23/01/2025 lúc 09:28 (GMT+7)
Breaking News

Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ tại Bắc Ninh

VNHN - Xác định đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho thị trường, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập kinh tế, những năm qua, Bắc Ninh luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nữ nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng.

VNHN - Xác định đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho thị trường, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập kinh tế, những năm qua, Bắc Ninh luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nữ nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng.

Bắc Ninh hiện có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 13 trường Cao đẳng, 19 trường Trung cấp, 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác. Với mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, quy mô, ngành nghề đào tạo ngày càng được mở rộng, chất lượng đào tạo được nâng cao đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Cùng với chính sách của Trung ương, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bắc Ninh ban hành các chính sách đặc thù như: Nâng độ tuổi cho đối tượng được hỗ trợ học nghề; quy định chính sách hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, động viên, thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề gắn với việc làm tại các doanh nghiệp. Đề án ”Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” được tỉnh chỉ đạo thực hiện lồng ghép trong Đề án tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, tạo việc làm, đồng thời tham gia tuyển sinh và quản lý lớp học tại địa bàn và tìm việc làm cho lao động sau học nghề. Kết quả, sau gần 10 năm thực hiện Đề án đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 53 nghìn người, trong đó hơn 36 nghìn lao động nữ được hỗ trợ học nghề, chiếm 68,7%. Số lao động nữ tham gia học nghề nông nghiệp chiếm 36,5%; số lao động nữ tham gia học nghề phi nông nghiệp chiếm 63,5%.

Nhiều phụ nữ chọn sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình.

Theo thống kê mới đây, dân số Bắc Ninh có khoảng 1,3 triệu người, với khoảng 0,7 triệu người đang trong độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động nữ chiếm khoảng 52%. Với số nữ lao động được hỗ trợ đào tạo nghề đã góp phần tạo thêm nguồn nhân lực có tay nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, giúp cho phụ nữ, lao động nông thôn chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế gia đình. Mặc dù số lao động nữ tham gia học nghề tăng hàng năm nhưng trong số lao động qua đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nữ tham gia học nghề vẫn còn rất thấp, chiếm tỷ lệ 32,6%.

Trong đó, tỷ lệ đào tạo Trung cấp, Cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp, 7,1%, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng và chủ yếu trong các lĩnh vực may mặc, giầy da, lắp ráp điện tử, du lịch, dịch vụ, thống kê, kế toán, y tế, thủy sản và sản suất nông nghiệp. Để triển khai thực hiện công tác hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ hiệu quả trong những năm tới, cần tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho phụ nữ. Đồng thời, tăng cường công tác hợp tác đào tạo nghề gắn với tuyển dụng lao động sau tốt nghiệp; chú trọng phát triển các chương trình và hình thức tổ chức đào tạo cho phụ nữ trung niên, tạo cơ hội học nghề cho họ tìm việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập.