Bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi tỉnh phải huy động mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng và lợi thế để biến mục tiêu, khát vọng thành hiện thực.
Ảnh minh họa - Internet
Những ưu thế và tiềm năng vượt trội cho phát triển du lịch
Theo Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11-2-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tỉnh Quảng Ninh được xác định là “cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước..., là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế”.
Nhìn tổng thể, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế để triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế về văn hóa - du lịch; có nhiều điều kiện đặc biệt thuận lợi để bứt phá trong phát triển du lịch - văn hóa, tạo đòn bẩy đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Về điều kiện tự nhiên:
Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất trong cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Quảng Ninh có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là cửa ngõ hội nhập với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là điểm nút trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và kết nối với khu vực Đông Nam Á (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN).
Với địa hình đa dạng, độc đáo, toàn tỉnh có đường bờ biển dài 250km, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”. Địa hình của tỉnh có thể được chia thành 3 vùng, bao gồm vùng núi, vùng trung du và đồng bằng ven biển, vùng biển và hải đảo, với 80% diện tích là đồi núi đan xen biển cả và đồng bằng, hình thành nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong đó, biển, đảo là dạng địa hình đặc trưng, chi phối, tạo cho Quảng Ninh có hình ảnh tự nhiên kỳ vĩ, không một nơi nào có, là nền tảng tạo nên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn quốc gia Bái Tử Long... Dạng địa hình trung du có hồ Yên Lập (thành phố Hạ Long), hồ Yên Trung, thác Lựng Xanh (Uông Bí), thác Mơ, rừng thông (Yên Hưng)... Dạng địa hình đồi núi có rừng nguyên sinh Yên Tử, Khu Bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng... Có thể nói, Quảng Ninh đã được thiên nhiên ưu đãi những điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Về tài nguyên văn hóa - du lịch:
Quảng Ninh là tỉnh rất giàu có về tài nguyên văn hóa - du lịch, bao gồm cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tỉnh sở hữu hệ thống danh lam, thắng cảnh thiên nhiên phong phú, kỳ thú, tươi đẹp, như núi Yên Tử (thành phố Uông Bí), núi Am Váp (thị xã Đông Triều), di sản thiên nhiên và kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long), nhiều bãi biển đẹp (Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng...). Nơi đây còn lưu giữ hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm: danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp, là di sản thiên nhiên thế giới); di tích và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí - nơi hình thành, ra đời và phát triển của trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt); di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, với quần thể các bãi cọc, đình, đền, miếu dàn trải bên tả ngạn sông Bạch Đằng); khu di tích nhà Trần (thị xã Đông Triều, gồm quần thể các lăng, mộ, đền, chùa, am, tháp - trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhà Trần); di tích lịch sử Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, với khu đền thờ Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng). Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh có 9 bảo vật quốc gia, bao gồm: Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử; Trống đồng Quảng Chính; Bình gốm Đầu Rằm, hay còn gọi là gốm Hoàng Tân; Trống đồng thời Trần; Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu; Bình gốm hoa sen thời Lý; Bình gốm hoa nâu Kinnari có niên đại thời Lý; Thạp gốm hoa nâu có niên đại thời Lý; Tượng và xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông tôn trí ở chùa Hoa Yên. Nhiều di sản được phân bố trong những không gian rộng lớn, có phong cảnh tự nhiên tươi đẹp...
Quảng Ninh còn là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa..., với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc, trong đó có 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng, miền, và có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (Móng Cái); lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (Vân Đồn); hát nhà tơ, còn gọi là hát cửa đình (Móng Cái); hát then - Bình Liêu; lễ hội Tiên Công (Quảng Yên); lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả). Ngoài ra, còn phải kể đến những lễ hội rất độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, như hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long); lễ hội Soóng Cọ, lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày, ở xã Lục Hồn (Bình Liêu); lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái); lễ hội Vân Đồn ở xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn); lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên); hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (thị xã Đông Triều)...
Về kết cấu hạ tầng cho phát triển du lịch:
Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương với Trung Quốc - thông qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển; nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Hệ thống các công trình hạ tầng trọng điểm kết nối của tỉnh được đầu tư kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài nước. Tỉnh đã xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, tạo chuỗi liên kết đường bộ - đường không - đường thủy hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế, như Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng Tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu biển chuyên biệt phục vụ du lịch duy nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện nay.
