24/11/2024 lúc 06:44 (GMT+7)
Breaking News

Quản lý thuế đối với thương mại điện tử - Nhìn từ kinh nghiệm của thế giới

VNHN-Thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ tại tất cả các quốc gia. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với công tác quản lý thuế khi vừa phải khuyến khích thương mại phát triển, vừa chống thất thu thuế và đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước. Việt Nam cũng trong bối cảnh có thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động này đặt ra cấp thiết. Kinh nghiệm quản lý thuế đối với thương mại điện

VNHN-Thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ tại tất cả các quốc gia. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với công tác quản lý thuế khi vừa phải khuyến khích thương mại phát triển, vừa chống thất thu thuế và đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước. Việt Nam cũng trong bối cảnh có thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động này đặt ra cấp thiết. Kinh nghiệm quản lý thuế đối với thương mại điện tử của các quốc gia trên thế giới là những bài học quý cho Việt Nam.

Ảnh minh họa

Vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) được Uỷ ban Tài chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra tại Hội nghị Ottawa tháng 10/1998 với chủ đề "Một thế giới không biên giới - hiện thực hoá tiềm năng TMĐT".

Trong đó, khung quản lý thuế bao gồm: (i) Dịch vụ đối tượng nộp thuế (Cơ quan thuế cần tận dụng các công nghệ hiện có và kiểm soát sự phát triển của thương mại trong hệ thống quản lý hành chính của mình để phục vụ người nộp thuế); (ii) Các nhu cầu quản lý hành chính thuế, nhận dạng và thông tin (Cơ quan thuế cần duy trì khả năng của mình để đảm bảo tiếp cận các thông tin đáng tin cậy và có thể xác minh được để xác định được người nộp thuế và có được các thông tin cần thiết để quản lý hệ thống thuế); (iii) Thu thuế và kiểm soát (Các quốc gia cần đảm bảo rằng có được các hệ thống thích hợp để kiểm soát và thu thuế).

Ở Việt Nam, trong những năm qua, TMĐT đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực TMĐT của Việt Nam rất lớn.

Đến cuối năm 2016, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam khoảng 4 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD (Trần Anh Thư, Lương Thị Minh Phương, 2018).

Với khoảng 200 nghìn doanh nghiệp (DN) đang có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, trong thời gian tới giao dịch trực tuyến sẽ tăng cao cả số lượng giao dịch cũng như giá trị giao dịch. Việc thu thuế đối với TMĐT là việc làm rất quan trọng, vừa có tác động lớn tới sự phát triển, vừa mang lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Công tác quản lý thuế TMĐT tại Việt Nam những năm qua đã đạt được một số các thành tựu theo cách tiếp cận về Khung quản lý thuế TMĐT do OECD đề xuất.

Ngành Thuế đã có những bước tiến đáng kể trong vận dụng các tiến bộ của công nghệ tin học phục vụ người nộp thuế như hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn hoá trong toàn ngành thuế để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế; thành lập và phát triển được trang thông tin (Website) chung của ngành Thuế và tại một số cục thuế địa phương cũng đã có các trang thông tin riêng của mình để cung cấp thông tin về văn bản pháp luật về thuế và quản lý thuế; cung cấp phần mềm hỗ trợ để người nộp thuế kê khai thuế...

Về quản lý thuế, các quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 sau đó đã được sửa đổi và bổ sung tại Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, ngày 16/5/2013 (ngoài ra còn có Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay khung pháp lý chưa có quy định rõ về cách thức kiểm chứng tính chân thực của chữ ký số cũng như tính toàn vẹn của chứng từ điện tử dưới góc độ người sử dụng cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp hình thành và tạo lập ra các giao dịch điện tử phải đảm bảo việc duy trì “dấu vết” từ khi bắt đầu đến khi kết thúc một giao dịch hay một bản ghi.

Đối với hoạt động thu thuế, hiện nay, các loại thuế mà các DN TMĐT phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước bao gồm: thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các loại thuế đặc thù khác.

