21/12/2024 lúc 22:41 (GMT+7)
Breaking News

Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Phương pháp cách mạng là một bộ phận quan trọng trong di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, dân tộc và Nhân dân ta. Quá trình vạch đường, chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã hình thành trong Hồ Chí Minh một phương pháp cách mạng thích hợp, đầy tính sáng tạo và nhạy bén. Bài viết tập trung làm rõ phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Tóm tắt:

Phương pháp cách mạng là một bộ phận quan trọng trong di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, dân tộc và Nhân dân ta. Quá trình vạch đường, chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã hình thành trong Hồ Chí Minh một phương pháp cách mạng thích hợp, đầy tính sáng tạo và nhạy bén. Bài viết tập trung làm rõ phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Từ khoá: Phương pháp cách mạng; Hồ Chí Minh; Đảng Cộng sản Việt Nam; vận dụng.

Đặt vấn đề

Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là hệ thống các cách thức, biện pháp, quy trình hợp thành, nhằm điều chỉnh và hướng dẫn hành động của các lực lượng cách mạng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đứng trước những thách thức lớn, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phương pháp Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện phương pháp, phong cách của cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là việc làm thật sự cần thiết.

Nội dung:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nêu ra một định nghĩa cụ thể nào về phương pháp cách mạng, nhưng trong nhiều bài nói, bài viết, trong tư tưởng của Người đã chỉ ra cách lãnh đạo, cách tổ chức, cách làm, cách học, cách vận động dân chúng cũng như cách thuyết phục kẻ thù, hay cách công, cách thủ khi đánh giặc, cách xây dựng đất nước cũng như cách bảo vệ Tổ quốc. Phương pháp cách mạng của Người được thể hiện trên một số phương pháp cách mạng cụ thể sau:

Thứ nhất, phương pháp xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của cách mạng

Để xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, trong phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh phải xuất phát từ hiện thực xã hội Việt Nam; phải nắm vững quy luật phát triển của xã hội, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ theo xu hướng vận động của lịch sử. Hồ Chí Minh thường căn dặn những người cách mạng ở cương vị lãnh đạo hay thừa hành, trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn cân đối. Không được đem chủ quan mình thay cho điều kiện thực tế. Có như thế mới định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể, thích hợp với tình hình đất nước. Thực tế cho thấy, chính xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, một nước thuộc địa phong kiến mà trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh kiên trì tư tưởng giải phóng dân tộc lên trên vấn đề giai cấp. Khi đất nước mới bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đặc biệt coi trọng việc học tập kinh nghiệm quý báu của các nước anh em. Mặt khác, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và Nhà nước... Muốn làm được điều đó, Hồ Chí Minh yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc: “dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể”[1] của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”.

Thứ hai, phương pháp xác định lực lượng và tổ chức lực lượng cách mạng

Người cho rằng: “Cách mạng là việc chung của cả dân chúng, chứ không phải là việc của một hai người”[2]. Người đặt câu hỏi: “Ai là những người cách mệnh?” và trả lời: “Công nông là gốc cách mệnh, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông”[3]. Quan điểm Hồ Chí Minh về lực lượng cách mạng không chỉ đúng trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà trở thành nguyên tắc nhất quán khi đất nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Câu hỏi: “Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội?” đã được Người giải đáp rành mạch: “Nói chung là những người lao động trong xã hội. Gồm công nhân, nông dân, trí thức... Nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân”[4].

Quan điểm đó đã đúng cả trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cả trong công cuộc xây dựng đất nước. Theo Hồ Chí Minh, dân vừa là gốc vừa là chủ cách mạng, dân là lực lượng trong phương pháp lại là người sáng tạo ra các phương pháp thích hợp. Hồ Chí Minh khẳng định: “Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong, dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”[5].

Thứ ba, phương pháp dĩ bất biến, ứng vạn biến

Đây là một phương pháp cách mạng được Hồ Chí Minh quán triệt trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng thời Người cũng yêu cầu những người cách mạng Việt Nam cần nhận thức đúng và vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn. Theo Bác Hồ thì cái bất biến là độc lập thống nhất của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Vậy nên dù có gian khổ hi sinh trong đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao ở trong hay ngoài nước thì không bao giờ được từ bỏ mục tiêu ấy. Với Hồ Chí Minh thì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là “ham muốn tột bậc” của Người. Do vậy, trước mọi diễn biến thù địch, Người đều có phương pháp hành động sao cho bảo toàn trọn vẹn các giá trị trên. Khi thời cơ đến, Bác kêu gọi “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được tự do độc lập”. Cái bất biến ấy khẳng định quyết tâm của dân tộc Việt Nam: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do.[6]. Thực tiễn cách mạng đòi hỏi “ứng vạn biến” mà không xa rời lệch hướng, không được từ bỏ cái “bất biến”. Đó là phép biện chứng trong phương pháp Hồ Chí Minh. Chính đời hoạt động của Bác Hồ là một hình mẫu về xử lý các mối quan hệ giữa tính kiên định về nguyên tắc và tính linh hoạt, mềm dẻo về chiến thuật; hài hòa giữa mục tiêu lâu dài và mục tiêu trước mắt.