Quảng Ninh triển khai xây dựng ba tuyến cao tốc, gồm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Quảng Ninh với các trung tâm lớn trong nước và khu vực ASEAN. Tỉnh cũng triển khai một số công trình, dự án trọng điểm, như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, hệ thống cầu Cửa Lục 1, 2, 3 để kết nối giữa không gian đô thị với các vùng ngoại vi của thành phố Hạ Long... Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế khu vực biên giới của tỉnh, trong đó có du lịch quốc tế.
Về hệ thống dịch vụ - thương mại phục vụ phát triển du lịch, số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng nhanh, chất lượng các khu lưu trú không ngừng được nâng cấp, mang đến những tiện ích tối đa cho du khách; trong đó có khu khách sạn, resort cao cấp bên cạnh một số sân golf, trung tâm thương mại mang tầm quốc tế và hệ thống bảo tàng, khu vui chơi đa dạng, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long Bay, công viên Đại Dương Hạ Long, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long, khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh... làm cho hệ sinh thái du lịch của tỉnh dần hoàn thiện, góp phần kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.
Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ du lịch cũng không ngừng được hoàn thiện, phát triển nhanh chóng. Nổi bật là dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển, bảo đảm an toàn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ hiện đại; dịch vụ viễn thông phát triển tốt, hệ thống thông tin di động phủ sóng đạt 96% diện tích các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, sóng di động 3G, 4G được phủ sóng 100% trung tâm các xã, đã chuẩn bị sẵn sàng ứng dụng công nghệ 5G, cung cấp wifi miễn phí cho nhiều khu du lịch, điểm văn hóa trên địa bàn...
Tận dụng hiệu quả nhiều nguồn lực, cách thức để phát triển và mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch
Nhận thấy tầm ảnh hưởng của phát triển du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã xác định hướng đi và cách thức triển khai, thực hiện để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đòn bẩy để tăng cường hợp tác quốc tế, đưa Quảng Ninh trở thành điểm du lịch quốc tế trong tương lai gần.
Thứ nhất, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch quốc tế.
Việc đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp tỉnh Quảng Ninh có điều kiện huy động được những nguồn lực từ bên ngoài; bồi đắp tiềm lực từ bên trong, từ đó góp phần đạt được một số kết quả quan trọng, nổi bật là tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ở tốc độ cao; thu ngân sách nhà nước luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước và duy trì được thành tích dẫn đầu PCI trong 5 năm liên tục...
Trong vòng 10 năm (2010 - 2020), tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được hơn 200 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 6,5 tỷ USD; có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI được duy trì ổn định và phát triển, giúp tỉnh tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ(1)... Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ ba trong tốp 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước (20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2,186 tỷ USD). Riêng trong tháng 1-2023, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều buổi tiếp, làm việc cùng các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... dự định đầu tư vào tỉnh, với số vốn hàng trăm triệu USD. Trong năm 2023, tỉnh dự kiến sẽ thu hút 18 dự án FDI(2).
Thứ hai, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, trực tiếp đẩy mạnh quảng bá du lịch địa phương, nâng cao vị thế của tỉnh Quảng Ninh trên thị trường du lịch quốc tế.
Tỉnh đã tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa với các tổ chức nước ngoài và quốc tế; gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với các hoạt động thông tin đối ngoại, xúc tiến, quảng bá du lịch...; phối hợp và tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế, tiêu biểu, như Carnaval Hạ Long (tổ chức thường niên), Lễ hội Hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3, Liên hoan Xiếc quốc tế - Hạ Long 2019; đã đăng cai và tổ chức hàng loạt sự kiện liên quan trực tiếp đến văn hóa - du lịch: Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17, gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF; cuộc thi Hoa hậu biển đảo Việt Nam 2022... Đến nay, Quảng Ninh trở thành điểm đến có uy tín cho nhiều sự kiện cấp quốc gia, quốc tế, đặc biệt là các chương trình giao lưu thể thao, văn hóa quốc tế, kết hợp giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương. Gần đây, tỉnh tăng cường hoạt động đón và tổ chức các đoàn du lịch tìm hiểu (Famtrip), du lịch báo chí (Presstrip) quốc tế đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại tỉnh; xây dựng các ấn phẩm bằng nhiều ngôn ngữ nhằm quảng bá về văn hóa, du lịch của tỉnh để phát trên các phương tiện vận chuyển, nhà ga, chuyến bay trong nước và quốc tế.
