22/11/2024 lúc 19:39 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Nam: Ban hành Nghị quyết chuyên đề của Đảng giai đoạn 2021 - 2025

Tăng cường công tác kiểm tra-giám sát (KT-GS) để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” và sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Nơi nào có quyền lực thì nơi đó phải được KT-GS.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, quan tâm thực hiện tốt công tác KT-GS toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện và xử lý đúng đắn, hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Từ đó, mới giúp nâng cao được năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng (đứng giữa)- Ảnh; minh họa.

Với quan điểm trên, Tỉnh ủy (khóa XXII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác KT-GS và kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 19). Trong đó, nhấn mạnh về giải pháp tăng cường KT-GS công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Qua đó, kịp thời phát hiện, khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; đồng thời, kiên quyết rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh; Bác Hồ đã dạy: “Không có kiểm tra, giám sát thì xem như không lãnh đạo”. Nơi nào ít quan tâm đến công tác KT-GS có nghĩa là phương thức lãnh đạo này của Đảng ở tổ chức đảng chưa mạnh.

Theo đó, các cấp ủy phải đặt vấn đề đúng mức, hàng đầu đối với công tác KT-GS, mà trọng tâm nhất, quyết định nhất, đó là phải kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm những vấn đề phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Đã sai phạm thì phải được xử lý nghiêm minh, chấn chỉnh, răn đe kịp thời.

“Toàn tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết số 19 và các quy định, quy trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác KT-GS. Tập trung KT-GS tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; đồng thời, có biện pháp giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”./.

Huỳnh Yên - Võ Hà