VNHN - Theo phản ánh của người dân xã Hoằng Đạt thì con đường liên xã (Hoằng Phúc – Hoằng Đạt – Hoằng Hà) được tiến hành làm từ giữa năm 2018. Khi đó, UBND xã Hoằng Đạt thu hồi đất nông nghiệp để làm đường nhưng chỉ thông báo và không có bất kì giấy tờ kí tá gì giữa chính quyền và người dân. Cho đến nay đã gần 1 năm trôi qua nhưng những hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa nhận được tiền đền bù.
Được biết đoạn đường qua thôn Trù Ninh, xã Hoằng Đạt có chiều dài khoảng 2,2 km, với số vốn đầu tư trên 12 tỉ, do UBND xã Hoằng Đạt làm chủ đầu tư và có sự hỗ trợ vốn của huyện Hoằng Hóa. Nguồn kinh phí chính lấy từ việc bán đất nông nghiệp chuyển đổi của xã. Có đoạn mới hoàn thiện khoảng 40% khối lượng công trình, có đoạn chưa giải phóng được mặt bằng. Sở dĩ đoạn đường đang bị ngưng trệ ngoài việc chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng; chưa thanh toán tiền hỗ trợ đền bù GPMB cho người dân còn việc xã chưa có tiền thanh toán theo tiến trình hợp đồng cho nhà thầu.
Đường liên xã Hoằng Phúc - Hoằng Đạt - Hoằng Hà (Đoạn qua xã Hoằng Đạt)
Trả lời PV VNHN về vấn đề này, ông Lê Khắc Thắng – Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt gọi ông Lê Kim Thống là cán bộ địa chính xã sang ngồi cùng để cùng trả lời, ông Thắng cho biết: “Tôi đã hứa trước dân lúc nào tiền về ngân sách (tức tiền bán 26 lô đất ở Đồng Chiều – PV) tôi sẽ trả tiền ngay cho dân và dân đã đồng ý cho nợ”. Nhưng khi PV đề nghị cho xem quyết định của chính quyền về việc thu hồi đất, số hộ bị thu hồi, số diện tích, số tiền phải đền bù giải phóng mặt bằng và biên bản họp hội nghị được dân kí nhận cho xã nợ, ông Thắng cho ông Lê Kim Thống là cán bộ địa chính xã trả lời: “Chủ tịch xã đã hứa trước dân rồi, giấy kí nhận thì không có”. Ông Thắng khẳng định: “Trách nhiệm của tôi cao hơn giá trị văn bản đối với dân”. “Vì sao dân tin tôi vì tôi chưa biết ăn khượt”.
Chủ tịch xã Lê Khắc Thắng (áo sẫm màu) và ông Lê Kim Thống cán bộ địa chính xã
Vâng, dân ta ngàn đời nay sống được với nhau và tin nhau cũng từ chữ tín của những lời hứa. Lời hứa là giá trị mà trước kia người ta hay dùng thành ngữ “quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” như là thông điệp thay cho hợp đồng thời hiện đại, đồng thời thể hiện bậc quân tử có trách nhiệm với lời nói của mình, không nuốt lời dù bất cứ giá nào. Là dân, lúc nào họ cũng luôn mong ngóng những lời hứa của bậc quân tử đem lại cho họ lòng tin thay cho sự nhiệm màu một cách siêu hình của đấng tạo hóa. Nhưng rồi cũng chính những người dân chờ đợi những lời hứa đã phải thất vọng thở dài với những bậc quân tử hứa mà không bao giờ có sự ràng buộc về thời gian. Trong ngôn ngữ của bậc quân tử hứa thường chứa các cụm từ quen quen như: khi nào, chúng tôi sẽ, nếu có, nếu được, nếu không vì, xong việc, nếu còn, ngay sau khi, thời gian tới...
Cứ cho là UBND xã thu đủ tiền của 26 lô đất ở Đồng Chiều (giá lô cao nhất là 256 triệu và thấp nhất là 220 triệu) thì cũng được trên dưới 6 tỉ. Với số tiền trên, ngoài việc thanh toán tiền đền bù đất nông nghiệp thu hồi của dân, còn phải trả khoản tiền san lấp, cống thoát nước của 26 lô đất mất khoảng 2,6 tỉ cho chủ thầu thì còn đâu tiền để trả cho khoản đầu tư làm đường hơn 12 tỉ (?!).
Với khoản nợ đọng lớn như vậy, không biết rồi đây UBND xã Hoằng Đạt phải xoay xở như thế nào và phải thu hồi bán bao nhiêu đất nông nghiệp nữa mới hoàn thành những khoản nợ trên. Cũng với số nợ lớn như vậy, liệu rồi lời hứa bằng miệng của ông chủ tịch Thắng trước dân đến khi nào mới thành hiện thực?
Trên đây cũng là bài học cho những xã đang chạy nước rút thành tích về đích nông thôn mới cũng như xây dựng sự hào nhoáng nhất thời có tính chất nhiệm kì lưu ý về việc “dùng vốn tự có là đất nông nghiệp” để đổi lấy công trình khi không nắm rõ dòng tiền sẽ rơi vào bẫy nợ khó thoát ra, gây khó khăn không chỉ cho chính quyền và nhân dân trong xã mà còn khiến doanh nghiệp cũng bị mắc kẹt theo./.