Tuy nhiên, quy định pháp luật về các loại thuế trên cũng chưa có quy định cụ thể nào về thuế đối với hoạt động TMĐT. Điều này đồng nghĩa với việc, không có sự phân biệt nào giữa hoạt động TMĐT với thương mại truyền thống.

Đóng góp của TMĐT cho NSNN vẫn rất hạn chế. Nguyên nhân là do hoạt động TMĐT rất đa dạng và phong phú, phạm vi kinh doanh rộng. Trong khi đó, hiện nay nhiều công ty vận hành mạng nước ngoài không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Hơn nữa việc cấp giấy phép kinh doanh cho các DN kinh doanh TMĐT còn vướng mắc vì một số loại hình TMĐT chưa có trong danh sách các loại hình được phép kinh doanh.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng gây ra khó khăn cho việc thu thuế là TMĐT tại Việt Nam vẫn đang sử dụng hoá đơn giấy là chủ yếu, chiếm 91,8% tổng số các giao dịch cùng sự phức tạp của hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trực tuyến; nhiều giao dịch nhỏ lẻ bằng tiền mặt nên khó khăn trong việc quản lý (Lê Trà, 2018).

Quản lý thuế đối với thương mại điện tử ở một số nước

Một số nước EU

Nhìn chung, luật về thuế đối với hoạt động TMĐT tại các nước EU tuân thủ các quy định của OECD. Các cơ quan thuế của nhà nước tập trung vào việc xác định đối tượng chịu thuế, giá trị giao dịch để xác định giá trị số thuế phải đóng cho NSNN.

Để chọn lọc các website của người nộp thuế không tuân thủ, cơ quan thuế của một số nước EU thực hiện đối chiếu thông tin có nguồn từ Internet với thông tin khai thác từ cơ sở dữ liệu nội bộ gồm thông tin trên tờ khai thuế GTGT, thuế TNDN và thuế xuất, nhập khẩu để từ đó lập hồ sơ phân tích rủi ro về người nộp thuế.

Tại Đức, Pháp và Hà Lan đã xây dựng các công cụ tìm kiếm thông minh trên mạng Internet, từ đó phân loại hoạt động giữa tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên mạng Internet nhưng không kê khai, nộp thuế.

Đức sử dụng công cụ Xpider để phát hiện các webiste của các tổ chức, cá nhân của Đức có hoạt động kinh doanh TMĐT; nhận diện các hoạt động TMĐT chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế; thu thập và lưu trữ thông tin để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Pháp sử dụng các công cụ Copernic Agent, Metacrwaler, web srcap để tìm kiếm, thu thập thông tin từ website, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để phục vụ thanh tra máy tính.

Công cụ tìm kiếm sẽ tự động phân loại thông tin theo từng mục như ngôn ngữ, đơn vị tiền tệ, mục tiêu kinh doanh, địa chỉ văn phòng, địa chỉ liên lạc, kết nối viễn thông, dữ liệu nhà cung cấp, banner quảng cáo. Quá trình tìm kiếm được tự động hóa, đồng bộ với các địa chỉ liên kết mạng và các trang web với dữ liệu kinh doanh đã được đăng ký thuế.

Cơ quan thuế của một số nước như Áo, Pháp, Đức, Italia và Thụy Điển đã thành lập các nhóm điều tra đặc biệt để giám rủi ro liên quan đến mạng Internet. Ví dụ, tại Áo, một Trung tâm điều tra (Kompetenzzentrum Internet und Cybercime) được thành lập để thu thập thông tin về giao dịch TMĐT toàn cầu.

Nhật Bản

Theo đánh giá của Cơ quan Thuế Nhật Bản, các giao dịch TMĐT dù được thực hiện một phần hay toàn bộ qua mạng internet thì đều có những đặc điểm như tính nặc danh cao, dễ dàng thực hiện, phạm vi rộng, dữ liệu được mã hóa dưới định dạng số và được bảo mật… Để xử lý các vấn đề này, cơ quan Thuế Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp như sau:

- Yêu cầu các ngân hàng cung cấp các số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT.

- Thực hiện mua sắm thử để nhận email từ người bán và để nhận diện nhà cung cấp dịch vụ TMĐT.

