03/05/2024 lúc 09:39 (GMT+7)
Breaking News

Quản lý và bảo vệ rừng: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

VNHN – Là doanh nghiệp Nhà nước làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng để bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, công tác này còn những hạn chế, bất cập cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.

VNHN – Là doanh nghiệp Nhà nước làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng để bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, công tác này còn những hạn chế, bất cập cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.

Rừng Hoành Bồ như “lá phổi xanh” của tỉnh Quảng Ninh

Hoành Bồ là huyện miền núi với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 80,6% diện tích đất tự nhiên, tài nguyên rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái.

Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ Quảng Ninh  được UBND tỉnh Quảng Ninh giao quản lý, sử dụng diện tích đất rừng là hơn 8.558 ha (chiếm trên 11% diện tích rừng huyện  Hoành Bồ), trong đó rừng phòng hộ hồ chứa nước Cao Vân trên 4.299 ha nằm tại xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ, rừng sản xuất hơn 4.258 ha nằm trên địa bàn xã Dương Huy (Tp Cẩm Phả), xã Sơn Dương, xã Đồng Lâm (Hoành Bồ).

Thời gian qua, ngoài nhiệm vụ chính là hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp như trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác chế biến gỗ, ươm tạo giống cây con, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước..., Công ty còn góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh quốc phòng

Hơn nữa, Công ty đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm cán bộ công nhân viên công ty và 100 hộ gia đình nhận khoán đất trồng rừng và người dân sống trên địa bàn. Ngoài ra mỗi năm tạo thêm cho khoảng 300 lượt lao động ở tỉnh ngoài. Đặc biệt, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, không còn sống du canh du cư.

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với đất lâm nghiệp được giao, Công ty quản lý sử dụng đất đúng mục đích, đảm bảo kế hoạch cũng như tiến độ cho từng loại đất. Phủ xanh cơ bản toàn bộ đất không có rừng, chất lượng rừng ngày một nâng cao, hệ số sử dụng đất được tăng lên, chọn được loài cây phù hợp, sử dụng đất hiệu quả.

Với diện tích 4.948 ha rừng phòng hộ và rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất, tuy Nhà nước không cấp đủ kinh phí để bảo vệ và phát triển rừng nhưng Công ty đã tự bỏ một phần kinh phí để khoanh nuôi bảo vệ tốt, nâng độ che phủ tại khu vực hồ Cao Vân lên trên 80%.

Tuy nhiên, song song với những chuyển biến nỗ lực ấy, hiện nay công tác quản lý và bảo vệ rừng của Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tại khu vực rừng phòng hộ hồ Cao Vân, xã Hòa Bình huyện Hoành Bồ nằm cao xa, giáp với vùng rừng sản xuất của xã Dương Huy (Cẩm Phả), trong những năm qua, nhất là năm 2012 người dân xã Dương Huy phát lấn chiếm rừng phòng hộ để trồng rừng. Người dân vi phạm ở một xã, chế tài xử lý thì lại ở  một xã khác do vậy công tác xử lý vi phạm rất khó khăn. Cần có quy chế phối hợp trong việc xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ rừng giữa hai chính quyền địa phương có đất rừng nằm sát nhau.

Tình trạng bị lấn chiếm đất rừng không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược sản xuất của công ty, diện tích đất rừng bị biến đổi, tác động, hiệu quả sản xuất không cao.

Đặc biệt những năm gần đây, do số lượng đàn trâu bò của người dân tăng nhanh, cùng với việc thả rông trâu bò không chăn dắt, dẫn đến việc trâu bò vào khu vực rừng non phá hoại, điển hình như năm 2017 trâu bò vào ăn dẫm đạp hỏng mất 39,5 ha, thiệt hại 750 triệu đồng.

Nạn thả rông trâu bò diễn biến rất phức tạp

Trước tình trạng trên, Công ty phải đầu tư hàng rào bằng dây thép gai, rào ba dây xung quanh quanh hiện trường trồng rừng, mỗi ha bình quân chi phí trên 3 triệu đồng. Tệ nạn trâu bò thả rông đã làm cho Công ty mỗi năm phải chi thêm cho công tác trồng rừng trên một tỷ đồng. Hơn nữa, người dân có trâu bò còn đe dọa lực lượng bảo vệ, đốt rừng, cắt trộm hàng rào để trâu bò vào ăn phá hoại. Vì thế dù đã đầu tư hàng rào, cùng người bảo vệ song ý thức của người có trâu bò và chế tài xử phạt không  đủ sức răn đe. Năm 2018 diện tích rừng trồng vẫn bị thiệt hại 19,4 ha, đặc biệt năm 2019 rừng trồng thay thế trên đất rừng phòng hộ đã bị trâu, bò ăn phá hàng vạn cây mới trồng.

Công ty rất tích cực dùng mọi biện pháp trong công tác bảo vệ rừng

Công ty đã báo cáo nhiều lần về tình trạng trên với chính quyền, tuy nhiên theo Nghị định 157, Công ty không được xử phạt mà phải UBND xã hoặc Hạt kiểm lâm huyện, vì thế khi bắt được trâu bò phá hoại, việc xử phạt và công tác bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn.

Phải khẳng định rằng, rừng ngoài mục đích phát triển kinh tế  song quan trọng hơn cả rừng đã trao tặng con người cả một nguồn tài sản vô giá bất tận, là sự ưu đãi của thiên nhiên đối với loài người. Ngày nay, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng là quốc sách, là vấn đề bức thiết của cả thế giới. Bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Bảo vệ và phát triển rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Vì thế, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đề nghị các cấp có thẩm quyền cần quyết liệt hơn nữa, đưa ra chế tài xử phạt đủ tính răn đe, ví như người dân cắt hàng rào, làm cháy rừng, phá rừng phải xử nghiêm như các vụ án hình sự, giao quyền xử lý cho chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nhà nước cần cấp đủ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất và chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng đang có./.