09/11/2024 lúc 01:00 (GMT+7)
Breaking News

Quản lý thuế trong nền kinh tế số

VNHN - Tại hội thảo “Quản lý thuế trong nền kinh tế số” do Tổng Cục thuế tổ chức ngày 8/5 vừa qua, đa số các đơn vị, cơ quan đều đồng nhất quan điểm sẽ thu thuế đối với các doanh nghiệp số xuyên biên giới.

VNHN - Tại hội thảo “Quản lý thuế trong nền kinh tế số” do Tổng Cục thuế tổ chức ngày 8/5 vừa qua, đa số các đơn vị, cơ quan đều đồng nhất quan điểm sẽ thu thuế đối với các doanh nghiệp số xuyên biên giới.

Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế thương mại điện tử, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới thì cần phải có các quy định cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.

Ảnh minh họa - Internet

Bất cập quản lý thu thuế giao dịch TMĐT xuyên biên giới

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng Cục Thuế, quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới hiện nay vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube...

Các doanh nghiệp này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ đồng, các cá nhân thu nhập hàng chục tỷ đồng. Các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế, còn lại là các nhà thầu nước ngoài và nhiều cá nhân phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế.

Lãnh đạo Vụ Chính sách (Tổng Cục thuế) cũng cho biết, rất khó quản lý hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trên website và các trang mạng xã hội vì tổ chức, cá nhân sử dụng website, mạng xã hội quảng bá sản phẩm nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu, kinh doanh thu tiền mặt hoặc giao hàng thu hộ,… Các đơn vị cho thuê máy chủ chưa hợp tác đầy đủ với cơ quan thuế trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về các doanh nghiệp vận hành website.

Đối với loại hình quảng cáo trực tuyến bằng Google, Facebook, nhiều tổ chức cá nhân chưa kê khai, nộp thay thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập phát sinh của Google và Facebook tại Việt Nam.

Là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số tham gia hội thảo này, đại diện công ty VNG cho biết, các doanh nghiệp trong nước như VNG đang gặp một số thiệt thòi trong việc phát triển và kinh doanh ngay trên đất nước mình.

Mặc dù Luật thuế có quy định thuế GTGT được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng; nhưng trên lĩnh vực dịch vụ, nội dung số, trên thực tế chỉ có doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ và nộp thuế GTGT đầy đủ, do chưa có cơ chế hiệu quả nên các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ, nội dung số xuyên biên giới chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế GTGT.

“Chúng ta không đặt vấn đề doanh nghiệp xuyên biên giới có mang lại lợi ích hay không, vì tất nhiên phát triển mạnh đến mức này thì họ phải tạo ra giá trị. Nhiều nước như Pháp, Australia, Singapore đã xây dựng văn bản luật pháp cho phép thu được thuế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xuyên biên giới trên lãnh thổ nước họ thì Việt Nam cũng cần căn cứ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế hay để áp dụng”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

Hiện nay, hệ thống thuế của Việt Nam có quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu, tiêu dùng dịch vụ phải khấu trừ, nộp thuế thay cho doanh nghiệp nước ngoài – gọi là thuế nhà thầu nước ngoài (NTNN). Tuy nhiên, rất khó xác định doanh thu và thu thuế người tiêu dùng dịch vụ, nội dung số, vì phần lớn là cá nhân và công ty nhỏ lẻ, khả năng thu thuế phụ thuộc nhiều vào sự tự giác của người nộp thuế là người tiêu dùng cuối cùng, vốn không hiểu biết về quy định thuế này nên khả năng tự giác nộp thuế là rất thấp. 

Thứ hai, quy định về cách tính thuế GTGT trong thuế NTNN đã vô tình tạo sự không công bằng về thuế suất khi quy định tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với dịch vụ của NTNN là 5%, trong khi thuế suất tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp trong nước là 10%.

Với cách tính này, đại diện VNG cho biết, cơ quan thuế Việt Nam muốn tạo công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ thông thường khác, phải tiến hành một số hoạt động nhất định tại Việt Nam, phát sinh chi phí và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ, nội dung số xuyên biên giới. Lý do là các doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ, nội dung số xuyên biên giới hoàn toàn không phải tiến hành hoạt động tại Việt Nam, không phát sinh bất kỳ chi phí và thuế GTGT đầu vào nào tại Việt Nam; toàn bộ thuế GTGT đầu vào đều phát sinh tại nước ngoài và đã được khấu trừ toàn bộ tại quốc gia của mình.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình (Bộ TT&TT) cũng nhận định, nếu chỉ thu thuế của doanh nghiệp trong nước (phải nộp thuế GTGT, thuế nhà thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp…), không thu được doanh nghiệp xuyên biên giới thì lại thành tình trạng “bảo hộ ngược”, tức là các doanh nghiệp trong nước phải chịu nhiều quy định bất công hơn hẳn so với doanh nghiệp xuyên biên giới. 

Kinh nghiệm của thế giới

Cũng tại Hội thảo, đai diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ, để thu thuế đối với các hàng hóa, dịch vụ số cung cấp xuyên biên giới, các nước G20 và OECD đã đưa ra một số nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, t hế GTGT là thuế tiêu dùng nên cơ sở thuế để xem xét là người dùng ở đâu thì thu thuế ở đó. Nếu người dùng ở Việt Nam thì cơ sở thuế phải ở Việt Nam. Chính sách là rất rõ ràng, giờ cần thúc đẩy các giải pháp để thu được thuế trên cơ sở đó. 

Thứ hai, phải đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp số xuyên biên giới và doanh nghiệp truyền thống.

Thứ ba, quy định về sự hiện diện thực tế/văn phòng thường trú đã nhiều năm nên không theo kịp thực tế kinh tế số hiện nay và tồn tại những lỗ hổng rất lớn, điều này dẫn tới sự dàn xếp có chủ ý của các doanh nghiệp đa quốc gia để tránh cơ sở thường trú. Họ cố ý tách nơi tạo ra giá trị với nơi ghi nhận giá trị để trốn thuế. Rất nhiều nước đã nhận thấy kẽ hở này và đã đồng thuận quốc tế để điều chỉnh lại luật thuế, chống xói mòn thuế ngày càng cao. 

Với những nhận định trên, các giải pháp mà Ngân hàng Thế giới đề xuất là cơ quan thuế nên đơn giản hóa việc kê khai, đăng ký, nộp thuế trực tuyến, tạo cổng thông tin trực tuyến để các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài dễ dàng kê khai, đăng ký và nộp thuế thay cho người dùng, cũng chính là khách hàng. Đây là việc mà nhiều nước đã áp dụng và cũng là định hướng mà Việt Nam đang hướng tới. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đơn vị này sẽ cam kết đồng hành cùng các ngành khác để có cơ chế thu thuế hiệu quả, đảm bảo công bằng, bình đẳng mà không cản trở kinh tế số phát triển. Tuy nhiên về lâu dài, nên cân nhắc nghiên cứu, ban hành các luật mới về kinh tế số, chẳng hạn như một số nước châu Âu ban hành Luật Gafa để quản lý tốt hơn những doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple. 

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) dự kiến có hiệu lực thi hành 1/7/2020, trong đó có bổ sung các nội dung liên quan quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động thương mại điện tử thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Ngoài ra, để quản lý thu thuế hiệu quả thì ngoài việc thực hiện quy định của pháp luật về thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng bổ sung quy định trách nhiệm rất rõ của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan./.