Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 50%, huyện Phú Lương xác định công tác giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Phú Lương đã tập trung nguồn lực, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó huyện tập trung hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho người dân, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi... Đồng thời xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi, gia súc, gia cầm trên cơ sở hỗ trợ người dân về con giống, đào tạo nghề về nông lâm nghiệp.
Tận dụng được cơ hội này, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ anh Bạch Thanh Tùng, người dân tộc Tày tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Kể từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, cộng với việc bản thân không ngừng học hỏi các kiến thức khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn do xã tổ chức về phát triển kinh tế gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình nuôi ong và hiện nay gia đình anh có hơn 70 thùng nuôi ong, doanh thu đem lại khoảng 100 triệu đồng/ năm.
Hay như câu chuyện nuôi trâu sinh sản tại xã Phủ Lý cũng là một ví dụ điển hình trong việc chính quyền và Nhân dân nơi đây đã vận động người dân phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với lợi thế tại xóm vùng cao, có điều kiện thuận lợi về đất đai để trồng cỏ chăn nuôi, huyện đã định hướng phát triển nơi đây trở thành mô hình chăn nuôi trâu sinh sản.
Trước đây, cuộc sống gia đình anh Ma Văn Thái thuộc xã Phủ Lý gặp nhiều khó khăn do không có thu nhập, không có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Anh đã được hỗ trợ một con trâu giống sinh sản để chăn nuôi, tăng thu nhập. Anh đã đăng ký lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc trâu, trồng cỏ,…do UBND xã tổ chức. Sau đó anh đã vận dụng những kiến thức đã học được áp dụng trong việc chăm sóc để trâu có thể phát triển và sinh sản tốt. Anh hy vọng sớm thoát khỏi hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Bà Đỗ Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện cho biết: “Hằng năm, các xã, thị trấn đã rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn và thế mạnh kinh tế địa phương. Các ngành nghề được tập trung đào tạo cho lao động nông thôn là: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sửa chữa và may mặc,...Đến nay thông qua chương trình đào tạo nghề đã có nhiều người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...”.
Từ năm 2020 cho đến nay, toàn huyện có hơn 8.000 lao động được tạo việc làm mới. Trung bình mỗi năm huyện Phú Lương tạo việc làm mới cho khoảng 1.600 người. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện sẽ đạt 70%, trong đó tỷ lệ người lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo của Phú Lương giảm dần qua các năm từ 5,39% cuối năm 2021 xuống còn 2,68% cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo.
Năm 2024, huyện Phú Lương tiếp tục tập trung các nguồn lực, trong đó triển khai giải ngân và hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, trên cơ sở lồng ghép các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề đã và đang triển khai. Toàn huyện phấn đấu trong năm giảm thêm từ 400-500 hộ nghèo và cận nghèo, đồng thời duy trì hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống người dân, chống tái nghèo và tạo sinh kế bền vững.
Có thể nói, các lớp đào tạo nghề đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề. Các học viên được giáo viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, giải đáp nhiều bất cập, vướng mắc, từ đó học viên nắm chắc những kiến thức, kỹ năng nghề và vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.