Dự thảo Nghị định về cơ sở dữ liệu dùng chung được xây dựng nhằm quy định chi tiết việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, quy định việc chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Hiện nay, mặc dù đã có những nỗ lực nhất định trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức, bao gồm sự chậm trễ trong triển khai, thiếu sự đồng bộ và thống nhất trong mô hình triển khai, cũng như những khó khăn trong việc chia sẻ và kết nối dữ liệu.
Quan điểm xây dựng Nghị định
Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên một số quan điểm, cụ thể gồm: Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, tạo ra khung pháp lý toàn diện về cơ sở dữ liệu dùng chung; Kế thừa các quy định đã ban hành, đảm bảo các quy định pháp luật là thống nhất và kế tiếp; Tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo Nghị định bao gồm 6 chương với 37 điều, chi tiết hóa các quy định về xây dựng, cập nhật, duy trì và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; kết nối và chia sẻ dữ liệu; cũng như quy định về dữ liệu mở. Cụ thể:
- Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 2): Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ.
- Chương II: Chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu của cơ quan khác của nhà nước (từ Điều 3 đến Điều 7): Quy định cụ thể về vai trò cơ sở dữ liệu dùng chung, việc đảm bảo việc thống nhất và phân cấp các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước; xác định dữ liệu chủ của CSDL dùng chung, nguyên tắc tham chiếu giữa các cơ sở dữ liệu và mối quan hệ giữa các CSDL dùng chung.
- Chương III: Xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia (từ Điều 8 đến Điều 21): Quy định việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; các yêu cầu, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, gồm nội dung: yếu tố cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia; duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia; khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Chương IV: Kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (từ Điều 22 đến Điều 30): Quy định phân loại kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giao dịch điên tử, quản lý giao dịch điện tử thông qua giao dịch dữ liệu; Nhân lực, kinh phí kết nối, chia sẻ dữ liệu; Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước phải đảm bảo để thực hiện chia sẻ dữ liệu; Ban hành và công bố công khai quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu; Phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu; Hệ thống trung gian trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; Mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu; Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số.
- Chương V: Dữ liệu mở và điều kiện bảo đảm thực hiện quy định về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước (từ Điều 31 đến Điều 34): Quy định về giấy phép dữ liệu mở, yêu cầu dữ liệu mở, hình thức cung cấp, điều kiện đảm bảo. Chương này có tham chiếu đến các quy định về dữ liệu mở đã được quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
- Chương VI: Điều khoản thi hành (từ Điều 35 đến Điều 37): Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành và trách nhiệm thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực.
Nghị định khi được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy việc quản lý, khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tạo điều kiện cho việc phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số./.
Giang Phạm - mic.gov.vn