22/11/2024 lúc 12:14 (GMT+7)
Breaking News

Chè Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất

Xác định cây chè là tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh, nhiều năm qua, Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, để chè Thái Nguyên vươn xa hơn nữa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh vùng chè rất cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà khoa học và những ứng dụng khoa học công nghệ mang tầm quốc tế.

Tỉnh Thái Nguyên xác định cây chè là tiềm năng, thế mạnh, nên nhiều năm qua tỉnh đã quan tâm, tập trung đầu tư phát triển theo định hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, đẩy mạnh chế biến, vừa nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý, thiết lập mã số vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hợp tác xã chè Tuyết Hương có trụ sở tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ hoạt động được gần 12 năm, với diện tích vùng chè nguyên liệu là 25ha, trong đó có 15 ha đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 10ha chè hữu cơ. Hợp tác xã luôn coi trọng chất lượng sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã bao bì nên các sản phẩm chè của doanh nghiệp ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Hiện hợp tác xã đang cung cấp ra thị trường 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và cũng là đơn vị được dán tem truy xuất nguồn gốc đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.

Vùng nguyên liệu chè của Hợp tác xã Tuyết Hương đang áp dụng sản xuất chè theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã chè Tuyết Hương chia sẻ: Hiện nay, việc chăm bón và chế biến chè của doanh nghiệp đều đã có các máy móc thiết bị hiện đại, ô tô có thể lên tận bãi, việc tưới nước được lắp hệ thống tự động, sấy và đóng gói chè cũng đã có máy móc… Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận với công nghệ hái chè của Đài Loan, vừa tiết kiệm nhân công và vừa nâng cao công suất vì hiện này khâu hái chè tốn rất nhiều nhân công, trong khi thời vụ thu hoạch lại ngắn, nhiều lúc không hái kịp, búp chè phải bỏ lại nên rất lãng phí.

Chè Thái Nguyên hiện đang được thu hoạch chủ yếu bằng phương pháp thủ công và chế biến bằng 2 phương pháp: bán thủ công và công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến chè đã đầu tư dây chuyền chế biến liên hoàn bán tự động từ khâu sao diệt men đến vò, làm khô và đóng gói sản phẩm. Sản lượng chè chế biến đạt khoảng 53.500 tấn/năm, trong đó chế biến công nghiệp tại các doanh nghiệp đạt 20% chủ yếu là chè xanh, chè đen phục vụ xuất khẩu, còn lại 80% là chế biến bằng phương pháp bán thủ công. Chè Thái Nguyên đã được ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất và đã được đa dạng hóa sản phẩm, chế biến tinh, sâu, đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, nhiều sản phẩm đã đạt giải cao tại các cuộc thi chè quốc tế. Tuy nhiên sự phát triển của chè Thái Nguyên hiện nay chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh vùng chè. Người làm chè Thái Nguyên mong muốn được chuyển giao công nghệ phát triển sản xuất các sản phẩm trà mới như các loại chè ướp hương, Hồng trà, Oolong Trà, Matcha và các sản phẩm khác từ trà như Tinh dầu trà, Cao trà, sữa tắm, dung dịch vệ sinh từ trà… Ngoài ra, người trồng chè cũng mong muốn được tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật, công nghệ phát triển chuỗi giá trị chè từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ gắn với văn hóa trà và du lịch sinh thái… Đặc biệt, để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, chè Thái Nguyên cần được thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo công nghệ Blockchain.

Trước những nhu cầu thực tế trên, Tỉnh Thái Nguyên mong muốn được các cơ quan trung ương, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, tạo điều kiện hơn về cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí để tỉnh Thái Nguyên thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực khoa học và công nghệ nói riêng, nhất là việc phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ chế biến sâu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chè để ngày càng đáp ứng tốt hơn, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xứng đáng với danh tiếng “Đệ Nhất Danh Trà”.

Đại biểu thuộc ĐSQ một số nước tham quan vườn chè của HTX Hảo Đạt để tìm hiểu trước khi áp dụng giải pháp sinh học SOFIX.

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Khoa học Công nghệ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản cho biết: “Hiện nay, nhiều địa phương ở Nhật Bản đang áp dụng giải pháp sinh học SOFIX cho cây trồng, giải pháp này giúp nhà nông phân tích sâu gần 20 chỉ tiêu dinh dưỡng thổ nhưỡng, từ đó người nông dân sẽ đưa ra phương pháp chăm sóc tối ưu nhất cho cây trồng nói chung và cây chè nói riêng. Phương pháp này có thể áp dụng trên cây chè của Thái Nguyên để nâng cao giá trị sản phẩm trà”. Theo ông Trần Đông, Trưởng Văn phòng Khoa học Công nghệ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt, CHLB Đức cũng chia sẻ: “Chè Thái Nguyên có thể chinh phục thị trường phương Tây bởi hiện nay, nhu cầu của người dân Đức trong thưởng trà đang bắt đầu hướng đến các dòng sản phẩm thức uống từ trà mang lại giá trị cao trong bảo vệ sức khỏe, đây cũng là một gợi mở cho người trồng chè Thái Nguyên trong ứng dụng công nghệ để đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu ở một thị trường mới”.

Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung phát triển ngành chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững. Các sản phẩm trà truyền thống chất lượng cao sẽ được chú trọng phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao mang tầm quốc tế trong canh tác và chế biến chè, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến chè. Sự hợp tác và liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ là chìa khóa để đưa ngành chè Thái Nguyên phát triển bền vững và vươn tầm quốc tế.

Khánh Duy - Hồng Nguyễn