19/12/2024 lúc 16:52 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ngãi thực hiện 7 lĩnh vực chuyển đổi số toàn diện

Sáng 8/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 7 lĩnh vực trực tiếp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, lĩnh vực quan trọng được ưu tiên thực hiện.

Chuyển đổi số trong 7 lĩnh vực trực tiếp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu nhằm thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, thực chất, bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh thông qua ứng dụng dữ liệu số. Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền trung và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Ngoài ra, với 7 lĩnh vực trực tiếp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cần ưu tiên thực hiện. Cụ thể là:

  1. Lĩnh vực nông nghiệp: ứng dụng công nghệ, dữ liệu số trong sản xuất nông nghiệp thông minh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; tăng cường hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng giải pháp công nghệ số trong quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; truy xuất nguồn gốc; dự báo thị trường; quản lý quy hoạch; quản lý bảo vệ rừng; phòng, chống thiên tai; phòng, chống cháy rừng; phòng, chống dịch bệnh.
  2. Lĩnh vực giáo dục: nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, giảng dạy, tuyển sinh dựa trên công nghệ số, dữ liệu số; số hóa tài liệu, giáo trình; triển khai đồng bộ các nền tảng số dùng chung của toàn ngành giáo dục.
  3. Lĩnh vực y tế: ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ khám, chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe trong và sau điều trị tại các cơ sở y tế; triển khai nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tiến đến mỗi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử.
  4. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị: đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý đô thị; sớm triển khai đồng bộ nền tảng cơ sở dữ liệu đất đai, hình thành bản đồ số có tính mở, bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về quy hoạch, sử dụng đất, làm nền tảng phát triển các dịch vụ số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
  5. Lĩnh vực du lịch: số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch bằng công nghệ 3D, 4D, tích hợp thuyết minh tự động để quản lý, giới thiệu trên nền tảng số, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút khách du lịch.
  6. Lĩnh vực giao thông vận tải, logistics: thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics; ứng dụng công nghệ số trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đăng ký và quản lý phương tiện, cấp phép.
  7. Lĩnh vực an ninh, an toàn xã hội: bảo đảm vai trò, trách nhiệm của toàn dân trong hợp tác, chấp hành mọi quy định trong di chuyển, lao động, cư trú an toàn; được cung cấp, tương tác thông tin bảo vệ an toàn trong cuộc sống với lực lượng chức năng.