Có thể thấy, trong từng giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh đề ra sách lược, bước đi phù hợp, phương pháp đấu tranh đầy sáng tạo đưa cách mạng nước ta vượt qua khó khăn thử thách giành thắng lợi từng bước.

2. Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước hiện nay

Hiện nay tình hình thế giới có nhiều biến động. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; chiến tranh khu vực và xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra quyết liệt dưới nhiều hình thức...tất cả những yếu tố bất lợi đó gây bất ổn về chính trị và tác động bất lợi đối với môi trường phát triển kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Cùng với những nhân tố thuận lợi, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn còn và có mặt còn gay gắt hơn, thể hiện: “Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết đối với nước ta”[7].

Trước tình hình và bối cảnh nêu trên, trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII (2021) Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiệu trọng tâm để phát triển đất nước hiện nay: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8]. Đảng khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên cường đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[9] và “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”[10]. Đây là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn mới.

Thứ hai, Đảng xác định rõ lực lượng cách mạng trong công cuộc đổi mới

Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định lực lượng cách mạng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là tất cả các giai tầng trong xã hội, trong đó, khẳng định địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới chính là thực hiện đúng đắn với sự chỉ dẫn về xác định lực lượng cách mạng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Từ thực tiễn đổi mới đất nước, Đảng ta xác định lực lượng cách mạng chính là Nhân dân, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, nên mọi hoạt động của mình Đảng ta đều quán triệt “lấy dân làm gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, phải dựa vào dân, mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính thành tựu nước ta đạt được qua gần 40 năm đổi mới đất nước, khẳng định được tiềm lực, uy tín vị thế quốc tế như ngày nay cũng chính là cũng chính là nhờ Đảng ta biết phát huy nguồn lực và sức mạnh to lớn từ trong nhân dân, sức mạnh của các giai tầng trong xã hội, đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ ba, Đảng luôn quán triệt phương pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tranh thủ mọi thời cơ  trong mọi hoàn cảnh để giữ vững độc lập dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá đất nước

Những thành tựu của công cuộc đổi mới mà Đảng và nhân dân Việt Nam đạt được đã khẳng định sự vận dụng sáng tạo phương pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” Hồ Chí Minh của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ. Để tiếp tục đạt được những thắng lợi to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước cần quán triệt hơn nữa phương pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” Hồ Chí Minh theo những nguyên tắc: biết mình, biết người, biết thời, công việc thành công; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Điều này cũng góp phần bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, nhằm ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại âm mưu “chiến thắng không cần chiến tranh” của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[11]. Hồ Chí Minh chỉ rõ “xây” phải đi đôi với “chống”, trong đó “xây” là chính. Vì vậy, không chỉ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn cả phương pháp luận của Người chính là một trong những giải pháp hữu hiệu cho việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 18/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đảm bảo tính bất biến trước muôn vàn khả biến trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Thực hiện đúng những nguyên tắc trên là cơ sở, là nền tảng để sự nghiệp đổi mới của nước ta đạt đến mục tiêu mang lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân.

Kết luận

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc nghiên cứu nắm vững phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề rất cần thiết, có ý nghĩa quyết định để Đảng tiếp tục hoạch định đường lối đổi mới đúng đắn, chủ trương, biện pháp, bước đi thích hợp đưa đất nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì thế, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: đất nước ta “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[12]./.

ThS. Lê Hiền Anh

Học viện Chính trị Khu vực I

Tài liệu tham khảo: 

  1. Hồ Chí Minh Toàn tập (2021), Nxb.CTQG, HN, tập 2,3,4,5,15.

2. ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG ST, HN.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.92

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (2021), Nxb.CTQG, HN, T.2, tr.283.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập (2021), Nxb.CTQG, HN, T.2, tr.288, 282.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập (2021), Nxb.CTQG, HN, T.15, tr.679.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập (2021), Nxb.CTQG, HN, T.5, tr.335.

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập (2021), Nxb.CTQG, HN, T.15, tr.131.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T1, Nxb CTQG ST, HN, tr.108.

[8] ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, TI, Nxb CTQG ST, HN, tr.111.

[9] ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, TI, Nxb CTQG ST, HN, tr.33.

[10] ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, TI, Nxb CTQG ST, HN, tr.34.

[11] ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T1, Nxb CTQG ST, HN, tr.183.

[12] ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Nxb CTQG ST, HN, t.1, tr. 25.

...