VNHN - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội xem xét trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào sáng 29/10.
Ảnh minh họa
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.
Sau hơn 3 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được xây dựng với mục đích nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong những chủ trương này, có nội dung có thể quy định ngay trong luật, nhưng cũng có những nội dung nên được xác định, cụ thể hóa thông qua các văn bản của UBTVQH hoặc trong đề án cụ thể gắn với từng nhiệm kỳ Quốc hội. Hơn nữa, ngay cả những vấn đề đã đưa vào dự thảo nhưng trong quá trình thảo luận, cho ý kiến còn nhiều ý kiến khác nhau, hoặc chưa đánh giá hết được tác động khi thực thi thì cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để sửa đổi, bổ sung luật vào thời gian thích hợp.
Với tinh thần đó, UBTVQH xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Dự thảo Luật xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là ngày 1/6/2021 để bắt đầu triển khai thực hiện cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của UBTVQH.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Hồ sơ, tài liệu về dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với mục đích, quan điểm và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, chủ yếu tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các vấn đề có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chủ trương, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật hiện nay về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong số các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, có nội dung cần phải được quy định ngay trong luật, nhưng cũng có nội dung nên được xác định, cụ thể hóa tại các văn bản của UBTVQH hoặc trong các đề án cụ thể như việc xác định tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và từng ủy ban của Quốc hội hay việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp sẽ được ghi nhận trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội trong từng nhiệm kỳ; việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội sẽ được quy định trong nghị quyết của UBTVQH … Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc sửa đổi, bổ sung 15/105 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành như đã nêu trong Tờ trình về dự án Luật.
Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án luật này.