- Sử dụng phần mềm khôi phục dữ liệu để khôi phục lại dữ liệu trên các thiết bị từ tính hoặc các đĩa cứng của các máy tính cá nhân nhằm nhận diện và khôi phục dữ liệu để tính các khoản thu nhập và để chuẩn bị trong trường hợp khiếu kiện sau này.

- Thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin, cán bộ thanh tra, kiểm tra có kinh nghiệm được luân chuyển từ các cục thuế vùng và chi cục thuế.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thu thập từ các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT… kể cả các nhà cung cấp dịch vụ đấu giá qua mạng internet và nhà cung cấp dịch vụ là các thành viên nhằm mục đích nhận diện các đối tượng tham gia vào giao dịch điện tử.

- Phát triển hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang web nhằm nhận diện những người nộp thuế không rõ ràng.

- Định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn cho các kiểm tra viên cao cấp (công nghệ thông tin) của các cơ quan thuế nắm vững các kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng phần mềm thương mại, nắm bắt tổng quan về hệ thống thông tin và kiến thức cơ bản về mạng, phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu các công ty.

Hàn Quốc

Tại cơ quan Thuế Hàn Quốc có Phòng quản lý thuế đối với TMĐT. Bộ phận này có nhiệm vụ phân tích xu hướng của các ngành nghề liên quan đến TMĐT và các nghi vấn về trốn thuế; thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau như từ Tổng cục thống kê Hàn Quốc, báo cáo của Hiệp hội quản lý gian hàng trực tuyến tại Hàn Quốc và từ hoạt động của các thành viên trong Hiệp hội và các thông tin thu thập trực tiếp từ các trang web bán hàng của DN… Cơ quan Thuế Hàn Quốc đã phát hiện rất nhiều DN TMĐT kê khai sai doanh thu khi khai tờ khai thuế bằng cách kiểm tra số tài khoản được công bố trên trang web hoặc thực hiện một đơn đặt hàng giả, sau đó tiến hành xác minh giao dịch tài chính.

Trung Quốc

Cơ quan Thuế Trung Quốc đã xây dựng các ứng dụng hỗ trợ thanh tra máy tính trên các phần mềm HugeSearch để tìm kiếm văn bản; Access và Excel để trích xuất dữ liệu và phân tích; Bcp Utility để sao chép dữ liệu; PC Toolss để phân tích dữ liệu trên đĩa; Ghost để truy cập hình ảnh từ đĩa CD; PowerIP để phân tích hệ thống; Easy Recovery để khôi phục dữ liệu; PL/SQL để tải dữ liệu; Ứng dụng phần mềm trong thanh tra: Lựa chọn hồ sơ thanh tra theo tiêu thức định sẵn (gồm các lệnh như tính tỷ suất, so sánh với mức trung bình, lọc doanh thu, số thuế phải nộp, số thuế còn nợ…); ứng dụng chiết xuất dữ liệu điện tử của đối tượng nộp thuế và chuyển đổi vào ứng dụng dựa trên công cụ Access và Excel để phân tích, đối chiếu…

Thái Lan

Tại Thái Lan, có khoảng 300.000 DN kinh doanh trực tuyến đăng ký với Cục TMĐT của Thái Lan. Tuy nhiên, chỉ có 2.000 DN thực hiện đăng ký kê khai thuế.

Kể từ ngày 01/5/0217, Thái Lan áp dụng gửi hóa đơn điện tử qua email cho các công ty có doanh thu hàng năm dưới 30 triệu baht (khoảng 900 nghìn USD) để hỗ trợ các DN TMĐT vừa và nhỏ xử lý thuế GTGT. Đối với DN lớn, hệ thống tạo lập hóa đơn điện tử đầy đủ sẽ sớm được triển khai để thay thế hóa đơn giấy.

Một số bài học kinh nghiệm với Việt Nam

Việc xây dựng, ban hành chính sách và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại mỗi nước phụ thuộc vào mục tiêu, trình độ quản lý và mức độ phát triển của TMĐT.

Tuy nhiên, các nước đều có nhận định chung là TMĐT đặt ra rất nhiều vấn đề và thách thức đối với cơ quan thuế cả về chính sách thuế và quản lý thuế. Thực tiễn tại Việt Nam đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp về chính sách và quản lý thuế phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với hoạt động này.

Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý chung về TMĐT, đặc biệt là đối với các hình thức kinh doanh mới như tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo, các mô hình kinh tế chia sẻ đảm bảo việc triển khai đồng bộ, nhất quán, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng.

Theo đó, cần sửa đổi Luật Quản lý thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến quản lý thuế điện tử; quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, bao gồm quy định cơ quan thuế phải xây dựng được “Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử” với vai trò tiếp nhận, kiểm soát hồ sơ thuế  và kiểm tra tự động, trả thông báo tự động cho người nộp thuế.

Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi xây dựng cần chú ý đến các thông lệ quốc tế (hiện nay vẫn theo các quy định của OECD) nhất là trong hoạt động với các cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Thứ hai, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của bộ máy cơ quan quản lý thuế (nhất là đối với TMĐT); đảm bảo phân bổ nguồn lực tối ưu hơn để nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế trong lĩnh vực TMĐT. Có thể nghiên cứu thành lập một đơn vị chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn các kỹ năng khai thác, tìm kiếm, truy tìm và thu thập thông tin trên mạng Internet nhằm nhận diện người nộp thuế không tuân thủ, thu thập thông tin trực tiếp phục vụ thanh tra, kiểm tra người nộp thuế; Tổ chức tập huấn, đào tạo về các hình thức kinh doanh TMĐT, các kỹ năng đặc biệt cho cán bộ các kỹ năng thanh tra, kiểm tra máy tính, phương pháp thu thập, truy lần dấu vết giao dịch, phân tích và khôi phục dữ liệu kinh doanh của DN.

Thứ ba, áp dụng nhiều hơn khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý thuế TMĐT. Nghiên cứu, phát triển công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin cần thiết để xử lý các nhóm rủi ro khác nhau.

Đối với thông tin cơ bản về xu hướng giao dịch TMĐT, cơ quan thuế có thể thu thập từ các công ty chuyên cung cấp dữ liệu, chính phủ và các tổ chức thương mại, tổ chức thống kê quốc gia, và đăng ký trực tuyến vào các trang tin về TMĐT.

Cần áp dụng một số phương pháp thu thập thông tin cụ thể như tìm kiếm trên các trang tin trực tuyến về quảng cáo và đường link có chứa các chỉ dẫn về các hoạt động kinh tế và liên kết trực tiếp với thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, xây dựng kho dữ liệu (Big Data) của cơ quan thuế trên cơ sở kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng, tích hợp thông tin từ các trang mạng xã hội, các website bán hàng, các sàn giao dịch trực tuyến để đảm bảo có đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý.

Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cũng rất cần thiết, trước hết cần tập trung vào nhóm DN vừa và nhỏ là nhóm người nộp thuế có rủi ro cao về thuế, một mặt nhằm tăng cường kiểm soát đối với nhóm DN này, mặt khác, hỗ trợ để nhóm DN này chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Thứ tư, cơ quan thuế tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Cụ thể, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT mở tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, các tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông... có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển của tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT... nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT. Đồng thời, cần kết hợp với hệ thống ngân hàng thương mại để thanh tra, kiểm tra các DN có dấu hiệu trốn thuế, thông qua việc kiểm soát dòng tiền của các DN.

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2013), Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, ngày 16/5/2013;

Sông Hàn (2018), Giải "bài toán" quản lý thương mại điện tử thời 4.0,

Báo Diễn đàn doanh nghiệp (tháng 5/2018);

Lê Thị Thùy Linh (2018), Quản lý thuế đối với thương mại điện tử

tại Việt Nam, Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính (tháng 4/2018);

Trần Anh Thư, Lương Thị Minh Phương (2018), Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số, Tạp chí Tài chính (tháng 4/2018);

Lê Hồng Hải (2008), Thuế đối với thương mại điện tử ở Việt Nam

- Thực trạng và giải pháp;

6. OECD (2001), Taxation and Electronic Commerce Implementing The Ottawa Taxation Framework Conditions.

TS. Lê Quang Thuận, ThS. Trần Thị Hà