VNHN - Đập dâng sông Trà là công trình từng được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng của Quảng Ngãi như cầu Rồng của TP Đà Nẵng đã chính thức tạm dừng vào chiều ngày 31-8 để tránh lũ. Bên cạnh những ý kiến đang tranh cãi về tác động của nước mặn phía dưới đập dâng, hệ thống thoát nước thải có nguy cơ ứ đọng…thì công trình này có nhiều con số khủng.
Hiện nay, các nhà thầu đã vận chuyển từ Hà Lan về 19 bộ van điều tiết thông minh, xi lanh thủy lực của nhà sản xuất nổi tiếng thế giới Bosch Rexroth, cùng hàng ngàn lít dầu Eneo của Nhật Bản để phục vụ công tác vận hành, điều tiết hệ thống nước ngọt, giúp cho khu vực từ đập dâng trở lên được ngập nước, tạo cảnh quan cho TP Quảng Ngãi bên sông, tạo nguồn nước ngầm...Hệ thống van này sẽ được điều khiển từ nhà điều hành đặt ngay trên tuyến đường trên đập dâng. Đập dâng sông Trà là công trình thủy lợi, kết hợp giao thông cấp 3. Đường giao thông đi lại sẽ đặt ngay trên đập dâng, tạo ra cảnh quan độc đáo vắt ngang sông Trà.
Hệ thống van thông minh của nhà sản xuất Bosch Rexroth, Hà Lan( Hà Anh)
Công trường đã sử dụng 223.146 mét cáp Kiswire của Hàn Quốc để đưa vào lõi 69 dầm chữ U, mỗi dầm nặng 200 tấn. Đây là loại dầm được sản xuất theo công nghệ mới, sử dụng mác bê tông 70 Mpa và chưa được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng ở Việt Nam.
Công trình khởi công từ ngày 2-7-2019, nhưng giai đoạn đầu tiên triển khai chậm, vì sự cố vỡ đê bao gây tràn nước. Vì vậy toàn bộ công trình mới trải qua 6 tháng thi công. Tuy nhiên tổng khối lượng đến nay được ước tính đạt trên 60% khối lượng. Các nhà thầu đã đổ trên 60.000/100.000 khối bê-tông; khối lượng sắt thép của công trình cộng lại ước tính ngang với thép Eiffel ở Pháp là 10.000 tấn. Trong đó 19 cửa van, mỗi cửa nặng trung bình 135 tấn.
Hai cẩu siêu trọng nâng 2 cửa van cuối cùng (mỗi van nặng 135 tấn, dài gần 40 mét) lên vị trí thoát lũ vào chiều 31-8 (Hà Anh)
Kỹ sư Nguyễn Thanh Chiến, Giám đốc điều hành liên doanh các nhà thầu gói thầu số 15 cho biết, do công trình thi công dưới lòng sông, vì vậy toàn bộ ban chỉ huy dự án xác định chỉ có đường tiến, vì rủi ro về lũ khá cao. Đơn vị đã rút 700 công nhân, chủ yếu là các thanh niên trẻ ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An về thi công. Vì số công nhân ở xa sẽ không về gia đình, trực chiến luôn tại công trường và chấp nhận làm việc luân phiên 3 ca, có người 4 tháng không được về nhà, sinh hoạt tại lều giữa lòng sông cạn để phòng tránh lây lan dịch Covid-19. Công nhân ở Quảng Ngãi thì tham gia một số gói xây dựng phụ và làm việc 8 giờ/ngày.
Nhiều công nhân tham gia thi công cho biết, chưa bao giờ xây dựng một công trình trong điều kiện sức ép thời gian, bên cạnh đó là dư luận như Đập dâng sông Trà. Theo ông Chiến, cách điều hành “khắc nghiệt” như vậy đã giúp cho công trình vượt tiến độ và ngày 31-8 đã chính thức kéo toàn bộ cửa van treo lên cao để thoát lũ đúng kế hoạch. Trong quá trình thi công, chỉ cần một cơn mưa, hoặc trời u ám là hàng trăm người nín thở. Vì các thiết bị, sắt thép, ô tô, hố móng sâu 30-35 mét ngổn ngang dưới lòng sông./.