18/11/2024 lúc 13:24 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Nam: Nhọc nhằn mùa lũ và tình người bao la

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa lắng xuống, người dân vẫn chưa ổn định lại cuộc sống thì cơn bão Noru lại kéo đến tàn phá, dày xéo vùng đất miền Trung – vùng đất chịu nhiều thiên tai, khiến sự nghèo khổ lại kèm thêm đau thương. Vùng đất Quảng Nam cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dữ tợn này.

Noru, cơn bão được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Sau cơn bão sẽ còn lại gì? Nhà cửa tốc mái tan hoang, cây cối bị gãy đổ la liệt, hàng nghìn công trình, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, nhiều tài sản, gia súc, hoa màu... bị lũ cuốn trôi. Đau lòng hơn hết chính là cảnh con mất mẹ, vợ mất chồng, cha mẹ mất con...

Cảnh người dân ngơ ngác, đau đáu nhìn về những ngôi nhà thân yêu của mình đang ngập trong biển nước sẽ khiến không ít người đau xót. Rồi sau lại là những ngày tháng với bao nhiêu nỗi lo canh cánh bên lòng nào là sách vở, quần áo cho con đến trường, lúa giống cho vụ mùa tới, thuốc men để phòng dịch bệnh, tiền đâu để sửa chữa nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt hàng ngày... Giấc mơ thoát nghèo, gầy dựng cuộc sống lại bỗng chốc dang dở và càng xa vời! Cuộc sống của những người nông dân vùng bão lũ thật quá mong manh trước sự tàn phá của thiên tai...

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tìm đến những hoàn cảnh đáng thương trên địa bàn mong được sẻ chia:

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mái, sinh 1937, thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ước tính thiệt hại trên 200 triệu đồng

Hộ gia đình: Nguyễn Thị Tân (1952); gia đình đặc biệt khó khăn; Ước tính thiệt hại 70 triệu. Địa chỉ: Tổ 10, thôn Xuân Trung, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Gia đình bà Hà Thị Mỹ, sinh 1981, thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

 

Gia đình Hà Văn Bẩy, sinh 1971, , thôn Duy Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn, 1968, tổ 12, thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Nhà ông Bríu Tùng, thôn Da'ding, xã Ga Ri, Tây Giang. Do ảnh hưởng của bão, mưa lớn làm sụt, nứt 12 nền nhà ở phải xin nhà người dân khác ở tạm

 

Vẫn biết bão qua đi, khó khăn sẽ ở lại, nhưng tự nghĩ biết bao giờ những người nông dân Quảng Nam, hay vùng đất miền Trung này mới yên ổn gầy dựng cuộc sống. Khi nào những gia đình ấy mới có điều kiện sửa lại căn nhà để có nơi tránh gió tránh bão trong những ngày dài sắp tới. Liệu trong hành trình này họ phải đơn độc? – Chắc chắn không! Bởi “cơn bão đi qua tình người ở lại”. Sẽ có nhiều tấm lòng cùng chung tay, góp sức để lan tỏa truyền thống của người dân Việt Nam “lá lành đùm lá rách”!

Hi vọng rằng với truyền thống kiên cường, bền bỉ, cùng với sự chia sẻ của cả nước, người dân Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung sẽ từng bước khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống và mảnh đất miền Trung sẽ lại sớm hồi sinh!

Trí Đức - Hoàng Châu