28/01/2025 lúc 02:09 (GMT+7)
Breaking News

Phú Quốc hướng tới phát triển nhanh, bền vững, sinh thái

Sau khi khảo sát tình hình thực tế, chiều 30/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Phú Quốc về tình hình phát triển thành phố và giải quyết các đề xuất để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững.

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Trước đó, trong buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc, dâng hương tại Đền tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Phú Quốc (ở phường Dương Đông) và tiến hành khảo sát 8 địa điểm tại Phú Quốc: Công trường xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự án đầu tư xây dựng Cảng biển hành khách Quốc tế Phú Quốc; Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc; Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc; Trung tâm y tế Phú Quốc; trường Trung cấp nghiệp vụ du lịch, khách sạn EHL - Phú Quốc; địa điểm dự định xây dựng Nhà máy xử lý rác Phú Quốc tại xã Cửa Dương; hồ chứa nước ngọt Dương Đông.

Các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành đã phát biểu, đánh giá tình hình phát triển, gợi ý một số định hướng và phản hồi các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc liên quan phát triển hàng không, giao thông vận tải, tổ chức cán bộ, phát triển du lịch, cho thuê môi trường rừng…

Thành phố Phú Quốc nằm trong Vịnh Thái Lan, diện tích tự nhiên 593 km2, gồm 2 phường và 7 xã. Thành phố có hơn 40 hòn đảo, trong đó Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của nước ta. Dân số Phú Quốc hiện có khoảng 150 nghìn người.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và lãnh đạo thành phố Phú Quốc

Theo báo cáo, năm 2023, giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp- thủy sản của Phú Quốc đạt 4.530 tỷ đồng, đạt 102,95% so kế hoạch; giá trị công nghiệp- xây dựng 21.077 tỷ đồng, đạt 99,39% so kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 34.892 tỷ đồng, đạt 119,82% kế hoạch. Thu hút được 2,84 triệu lượt khách, đạt 113,68% so kế hoạch, tăng 23,03% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế là 287.410 lượt khách, đạt 57,48% so kế hoạch, tăng 43,57% so với cùng kỳ); thu ngân sách 7.812 tỷ đồng, tăng 44,54% so cùng kỳ.

Phú Quốc có 322 dự án đầu tư đang triển khai, diện tích 10.676 ha, trong đó, có 52 dự án được đưa vào hoạt động với diện tích 1.182 ha, tổng vốn đầu tư 17.389 tỷ đồng; 78 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 4.367 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 198.308 tỷ đồng; có 181 dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 168.092 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quản lý, sử dụng đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, tài nguyên khoáng sản, tội phạm, tệ nạn xã hội, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết khiếu nại tại Phú Quốc còn những tồn tại, hạn chế.

Kinh tế có tăng trưởng cao nhưng ở một số lĩnh vực chưa đồng bộ, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa hoàn chỉnh, đồng bộ như đường, nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, giáo dục, y tế…

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để ban hành Thông báo kết luận về cuộc làm việc.

Thủ tướng nhấn mạnh Phú Quốc có vị trí chiến lược, nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh về phát triển dịch vụ, du lịch so với nhiều địa phương khác. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều nghị quyết, quyết định, quy hoạch để phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững, trở thành trung tâm du lịch hiện đại, trung tâm văn hoá, dịch vụ, logistics, phát triển kinh tế biển, phát triển công nghiệp văn hoá; đồng thời yêu cầu có các chính sách huy động nguồn lực để phát triển Phú Quốc theo mục tiêu đề ra, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước.

Nghị quyết 78/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Theo Thủ tướng, việc phát triển du lịch Phú Quốc sẽ góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới; phát triển du lịch Phú Quốc theo hướng xanh, bền vững, có bản sắc riêng trong tổng thể bản sắc du lịch Việt Nam.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và thành tựu mà thành phố Phú Quốc đã đạt được; đồng thời chỉ rõ, Phú Quốc phải giải bài toán phát triển "nóng", chưa thực sự bền vững và chưa dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường…

Nhấn mạnh cần xây dựng thành phố đảo Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, sinh thái, trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại, phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp văn hoá mang tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới để thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy hoạch đã được phê duyệt để có lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả, bám sát, khai thác và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Cần huy động và khơi thông mọi nguồn lực phát triển, lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa, hiệu quả với nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, quản trị hiện đại…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên; kết hợp giữa nguồn lực Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay, vốn tài trợ và nguồn vốn xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư. Quy hoạch lâu dài, chiến lược còn thực hiện có thể phân kỳ, phù hợp điều kiện nguồn lực; với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".

Cùng với đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại về: Giao thông (đường bộ, hàng không, cảng biển); hạ tầng xã hội, đô thị (điện, nước, xử lý rác thải, nước thải); hạ tầng du lịch; hạ tầng văn hóa; hạ tầng giáo dục – đào tạo, nhất là đào tạo kỹ năng nghề; hạ tầng y tế; hạ tầng chuyển đổi số, công nghệ thông tin; hạ tầng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chú trọng thực hiện đột phá đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo đảm nhân lực cho nhu cầu phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…; có chính sách phù hợp, khuyến khích, đa dạng hóa các loại hình đào tạo (hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác với doanh nghiệp đặt hàng…).

Tập trung xây dựng hệ thống y tế hiện đại để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân và du khách, nhất là với những trường hợp khẩn cấp. Làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sinh thái trên cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và nâng cao ý thức người dân; chú trọng công tác bảo vệ rừng, sinh thái biển để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Phát huy truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng, bản sắc của Phú Quốc và Kiên Giang; kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, trong nước và quốc tế; tạo điều kiện, khuyến khích cho các hoạt động để phát triển xanh, bền vững như phát triển công nghiệp văn hóa, tổ chức các hội nghị lớn để quảng bá Phú Quốc với bạn bè quốc tế…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị của người dân và doanh nghiệp để giải quyết trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới đất đai; thực hiện nghiêm quy hoạch được duyệt, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm; tránh tình trạng manh mún.

Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, bảo đảm an sinh xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, không để ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm sự bình yên cho người dân và du khách, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí biển Hòn Thơm, thành phố Phú Quốc, quy mô đầu tư 50.000 tỷ đồng./.

Nguyễn Khắc Từ 

...