01/11/2024 lúc 03:24 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân. Từ đó đã giúp cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội giảm nghèo, cận nghèo bền vững.

Để việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN có hiệu quả, đã có nhiều văn bản được ban hành. Các cấp tỉnh, huyện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình; 100% xã thành lập ban quản lý xã, ban phát triển thôn, tổ công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng và ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức, do đó CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đang được các cấp, các ngành, dư luận xã hội và người dân đặc biệt quan tâm, tích cực vào cuộc để tổ chức triển khai thực hiện.

Các hộ dân người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ rất vui mừng khi được nhận những con lợn giống khỏe mạnh. (Ảnh: Trọng Tài)

Tại huyện Đồng Hỷ, để từng bước thực hiện thành công CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình. Từ nguồn vốn được bố trí, đến nay, huyện đã cơ bản thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra như là: Giao thông, trường học, nhà văn hóa theo kế hoạch. Toàn bộ 100% số xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có đường giao thông kiên cố nối với trung tâm xã, các thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có đường giao thông được kiên cố hóa bằng bê tông hoặc rải cấp phối, góp phần đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại, giao thương giữa các vùng miền. Ngành giáo dục cũng có những đổi thay tích cực, hệ thống trường lớp cơ bản được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng có nhiều đổi thay tích cực khi các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có trạm y tế, các hộ gia đình được dùng điện thắp sáng, các thôn, bản đều có nhà văn hóa kiên cố để sinh hoạt...

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Đồng Hỷ chú trọng đến việc tạo sinh kế để nhân dân phát triển kinh tế. Trong đó, xã Hợp Tiến được biết đến là địa bàn khó khăn của huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của người dân phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản, vì vậy thu nhập của người dân còn bấp bênh. Từ nguồn của dự án Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Hợp Tiến đã hỗ trợ người dân thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm. Tính từ tháng 1/2024, trên địa bàn xã Hợp Tiến có 37 hộ dân là người dân tộc thiểu số đăng ký chăn nuôi lợn thương phẩm, với tổng số 110 con lợn giống (ước tính khoảng 10kg/con). Số lợn giống trên đã được UBND xã Hợp Tiến giao cho đơn vị cấp giống, bàn giao đến các hộ dân nuôi và chăm sóc, từ đó giúp người dân thoát nghèo,…

Ông Lê Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Trọng Tài)

Theo ông Lê Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ cho hay: Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn được hỗ trợ từ dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, UBND Hợp Tiến huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân và thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình được Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho người dân. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo kế hoạch. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trên địa bàn toàn xã.

Tại huyện Định Hóa, để đảm bảo sự thống nhất cũng như nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các xã, thị trấn chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện. Huyện đã dành nguồn vốn để triển khai nhiều dự án thành phần của chương trình, ưu tiên các dự án trọng điểm để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS…

Thời gian tới, để triển khai chương trình đạt được thành quả tích cực, các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các cấp tại mỗi địa phương tiếp tục tập trung triển khai tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương có liên quan đến công tác dân tộc nhằm tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình; hướng dẫn về định mức vốn; các chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế, phát triển nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng…

Có thể nói, việc thực hiện hiệu quả CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các địa phương còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS sẽ có thêm nhiều khởi sắc.

Vũ Đạt