Từ sự thâm nhập, giao lưu văn hóa đối ngoại, tỉnh Quảng Ninh mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều đối tác quốc tế, trong đó có hợp tác về văn hóa - du lịch. Đến nay, ngoài 6 địa phương của Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ hợp tác văn hóa với 8 địa phương khác của các nước Hàn Quốc, Lào, Bê-la-rút. Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến phát triển quan hệ hợp tác văn hóa với các đối tác tiềm năng là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ba Lan và một số đối tác khác ở châu Âu(3).
Thứ ba, thực hiện nhiều giải pháp đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tỉnh đã tìm tòi, thực thi nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch phát triển toàn diện, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng quy hoạch. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Thứ tư, thực hiện hiệu quả nhiều phương thức đầu tư để khai thác và phát triển du lịch theo hướng liên ngành, liên vùng, liên quốc gia, tạo chuỗi giá trị cung ứng hiệu quả cho sản phẩm du lịch của tỉnh.
Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch.
Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong đầu tư phát triển hạ tầng ngành du lịch, với nhiều dự án nghỉ dưỡng có quy mô lớn, chất lượng cao; việc mở mới các đường bay thẳng, giá rẻ được đưa vào sử dụng đã làm tăng thêm nội lực kết nối của điểm đến trong khả năng tiếp nhận, phục vụ khách du lịch, tạo tác động lan tỏa, định vị được hình ảnh điểm đến chung cho du lịch Việt Nam. Các khu du lịch đẳng cấp quốc tế nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam có thể sánh vai và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu du lịch trong khu vực. Chính sự nỗ lực này đã tạo ra sự tăng trưởng ổn định của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến với tỉnh Quảng Ninh trong những năm vừa qua.
Bên cạnh đó, tỉnh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích quốc gia đặc biệt, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Các ngành công nghiệp văn hóa được hình thành và phát triển, một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống trên cả hai phương diện vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thực hiện phối hợp liên ngành trong phát triển du lịch.
Trong điều kiện hội nhập hiện nay, liên kết du lịch là tất yếu. Quảng Ninh đã đề ra chiến lược định vị hình ảnh, sản phẩm và thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, khu vực trong tỉnh, nhất là phát triển chuỗi các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, liên vùng và liên quốc gia, với chất lượng cao và tích hợp nhiều tiện ích, đem lại trải nghiệm thú vị cho khách du lịch. Ngành du lịch Quảng Ninh chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác; giữa du lịch của tỉnh với du lịch các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái khám phá, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa của tỉnh; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại đã đi vào hoạt động...
Hiện nay, Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngành du lịch đã chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế; đầu tư phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có lợi thế của du lịch Quảng Ninh gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch.
Thực hiện phối hợp liên vùng, liên quốc gia trong phát triển du lịch.
Quảng Ninh đã tổ chức khoảng 70 chuỗi sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến các chuyến bay trực tiếp, các chuyến bay thuê chuyến từ thị trường quốc tế, như quảng bá tại cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race; tổ chức các chương trình làm việc quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước ở các thị trường chính, như Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Trung Quốc, phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm di sản thiên nhiên thế giới của khách du lịch, nhằm mục tiêu mở được các chuyến bay trực tiếp đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn(4).
Đồng thời, để khai thác tối đa tiềm năng, thu hút nhiều hơn các thị trường khách du lịch, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước mở rộng hợp tác phát triển du lịch, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ. Từ đó, hình thành đa dạng các tour, tuyến du lịch lớn: Quảng Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh - Đà Nẵng, Quảng Ninh - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng và các vùng trọng điểm du lịch của cả nước, như Ninh Bình, các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định) và 13 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cùng nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Với khẩu hiệu du lịch “An toàn - Hấp dẫn - Trách nhiệm”, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách kích cầu du lịch cùng nhiều sản phẩm du lịch mới. Trong đó, điểm nhấn là 64 hoạt động du lịch, nghệ thuật, ẩm thực hấp dẫn, quyến rũ và khác biệt, như “Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu 2020”, Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2020, Carnaval mùa đông Hạ Long 2022... Ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới khác biệt gắn với đặc trưng các mùa trong năm, đặc biệt là mùa thu - đông, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Tăng cường thông tin và chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh cung cấp thông tin du lịch qua các trang web chính thống. Công tác xúc tiến du lịch Quảng Ninh vào thị trường nội địa cũng như trên thị trường quốc tế diễn ra ngày càng chuyên nghiệp.
