua tôn chỉ, mục đích bởi báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Theo quy định của luật pháp, tạp chí khác báo ở chỗ tập trung vào chuyên ngành và có tính định kỳ. Thời gian qua có tình trạng một số tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích của mình và cũng tiến hành điều tra, phóng sự, có tin thời sự, chính trị.

Bộ đã nhìn thấy vấn đề này và gần đây nhất đã có buổi họp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Chính phủ và Hội Nhà báo để đưa ra các giải pháp. 

“Về quy định pháp luật, phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Khi quy hoạch lại các cơ quan báo chí, Bộ sẽ cấp lại giấy phép và làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng tờ báo. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm minh các vi phạm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề quy hoạch quản lý báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay có 868 cơ quan báo chí, gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Trung ương nhận thấy cần phải sắp xếp lại theo hướng mỗi một tờ báo, tạp chí, đài phát thanh cần có lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh bức tranh toàn cảnh xã hội Việt Nam đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động báo chí.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch gồm 2 bước, theo đó trong năm 2019 sẽ quy hoạch xong các cơ quan báo chí của 40 bộ và đến năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ ngành và địa phương. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Lê Thị Nguyệt (Đoàn Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) về vấn đề phóng viên “giật tít, câu view” hay nhiều tờ báo khai thác “vô tội vạ” thông tin về các vụ án, scandal nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người đọc, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Hội Nhà báo để tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận cao nhận thức của phóng viên và đặc biệt là sứ mạng và trách nhiệm của phóng viên đối với xã hội.

“Phải xác định đâu là cái ngưỡng chấp nhận được và đâu là vượt quá ngưỡng. Vấn đề này liên quan tới nhận thức của phóng viên và đạo đức nghề báo. Làm báo là tự nhận sứ mệnh làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân vì chưa có giải pháp hữu hiệu về tình trạng “giật tít, câu view" và thừa nhận, không dễ để phân tích sâu về tít tin, bài với nội dung bài báo. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các công ty công nghệ để phát triển công cụ so sánh tít với nội dung, cũng là để hỗ trợ các tòa soạn trong việc kiểm duyệt tin.