26/11/2024 lúc 03:00 (GMT+7)
Breaking News

Quế Võ, Bắc Ninh hỗ trợ vốn giúp phụ nữ khởi nghiệp

VNHN - Sau gần 2 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN Quế Võ đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả.

VNHN - Sau gần 2 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN Quế Võ đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả.

Đồng chí Lê Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Võ cho biết: Trên cơ sở các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, Hội luôn sát cánh để hỗ trợ các mô hình của chị em sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động tiếp cận công nghệ sản xuất sạch tạo ra các sản phẩm sạch, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa của địa phương, đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả nhiệm vụ vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hội LHPN huyện với vai trò là cơ quan thường trực chủ động tham mưu tổ chức các lớp tập huấn triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, rà soát nhu cầu, bồi dưỡng ý tưởng tham gia cuộc thi “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Xác định xây dựng thương hiệu là bước đi then chốt nhằm tạo vị thế cho các sản phẩm chủ lực của huyện. Nhằm giúp cán bộ, hội viên thành lập các mô hình sản xuất phù hợp.

Thương hiệu “Gạo tẻ thơm Nàng Xuân” đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.

 Từ năm 2017 đến nay, Hội thành lập Tổ liên kết tiêu thụ nông sản an toàn và các sản phẩm truyền thống cấp huyện; hỗ trợ thành lập HTX Nông sản an toàn Đại Xuân với sản phẩm chủ lực ban đầu là gạo tẻ thơm; hỗ trợ nhiều hộ tại làng nghề gốm Phù Lãng tiếp cận các nguồn vốn để duy trì và phát triển sản phẩm nghề truyền thống. Đến nay, các thương hiệu được mọi người biết đến là khoai tây, gạo tẻ thơm Quế Võ, gốm Phù Lãng.

Đối với HTX Nông sản an toàn Đại Xuân, Hội phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Chi cục quản lý chất lượng tỉnh mở lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm; liên hệ, hỗ trợ 50 triệu đồng cho công tác in bao bì, máy đóng túi và quảng bá sản phẩm của HTX tại các triển lãm, hội chợ cấp tỉnh, Trung ương nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm.

Hội phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cập nhật, bổ sung kiến thức quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sau khi thu hoạch; giới thiệu, quảng bá sản phẩm và đặc biệt là phát triển các sản phẩm theo hướng an toàn, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo quản nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng vùng sản xuất giống chất lượng coi việc xây dựng và gìn giữ thương hiệu là vấn đề sống còn trong sản xuất.

Đ/c Nguyễn Hữu Thành – PCT UBND tỉnh và đ/c Trần Thị Vân – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao giải cho các thí sinh đạt giải tại Vòng chung khảo Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2018.

Từ năm 2018 đến nay, Hội phối hợp với ngân hàng thẩm tra trên 10 ộ sản xuất và tạo điều kiện 4 hộ gia đình hội viên vay vốn phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh với số tiền 1,8 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, thu hút chị em vào làm việc. Hội LHPN xã Phù Lãng tổ chức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và tham gia các triển lãm của Hội LHPN tỉnh như “Sắc thắm miền quê”, “Nơi ấy con thấy bình yên”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại mà các sản phẩm gốm Phù Lãng ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn nghề truyền thống và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2019, HTX Nông sản an toàn Đại Xuân được công ty TNHH Đại diện Thiện Tâm ký hợp đồng, xây dựng vùng lúa thảo dược với diện tích ban đầu 3 ha. Nhờ làm tốt công tác đảm bảo quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại mà sản phẩm của HTX đã vào được hệ thống siêu thị Minh Anh trên địa bàn với giá bán 20.000 đồng/1kg, góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm gạo tẻ thơm Quế Võ so với giá bán trước đây từ 15 đến 16 nghìn đồng/1kg.

Làng nghề gốm truyền thống Phù Lãng.

Đối với làng nghề gốm truyền thống Phù Lãng, bên cạnh các sản phẩm truyền thống lâu đời là chum, vại cùng với sự phát triển của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, nhiều gia đình cán bộ, hội viên mạnh dạn chuyển đổi sang mặt hàng gốm mỹ nghệ như lọ hoa, tranh gốm được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhận thấy việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, các cấp Hội động viên tạo điều kiện để cán bộ, hội viên vay vốn, mở rộng sản xuất, xây dựng các lò đốt gốm bằng gas góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngay sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ (năm 2016), Hội LHPN các cấp phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc khoai tây theo hướng an toàn thực phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với diện tích từ 1 đến 10 ha như ở Mộ Đạo, Ngọc Xá, Hán Quảng nhằm hỗ trợ người dân cơ giới hóa sản xuất, cung ứng ra thị trường nguồn khoai tây thương phẩm sạch bệnh, có chất lượng tốt.