Quảng Ninh đưa vào hoạt động fanpage “Thông tin du lịch Quảng Ninh”, đến nay đã có gần 30.000 người theo dõi; đồng thời, xây dựng fanpage bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, liên tục cập nhật các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đăng tải thông tin về du lịch Quảng Ninh tới khách du lịch trên các trang web, Youtube, Instagram, Zalo... Cùng với đó, tỉnh triển khai cổng thông tin du lịch tại 2 địa chỉ trang web: halongtourism.com.vn và discoverhalong.com bằng cả ba ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung Quốc. Nhờ đó, khách du lịch có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin về điểm đến, dịch vụ giải trí, các lễ hội, ẩm thực độc đáo, cơ sở lưu trú, mua sắm... cùng bản đồ số du lịch, hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch... Tổ chức chương trình khảo sát tại tỉnh Quảng Ninh cho các hãng lữ hành, báo chí quốc tế; đẩy mạnh hoạt động tiếp thị trực tuyến (e-marketing), chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường(5).
Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số thông qua đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh, như thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... phục vụ khách du lịch; ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D. Đã xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử. Từ tháng 6-2022, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thu phí vé tham quan Vịnh Hạ Long bằng internet banking và quét mã QR. Quảng Ninh dự kiến đưa vào hoạt động hệ thống bán vé tự động, cổng điện tử tra cứu thông tin tại Cảng Tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng Tàu khách quốc tế Hạ Long, tạo thuận tiện cho khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long. Tỉnh cũng đang xây dựng phương án triển khai thí điểm mô hình “phố thông minh” không dùng tiền mặt tại khu du lịch Tuần Châu (thành phố Hạ Long); đầu tư hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, địa điểm du lịch trên địa bàn để hỗ trợ người dân, du khách trong việc tra cứu các điểm đến; lắp đặt hệ thống camera giám sát ở một số hang động lớn, như Đầu Gỗ, Thiên Cung... và hệ thống định vị GPS trên các tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long(6)...
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển ngành du lịch theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế, tăng vị thế trong chuỗi giá trị, nhưng du lịch tỉnh Quảng Ninh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Một là, hiện nay hoạt động liên kết trong du lịch ở tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu được triển khai, nhưng trên thực tế đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là một số cấp, ngành của tỉnh vẫn chưa xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; thiếu chính sách vĩ mô, lâu dài, toàn diện, phù hợp để du lịch của tỉnh phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Chưa thực sự sáng tạo cũng như chủ động học hỏi cách làm, mô hình du lịch của những quốc gia có ngành du lịch phát triển, nên nhiều tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Hai là, công tác xúc tiến, quảng bá các điểm, mô hình, sản phẩm du lịch và các dịch vụ kèm theo chưa thực sự được quan tâm, đẩy mạnh, triển khai một cách thường xuyên, liên tục, hiệu quả trên các kênh truyền thông, thông tin xã hội. Vì vậy, nhiều điểm du lịch lý thú được đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện, nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nhưng vẫn chưa được khách du lịch biết đến, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên di sản.
Ba là, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, hoặc thiếu tính khả thi nên chưa phát huy tốt các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch, nhất là mô hình hợp tác công - tư trong các dự án xây dựng, khai thác các khu du lịch chất lượng cao, mang tầm cỡ quốc tế.
Bốn là, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế của tỉnh Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, số lượng và trình độ, nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới. Phần lớn đội ngũ nhân lực du lịch chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ ngoại ngữ còn yếu, đặc biệt là thiếu đội ngũ nhân lực biết ngoại ngữ của một số nước mà tỉnh đang nỗ lực mở rộng xúc tiến, quảng bá, hợp tác du lịch, như Nga, Ấn Độ, Trung Đông, các nước nói tiếng Tây Ban Nha... Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ... chưa thật chuyên nghiệp, đang trở thành rào cản trong phát triển, mở rộng mạng lưới du lịch của tỉnh theo hướng hội nhập quốc tế. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp du lịch cũng còn thiếu và yếu.
Một số giải pháp nhằm phát huy thế mạnh trong hội nhập quốc tế về du lịch ở tỉnh Quảng Ninh thời gian tới
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của ngành du lịch trong thời gian tới, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”(7). Để du lịch Quảng Ninh thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp theo định hướng của Đảng, chiến lược của Nhà nước và mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đề ra, tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành du lịch Quảng Ninh về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ, sản phẩm... Cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế, ưu thế riêng có của tỉnh, thích ứng xu thế toàn cầu hóa và những biến động trên thị trường du lịch thế giới. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương khác trong cả nước và với các điểm du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới. Chủ động tham gia và có sáng kiến trong việc hình thành các nhóm hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương, các quốc gia, các điểm đến trong khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam, các tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Quảng Ninh ở nước ngoài, các kênh ngoại giao... nhằm phát huy hiệu quả quảng bá, phát triển du lịch của tỉnh.
