26/01/2025 lúc 14:44 (GMT+7)
Breaking News

Quan Sơn - Thanh Hóa: Doanh nghiệp xây dựng ngang nhiên lấp dòng sông Lò

VNHN - Sau khi trúng thầu thi công một phần con đường cứu hộ cứu nạn trên địa bàn huyện Quan Sơn, thay vì phải vận chuyển khối lượng đất, đá tập kết ra đúng nơi quy định. Chi nhánh xây lắp số 1 - Tổng Công ty xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa lại ngang nhiên san gạt hàng trăm khối đất, đá nói trên xuống dòng sông Lò

VNHN -  Sau khi trúng thầu thi công một phần con đường cứu hộ cứu nạn trên địa bàn huyện Quan Sơn, thay vì phải vận chuyển khối lượng đất, đá tập kết ra đúng nơi quy định. Chi nhánh xây lắp số 1 - Tổng Công ty xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa lại ngang nhiên san gạt hàng trăm khối đất, đá nói trên xuống dòng sông Lò. Khiến dòng chảy bị thay đổi và có nguy cơ cuốn phăng cánh đồng lúa cùng hoa mầu của bà con bản Lốc, xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn.

Hàng trăm khối đất đá thi công đã bị san gạt xuống dòng sông Lò, làm thay đổi dòng chảy

Trong cái nóng như thiêu như đốt của những ngày hè tháng 7, Pv – Việt Nam hội nhập đã phải rất vất vả men theo triền núi, băng qua từng cánh rừng mới có thể tiếp cận được vị trí thi công con đường cứu hộ cứu nạn, đoạn tiếp giáp với địa bàn bản Lốc, xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ghi nhận tại hiện trường là những triền núi nằm dọc dòng sông Lò, nơi con đường cứu hộ cứu nạn chạy qua đã bị san bạt một khối lượng đất, đá lên đến hàng trăm khối để mở đường. Tuy nhiên thay vì phải vận chuyển toàn bộ khối lượng đất, đá nói trên ra đúng nơi tập kết theo quy định, thì Chi nhánh  xây lắp số 1 - Tổng Công ty xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa lại ngang nhiên san, gạt tất cả xuống dòng sông Lò. Hàng ngàn tảng đá lớn như những con lợn tạ, bị hất văng xuống sông, nằm cách xa bờ tới vài mét, xen lẫn với khối lượng đất, đá không nhỏ, tạo thành bức tường vững chắc như thách thức dòng chảy khi qua đây. Cũng do bị khối lượng đất, đá nói trên chặn dòng, nên toàn bộ dòng chảy của con sông Lò khi đi qua đoạn này đã phải đổi hướng sang phía bên kia bờ, cạnh cánh đồng bản Lốc. Nguy cơ cánh đồng này bị nước cuốn phăng trong thời gian không xa là điều bà con đã nhìn thấy rõ.  Anh Bi Văn Trực, công dân bản Lốc cho Pv biết: Trước kia khu vực bờ sông nơi anh đang đứng là cồn cát bằng phẳng, vậy mà chỉ qua mấy trận mưa vừa rồi, cồn cát đã bị cuốn trôi mất 4- 5m do thay đổi dòng chảy. Đường cứu hộ, cứu nạn chưa thấy đâu, nhưng nguy cơ bà con gặp nạn thì đã nhìn thấy rõ.

Quýt làm cam chịu

Cũng vì sự tắc trách nói trên của đơn vị thi công đã đẩy bà con bản Lốc vào tình thế buộc phải xây dựng những con đập bằng đá để chống chọi với dòng nước lũ sắp tới, nếu không muốn toàn bộ cánh đồng của mình bị nước cuốn phăng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trưởng bản Vi Văn Chậm, ngay từ sáng sớm tinh mơ, hàng trăm người  dân bản Lốc đã phải vào rừng chặt luồng, mang về để đóng thành những chiếc củi lớn, sau đó thả đá vào bên trong tạo thành những con đập chắn nước. Nhìn bà con với đủ lứa tuổi, trong đó có cả những cụ già đã ngoài 70 lao động hăng say, dưới cái nắng hơn 40 độ mà thật sự tôi cảm thấy khâm phục họ ở tinh thần đoàn kết. Nhưng nói thật trong lòng cũng không tránh khỏi sự xót xa, bởi bà con bản Lốc vốn dĩ họ đang nghèo, giờ lại phải nai lưng ra làm những công việc hao người, tốn của  từ trên trời rơi xuống.

Cánh đồng sản xuất của bản Lốc sẽ bị cuốn phăng do thay đổi dòng chảy

Theo Trưởng bản Vi Văn Chậm, bản Lốc có 124 hộ gia đình với hơn 500 nhân khẩu. Để hoàn thành con đập chắn nước này, ông đã phải huy động mỗi hộ gia đình đóng góp 2 cây luồng và một ngày công. Nếu ai không đi thì đóng góp 200 nghìn để người khác làm hộ, dự tính chi phí hết khoảng 30 triệu đồng. Khó khăn tốn kém là thế, nhưng nếu không làm thì cánh đồng sản xuất của bà con sẽ bị nước cuốn trôi do dòng chảy đã đổ hết sang phía bờ bên này. Trong khi đó tháng 8 là tháng trọng điểm của mùa mưa lũ đã cận kề. Anh Bi Văn Trực, công dân bản Lốc như đã nói ở trên bức xúc cho biết thêm: Anh đang đi làm xa nhà, tận km 88 trên cửa khẩu Na Mèo, thấy vợ gọi  về bảo đi chống sạt lỡ. Nghe vợ nói anh không hiểu đã có chuyện gì xảy ra, khi về đến nơi, ra đến bờ sông anh mới biết rõ sự tình. Cũng theo Trưởng bản Vi Văn Chậm: Đơn vị chức năng và nhà thầu có lần xuống kiểm tra và hứa khi nào làm xong con đường, họ sẽ bốc xúc toàn bộ khối lượng đất đá dưới lòng sông đi để thông dòng. Tuy nhiên họ chỉ nói vậy chứ biết đến khi nào đường mới làm xong, nên bà con đành phải chủ động để cứu lấy cánh đồng.

Những con đập bằng đá được bà con bản Lốc xây lên để ngăn cánh đồng bị nước cuốn trôi

Làm đường cứu hộ cứu cứu nạn là một chủ trương đúng đắn, bởi ngoài sự đảm bảo về giao thông cho người dân, còn giúp họ thuận tiện trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản, nâng cao giá trị các sản phẩm do họ làm ra. Tuy nhiên nhà thầu   cần chấp hành theo đúng phương án thi công đã được phê duyệt, không nên chỉ vì  tiết kiệm chi phí vận chuyển khối lượng đất, đá nói trên ra đúng nơi tập kết theo quy định mà lại san gạt toàn bộ xuống dòng sông Lò.

Thiết nghĩ chủ đầu tư dự án này, cùng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ những vi phạm nói trên của Chi nhánh  xây lắp số 1 - Tổng Công ty xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa. Yêu cầu nhà thầu vận chuyển toàn bộ khối lượng đất đá trên ra đúng vị trí tập kết, trả lại dòng chảy theo đúng nguyên trạng ban đầu. Có như vậy nguy cơ cánh đồng bản Lốc không bị nước cuốn trôi mới được ngăn chặn và cũng là để trả lại sự bình yên cho vùng quê vốn đã nghèo khổ trong suốt mấy chục năm qua./.