19/11/2024 lúc 23:43 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Trị: Khai thông hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để hợp tác quốc tế 'cất cánh’

Với việc tiếp tục khai thông hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để thu hút dòng chảy nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, quan hệ hợp tác quốc tế của Quảng Trị sẽ "cất cánh” trong trong thời gian tới.

Với việc tiếp tục khai thông hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để thu hút dòng chảy nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, quan hệ hợp tác quốc tế của Quảng Trị sẽ "cất cánh” trong trong thời gian tới.

Toàn cảnh Cửa khẩu quốc tế La Lay - cửa khẩu quốc tế nối tỉnh Quảng Trị với 4 tỉnh Nam Lào và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan). (Nguồn: quangtritv)

 

Nhiều tiềm năng và dư địa hợp tác

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ với 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía Tây giáp 2 tỉnh Savannakhet và Salavan của Lào và phía Đông giáp Biển Đông.

Quảng Trị có vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia.

Đặc biệt, Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất chạy qua 13 tỉnh của 4 quốc gia, nối các nước Lào-Thái Lan-Myanmar qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.

Đây là một lợi thế nổi trội giúp Quảng Trị có thể mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng có mục tiêu và tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng mới của khu vực miền Trung với thế mạnh về năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và nhiệt điện. Hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; trong đó, có 2 Khu Kinh tế, 3 Khu Công nghiệp và 14 Cụm Công nghiệp.

Theo Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 304 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86.432 tỷ đồng, thu hút được 5 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 125,704 triệu USD (tương đương 2.891 tỷ đồng).

 

Sôi động và đa dạng hình thức hợp tác

Một sự kiện đặc trưng, mang tính thường niên trong mối quan hệ giữa các tỉnh thuộc Hành lang Kinh tế Đông - Tây chính là Hội nghị hợp tác về lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông 3 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet (Lào) - Mukdahan (Thái Lan).

Từ nội dung các Biên bản hợp tác đã ký, nhiều kế hoạch đã được triển khai và có kết quả cụ thể, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Quảng Trị với các địa phương tại Lào và Thái Lan.

Những hoạt động hợp tác trong lĩnh vực du lịch đã góp phần không nhỏ trong hoàn thiện hệ thống dịch vụ bổ trợ, các điểm dừng dọc tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây làm cơ sở đưa vào khai thác tour du lịch quốc tế 3 tỉnh - 3 nước.

Trong lĩnh vực thương mại, việc Chính phủ hai nước Việt-Lào nâng cấp cửa khẩu La Lay thành cửa khẩu quốc tế nối tỉnh Quảng Trị với 4 tỉnh Nam Lào và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) có ý nghĩa quan trọng.

Đây là tuyến đường giao thông có tác động trực tiếp đến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tạo sự tương hỗ lẫn nhau giữa hai tuyến đường EWEC (qua Lao Bảo) và PARA-EWEC (tuyến Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani qua La Lay).

Ttuyến đường 15D kéo dài sẽ kết nối khu vực Duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan nối thông về cảng Mỹ Thủy.

Khi Cửa khẩu Quốc tế La Lay gắn kết cùng với các trọng điểm phát triển khác của tỉnh Quảng Trị như Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các tác nhân cộng hưởng sẽ đưa cả EWEC và PARA-EWEC trở thành hành lang kinh tế sôi động hơn, tạo ra nhiều lợi ích cho các địa phương, quốc gia trên toàn tuyến.

Trên lĩnh vực hợp tác đầu tư, hiện nay ở Quảng Trị có nhiều dự án FDI của các nhà đầu tư Thái Lan đi vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy cao su Camel, Nhà máy nước giải khát Superhorse.

Đặc biệt Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATI) làm chủ đầu tư…

Các dự án FDI của nhà đầu tư Thái Lan đang hoạt động khá ổn định, góp phần giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm mới, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hằng năm, Quảng Trị đều tổ chức tuyển sinh để gửi đi đào tạo đại học tại 7 trường đại học vùng Đông Bắc Thái Lan, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. Hiện có nhiều cán bộ đang công tác tại các sở, ban, ngành của Quảng Trị từng được đào tạo tại Thái Lan.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, trong giai đoạn tới, việc mở rộng, thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa tỉnh với địa phương các nước trên EWEC nói chung, với các tỉnh của Thái Lan nói riêng đòi hỏi phải vươn lên đáp ứng ngang tầm yêu cầu thực tiễn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của EWEC và PARA-EWEC.

Đặc biệt, với việc địa phương đang tập trung thu hút, huy động các nguồn lực để xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành “trung tâm giao thương quốc tế”, “trung tâm thu hút về đầu tư và trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực”, cơ hội hợp tác giữa Quảng Trị với các tỉnh các nước trên EWEC nói chung, các tỉnh của Thái Lan nói riêng càng được mở ra đầy triển vọng.

Ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh: “Tiền đề cho việc mở mang, thúc đẩy các quan hệ hợp tác này, đó là việc tiếp tục khai thông ‘hạ tầng cứng’ và ‘hạ tầng mềm’, nhằm thu hút dòng chảy nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Từ hạ tầng ngày càng khai thông đến kết nối, hội tụ và phát triển, chắc chắn quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị và các địa phương các nước láng giềng của Việt Nam sẽ 'cất cánh' trong không gian mới".