Thứ hai, tăng cường đổi mới, tạo đột phá trong xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam nói chung và nét đẹp của cảnh quan, văn hóa, con người và các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng tới khách du lịch quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch của tỉnh, nhất là ở những điểm du lịch có tiềm năng, bao gồm cả kết cấu hạ tầng cứng và kết cấu hạ tầng mềm; mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không... Trong đó, ưu tiên những nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của các khu lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới trong nước và trên thế giới.
Thứ ba, tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của tỉnh; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo và du lịch thể thao, giải trí biển phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số cụm du lịch, trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường du lịch quốc tế; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa; tập trung khai thác thế mạnh du lịch vượt trội của tỉnh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái kết hợp du lịch với hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE).
Thứ tư, tăng cường phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế. Trong đó, chú trọng duy trì và mở rộng hơn nữa các thị trường du lịch quốc tế truyền thống của tỉnh, như các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Ô-xtrây-li-a, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, Đông Âu và Liên bang Nga; đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng lớn, như Trung Đông, Nam Âu, Nam Mỹ, Nam Á (nhất là Ấn Độ); mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng, có lượng khách du lịch ra nước ngoài hằng năm tăng nhanh. Đồng thời, tạo đột phá và phát triển mạnh hơn nữa thị trường khách du lịch nội địa; trong đó, đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa dân tộc, tăng cường giao lưu văn hóa; định hướng lại thị trường khách du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh theo hướng kết hợp hài hòa với các mục đích khác.
Thứ năm, nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững du lịch gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, phục vụ khách du lịch trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cũng như trong công tác quản lý du lịch của tỉnh, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiệu quả trong mọi hoạt động du lịch của tỉnh.
Thứ sáu, tạo điều kiện thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới tới Cảng hàng không Vân Đồn, Cảng Tàu khách quốc tế Tuần Châu, cảng Tàu khách quốc tế Hạ Long và các tuyến giao thông khác trực tiếp kết nối Quảng Ninh với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng trong nước và quốc tế. Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.
Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế; có chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển toàn diện nguồn nhân lực và thị trường lao động, nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại các điểm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành, liên vùng, liên quốc gia về du lịch nhằm gia tăng hiệu quả, chất lượng, giá trị của các sản phẩm du lịch Quảng Ninh trong cả nước, trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tăng cường bảo vệ môi trường, chú trọng công tác dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác xây dựng, vận hành cơ sở dịch vụ du lịch./.
----------------------------
(1) Xem: Hoài Anh: “Quảng Ninh chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”, Báo Quảng Ninh điện tử, ngày 22-12-2020, https://baoquangninh.vn/quang-ninh-chu-dong-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-2514102.html
(2) Xem: Minh Đức: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”, Trang thông tin điện tử Công an Quảng Ninh, ngày 16-2-2023, https://conganquangninh.gov.vn/tin-tuc/tin-trong-tinh/chu-dong-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-24552.html
(3) Xem: Việt Hoa: “Tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh ngoại giao văn hóa”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 19-10-2020, https://tapchicongsan.org.vn/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/820409/tinh-quang-ninh-day-manh-ngoai-giao-van-hoa.aspx
(4) Xem: Hải Ngân: “Quảng Ninh: Tăng sức bật cho ngành du lịch”, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 19-12-2022, https://diendandoanhnghiep.vn/quang-ninh-tang-suc-bat-cho-nganh-du-lich-236394.html
(5) Xem: Hoàng Quỳnh: “Quảng Ninh: Hy vọng thị trường du lịch dịp cuối năm”, Trang thông tin điện tử Tổng cục Du lịch, ngày 30-7-2022, https://vietnamtourism.gov.vn/post/42739
(6) Xem: “Quảng Ninh: Chuyển đổi số ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay”, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 12-10-2022, https://bvhttdl.gov.vn/quang-ninh-chuyen-doi-so-nganh-du-lich-trong-giai-doan-hien-nay-20221012081204341.htm
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 248 - 249