22/12/2024 lúc 17:30 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ngãi: Ngành Công thương thúc đẩy hội nhập phát triển

Ngành Công Thương Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030 đặt mục tiêu công nghiệp hóa, chú trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao giá trị các mặt hàng xuất khẩu...

Mục tiêu của Quảng Ngãi trong phát triển ngành công thương trong thời kỳ mới là góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời áp dụng chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của vùng, của tỉnh trong chuỗi giá trị, hướng đến trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại.  Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, có tính thích ứng cao với tình hình biến động của thị trường thế giới.

Trong năm 2023, con số kim ngạch xuất khẩu là 2,2 tỷ USD mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mang về, có thể khẳng định sản phẩm công nghiệp của tỉnh đang ngày càng tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với khoảng 450 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, Quảng Ngãi đã đưa ra thị trường thế giới hàng trăm sản phẩm. Trong đó, nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh quốc tế như lọc dầu, thép, dăm gỗ, may mặc, thiết bị, tôn cuộn, sợi vải, linh kiện điện tử... Năm 2024 này còn có thêm săm lốp và thú nhồi bông, viên nén gỗ cao cấp của các DN vừa đi vào sản xuất.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành công thương, Quảng Ngãi sẽ tập trung tái cơ cấu ngành năng lượng theo hướng phát triển đa dạng các loại hình năng lượng, bảo đảm cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Về tái cơ cấu ngành công nghiệp, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm. Sắp xếp, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất lợi thế của tỉnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực. Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8,5 - 9,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 45%. Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GRDP giảm từ 1-1,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân từ 7 - 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt bình quân từ 8 - 9%/năm.         

Theo Đề án tái cơ cấu ngành công thương, Quảng Ngãi sẽ tập trung tái cơ cấu ngành năng lượng theo hướng phát triển đa dạng các loại hình năng lượng, bảo đảm cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hiện tại, ngành năng lượng của tỉnh đảm bảo ổn định về điện nguồn (gồm thủy điện, điện mặt trời), với hơn 30 nhà máy sản xuất điện năng (gần 50% đã đi vào vận hành, phát điện). Tỉnh cũng đang tập trung đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng được cấp phép.

Ngoài ra, theo chiến lược phát triển, từ nay đến năm 2030 Quảng Ngãi sẽ mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất. Hiện có 3 nhà máy điện khí gồm Dung Quất I, Dung Quất II và Dung Quất III đang thực hiện các thủ tục để có thể khởi công sớm nhất. Riêng đối với ngành dầu khí, hiện đang tập trung phát triển tích hợp lọc dầu với hóa dầu, hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước và xuất khẩu. 

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong chiến lược tái cơ cấu, Quảng Ngãi tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có quy mô xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh cao, gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu như lọc dầu, thép, dăm, may mặc, giày da, vải sợi. Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường, đối tác, ngành hàng và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại toàn cầu. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, gồm giao thông, logistics, hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại...